Số liệu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 và 9 tháng năm 2020
Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng có dấu hiệu tăng trở lại, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn nhiều tỉnh/thành phố đã mở cửa trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ 0,7%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Chín ước tính đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý III/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với quý trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.022,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% và tăng 8,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% và giảm 7,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, tăng 161,3% và giảm 59,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 141,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,8% và giảm 2,8%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt 2.907,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 8,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,8%; may mặc tăng 0,8%; phương tiện đi lại giảm 1,7%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 2,2%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Hải Phòng tăng 11,3%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 10%; Hà Nội tăng 9,6%; Bình Định tăng 4,9%; Quảng Nam tăng 3,4%; Thanh Hóa tăng 3,2%; Cần Thơ tăng 2,9%; Nghệ An tăng 2,4%; Đà Nẵng giảm 6%; Khánh Hòa giảm 2%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay ước tính đạt 369,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 15% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Khánh Hòa giảm 59,8%; Quảng Nam giảm 53,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 41,3%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 39,9%; Đà Nẵng giảm 35,7%; Cần Thơ giảm 24,7%; Bình Định giảm 16,3%; Thanh Hóa giảm 16,2%; Hà Nội giảm 15,7%; Tiền Giang giảm 14,5%; Kiên Giang giảm 9,3%; Hải Phòng giảm 9,2%; Đồng Tháp giảm 8,5%; Quảng Ninh giảm 7,4%; Bình Dương giảm 2,2%.
Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng ước tính đạt 14,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 56,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,9%). Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 78,7%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 73,7%; Quảng Nam giảm 70,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 68,5%; Đà Nẵng giảm 68,1%; Cần Thơ giảm 57,1%; Quảng Ninh giảm 49,8%; Bình Định giảm 44,3%; Hà Nội giảm 42,6%; Thanh Hóa giảm 39,9%; Hải Phòng giảm 34,9%.
Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng ước tính đạt 383 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu của Quảng Nam giảm 37%; Đà Nẵng giảm 18,9%; Thanh Hóa giảm 12%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 8,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 8,2%; Hà Nội giảm 5,1%; Cần Thơ giảm 3,8%; Hải Phòng giảm 3,7%.