Số lượng doanh nghiệp đăng ký 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,3%
Tháng 6/2024, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3%
Tháng 6/2024, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có gần 80,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 744,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 512 nghìn lao động, tăng 6,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký và tăng 0,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2024 là 1.537.122 tỷ đồng (giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 744.238 tỷ đồng (tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023). Có 23.093 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 6 tháng đầu năm 2024 (giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2023), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 792.884 tỷ đồng (giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2023).
Có 9/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas tăng 15,7%; Xây dựng tăng 2,5%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy tăng 13,8%; Vận tải kho bãi tăng 20,8%; Thông tin và truyền thông tăng 4,9%; Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 1,4%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 8,3%; Hoạt động dịch vụ khác tăng 6,2%.
Các ngành còn lại có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 2,3%; Khai khoáng giảm 15,5%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 12,3%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 5,4%; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ giảm 4,2%; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ khác giảm 8,4%; Giáo dục và đào tạo giảm 1,2%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 15,1%…
Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 – 10 tỷ đồng) với 74.311 doanh nghiệp (chiếm 92,3%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 60.670 doanh nghiệp, chiếm 75,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 19.031 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 781 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,0% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,3%.
Các vùng kinh tế – xã hội trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023: Đồng bằng Sông Hồng có 25.172 doanh nghiệp, tăng 2,8%; Trung du và miền núi phía Bắc có 4.141 doanh nghiệp, tăng 8,1%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 9.295 doanh nghiệp, tăng 0,8%; Tây Nguyên có 2.090 doanh nghiệp, tăng 5,2%; Đông Nam Bộ có 33.978 doanh nghiệp, tăng 9,7%; Đồng bằng Sông Cửu Long có 5.806 doanh nghiệp, tăng 7,7%.
Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 39 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 3/17 lĩnh vực, cụ thể: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (16.364 doanh nghiệp, tăng 21,3%); Thông tin và truyền thông (834 doanh nghiệp, tăng 8,5%); Hoạt động kinh doanh bất động sản (1.577 doanh nghiệp, tăng 11,4%).
Các ngành còn lại ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm, cụ thể: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (493 doanh nghiệp, giảm 8,5%); Khai khoáng (252 doanh nghiệp, giảm 14,0%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (542 doanh nghiệp, giảm 11,7%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.050 doanh nghiệp, giảm 5,5%); Xây dựng (4.459 doanh nghiệp, giảm 8,4%); Vận tải kho bãi (1.665 doanh nghiệp, giảm 6,8%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.766 doanh nghiệp, giảm 8,4%); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (313 doanh nghiệp, giảm 11,6%); Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (2.716 doanh nghiệp, giảm 1,1%); Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (1.746 doanh nghiệp, giảm 13,7%); Giáo dục và đào tạo (878 doanh nghiệp, giảm 11,5%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (184 doanh nghiệp, giảm 1,6%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (267 doanh nghiệp, giảm 16,0%); Hoạt động dịch vụ khác (1.024 doanh nghiệp, giảm 3,8%).
Tính chung số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 120 nghìn doanh nghiệp, là mức cao nhất trong giai đoạn 2019-2024 và cao hơn mức trung bình 116,7 nghìn doanh nghiệp của cùng kỳ các năm 2022-2024, là giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19. Tính riêng trong tháng 6 năm 2024, chỉ tiêu này gấp 1,3 lần trung bình giai đoạn 2019-2023 và gấp 1,8 lần số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đang có dấu hiệu phục hồi, tạo ra những cơ hội kinh doanh mới trong nửa cuối năm 2024 nhờ những tín hiệu phục hồi từ kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức trên 80 nghìn doanh nghiệp, vượt qua mức trung bình của hai năm gần đây (76 nghìn doanh nghiệp) và gấp 1,2 lần trung bình giai đoạn 2019-2021. Thống kê theo quý, số lượng doanh nghiệp thành lập trong quý II năm 2024 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 44.238 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 39.130 doanh nghiệp, trung bình giai đoạn 2022-2024 đạt trên 39 nghìn doanh nghiệp.
Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 thuận lợi hơn quý I/2024 với 37,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn; 41,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Chỉ số cân bằng chung của quý II/2024 là 16,4%, đây là quý có chỉ số cân bằng chung cao thứ ba kể từ sau đại dịch Covid-19 (thấp hơn quý II/2022 với 20,4% và quý IV/2021 với 19,1%), trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước có chỉ số cân bằng cao nhất. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có sự phục hồi rõ nét nhất với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định các yếu tố “khối lượng sản xuất”, “đơn đặt hàng”, “đơn đặt hàng xuất khẩu” và “sử dụng lao động” tăng so với quý I/2024 lần lượt là 45,6%, 40,1%, 40,7% và 31,7%.
Dự kiến quý III/2024, có 40,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2024; 42,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 83,2% và 82,7%. Dự báo chỉ số cân bằng chung quý III/2024 đạt 23,6%.
Về khối lượng sản xuất, có 38,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II/2024 tăng so với quý I/2024; 40,5% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 20,8% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý III/2024 so với quý II/2024, có 39,8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 44% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 16,2% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng, có 34,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý II/2024 cao hơn quý I/2024; 44,3% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 21,1% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý III/2024 so với quý II/2024, có 38% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 45,8% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 16,2% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý II/2024 so với quý I/2024, có 28,8% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 49,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 21,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý III/2024 so với quý II/2024, có 33,1% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 50,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 16,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý II/2024 tốt hơn quý I/2024 với 26,4% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn; 42,9% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 30,7% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn. Dự báo quý III/2024 so với quý II/2024, các doanh nghiệp xây dựng nhận định tốt lên với 28,8% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 43,1% nhận định giữ ổn định và 28,1% dự báo khó khăn hơn.