Sở Tài chính với nhiệm vụ quản lý tài chính đất đai

Theo chinhphu.vn

(Taichinh) - Liên Bộ Tài chính – Nội vụ đang dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó, Liên Bộ đề xuất cụ thể nhiệm vụ của Sở Tài chính về quản lý tài chính đối với đất đai.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo dự thảo, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Sở Tài chính là chủ trì thẩm định bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh; là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định giá đất tại địa phương, có trách nhiệm tổ chức thẩm định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, trình UBND cấp tỉnh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; mức tỷ lệ phần trăm (%) cụ thể để xác định đơn giá thuê đất theo từng khu vực, tuyến đường, tương ứng với từng mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh đó, chủ trì xác định và trình UBND cấp tỉnh quy định mức tỷ lệ (%) để tính thu tiền thuê đối với đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước, mức tiền thuê mặt nước; xác định các khoản được trừ vào tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất phải nộp; kiểm tra, thẩm định các khoản kinh phí tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất.

Như vậy, so với quy định tại Thông tư liên tịch số 90/2009/TTLT-BTC-BNV hiện đang được áp dụng, nhiệm vụ về quản lý tài chính đối với đất đai của Sở Tài chính được nêu rõ hơn, cụ thể hơn.

Cơ cấu tổ chức

Về cơ cấu tổ chức, theo dự thảo, Sở Tài chính có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc; đối với Sở thuộc UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có không quá 4 Phó Giám đốc.

Sở Tài chính gồm văn phòng; thanh tra; các phòng chuyên môn, nghiệp vụ; chi cục (nếu có) và đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).

Trong đó, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Phòng Quản lý ngân sách; phòng Tài chính đầu tư; phòng Tài chính Hành chính sự nghiệp; phòng Tin học và Thống kê tài chính và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác (Số lượng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác thuộc Sở Tài chính không vượt quá 2; riêng Sở Tài chính Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không vượt quá 4).

Dự thảo nêu rõ, Giám đốc Sở Tài chính thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định tên gọi và số lượng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác đảm bảo bao quát đầy đủ các lĩnh vực quản lý tài chính – ngân sách, tài sản nhà nước (công sản), giá, quỹ tài chính, tài chính doanh nghiệp. Không nhất thiết các Sở phải thành lập đủ số lượng phòng chuyên môn, nghiệp vụ như quy định nêu trên.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.