Hoàn thiện mức chi tổ chức, hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phù hợp thực tiễn
Chiều 10/7, với 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban đã thống nhất về mặt nguyên tắc về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027.

Mức chi dự kiến tăng hơn 9.000 tỷ đồng
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo nguyên tắc tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phù hợp với việc đổi mới, sắp xếp bộ máy. Mức chi đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao về hoàn thành chỉ tiêu được Đảng và Chính phủ giao về phát triển đối tượng; đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để chi trả chế độ và cải cách thủ tục hành chính phù hợp với cân đối thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, một số nội dung chi chính theo nguyên tắc chi tiền lương và thu nhập tăng thêm tuân thủ theo Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/06/2024 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chi hành chính theo định mức của cơ quan hành chính nhà nước; chi chế độ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ cho người lao động của ngành Bảo hiểm Xã hội theo thực tế.
Về mức chi và một số nội dung chi, theo Bộ trưởng, mức chi bình quân giai đoạn 2025-2027 là 1,28%, giảm 0,12% so với giai đoạn thực hiện 2022-2024. Về số tuyệt đối dự kiến tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với thực hiện giai đoạn 2022-2024 do các yếu tố: tăng chi chế độ cho người lao động theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP; tăng chi nhiệm vụ chuyên môn do tăng số lượng tham gia và thụ hưởng chế độ bình quân trong giai đoạn 2025-2027; người hưởng hương hưu trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tăng 11,1%; người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 13,1% so với giai đoạn 2022-2024; số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng 22,8%; tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 17,3%; tham gia bảo hiểm y tế tăng bình quân 5,3%/năm so với giai đoạn 2022-2024; tăng kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi đổi số.
Về tiền lương, mức chi tiền lương hiện hưởng của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 bằng 1,8 lần với lương cơ sở là 1,49 triệu đồng. Từ năm 2025, khi lương cơ sở tăng hơn 2,34 triệu đồng, tiền lương của ngành Bảo hiểm xã hội chỉ tương đương là 1,23 lần, thấp hơn công chức.
Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng mức tiền lương và phụ cấp bao gồm các phụ cấp công vụ, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực như công chức để phù hợp sau khi bảo hiểm xã hội là đơn vị thuộc Bộ Tài chính có nhiệm vụ tổ chức thực hiện tham gia xây dựng chính sách.
Về cơ chế sử dụng số vượt dự toán để động viên, khích lệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phần chênh lệch tăng thêm khi vượt dự toán được bổ sung thu nhập, khen thưởng, phúc lợi cho người lao động không bao gồm thay đổi chính sách tối đa theo cơ chế tài chính do Chính phủ quy định.
Về kinh phí thực hiện chế độ Nghị định số 178/2024/NĐ-CP cho người lao động dự kiến khoảng 1.900 tỷ đồng cho khoảng 2.500 cán bộ. Tuy nhiên, số lượng người nghỉ hưu, chế độ, chế độ sẽ tiếp tục thay đổi và khó dự báo chính xác hơn. Để kịp thời bố trí kinh phí cho người lao động, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh mức chi theo thực tế và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện.
Bộ trưởng cho hay, Nghị quyết số 62/2024/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 ngày 08/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024
Nghị quyết số 62/2024/UBTVQH15 được áp dụng đến hết ngày 30/6/2025. Do đó, để đảm bảo liên tục, Chính phủ kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 và áp dụng cho năm tài chính 2025.
Áp dụng mức tiền lương và phụ cấp như công chức
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về tên gọi của Nghị quyết, cơ quan chủ trì thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính và Cơ quan soạn thảo thống nhất điều chỉnh tên Nghị quyết thành “mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027” để phù hợp với quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 120 Luật Bảo hiểm xã hội.
Ủy ban cơ bản thống nhất với mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo đề xuất của Chính phủ. Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả việc thực hiện cơ chế chi cho tổ chức và hoạt động, trong đó lưu ý việc chi cho các nghiệp vụ chuyên môn như quản lý thu - chi, phát triển đối tượng tham gia và tổ chức các phương thức thực hiện qua hoạt động dịch vụ. Đồng thời, cần từng bước giảm chi qua bên thứ ba như các đại lý bảo hiểm xã hội, bưu điện... nhằm tăng hiệu quả chi tiêu và giảm chi phí trung gian.
Thường trực Ủy ban tán thành cần có cơ chế tiền lương, thu nhập cho người lao động của ngành Bảo hiểm xã hội nhằm kế thừa quy định hiện hành, động viên, khích lệ người lao động của Ngành. Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo mức tiền lương bình quân của Ngành hiện hưởng. Đồng thời, so sánh mức tiền lương hiện hưởng với mức tiền lương theo đề xuất mới. Bên cạnh đó, cần quy định rõ về mức tiền lương mà Ngành được hưởng trong giai đoạn 2025-2027, bảo đảm phù hợp với đặc thù ngành, tương quan phù hợp với các cơ quan khác.
Làm rõ một số nội dung Thường vụ Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, liên quan đến mức chi tiền lương và cơ chế bổ sung thu nhập cho người lao động, việc quy định tỷ lệ cụ thể như Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 trước đây có bất cập do thời gian tới sẽ bỏ hệ số và mức lương cơ sở, xác định mức lương công chức là theo vị trí việc làm. Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng mức tiền lương và phụ cấp như công chức để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội là đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Về cơ chế khuyến khích từ số vượt dự toán, mức trần của phần bổ sung thu nhập là một một lần lương; phần khen thưởng, phúc lợi là 3 tháng lương theo quy định của cơ chế tài chính và tương đồng như đơn vị sự nghiệp. Do nguồn thực hiện cơ chế này là từ mức chi tổ chức và hoạt động nên Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại dự thảo Nghị quyết để có cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, Chính phủ cũng thống nhất ý kiến của cơ quan thẩm tra không đưa quy định này vào dự thảo Nghị quyết.