Doanh nghiệp chế biến hạt điều gây ô nhiễm môi trường:
Sớm xử lý dứt điểm những sai phạm
Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), một thời gian dài, Công ty TNHH Quang Sơn và Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát có trụ sở, nhà xưởng chế biến hạt điều đặt trên địa bàn đã xả nước thải và khí thải gây ô nhiễm môi trường nguồn nước và không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân xung quanh. Tỉnh đã thành lập đoàn để thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 2 doanh nghiệp này và đến nay đã có kết quả thanh tra.
Hơn 10 năm nay, nhiều hộ dân ở thôn Mậu Lâm Bắc và xã Hòa Quang Bắc có rất nhiều đơn thư, kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương về tình trạng các nhà máy chế biến hạt điều trên địa bàn thường xuyên xả nước thải, khí thải có mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Chính quyền địa phương cũng có kiểm tra, nhưng cho rằng hoạt động xả thải của các doanh nghiệp này là “đúng quy trình”.
Bức xúc từ nguồn nước thải…
Theo UBND huyện Phú Hòa, hiện trên địa bàn xã Hòa Quang Bắc có 2 doanh nghiệp hoạt động chế biến hạt điều. Theo đó, Công ty TNHH Quang Sơn (Công ty Quang Sơn) bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2008, với công suất 400 tấn sản phẩm/năm. Đến tháng 10/2013, công ty này nâng công suất lên 600 tấn sản phẩm/năm.
Tháng 3/2021, Công ty Quang Sơn tiếp tục nâng công suất lên 3.000 tấn sản phẩm/năm, với quy mô hoạt động gồm hấp, chao, sấy, cắt tách và bóc vỏ lụa hạt điều. Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát (Công ty Đại Hưng Phát) bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2013 với công suất 990 tấn sản phẩm/năm. Đến tháng 9/2016, công ty này nâng công suất lên 3.000 tấn sản phẩm/năm với các hoạt động gồm hấp, sấy, cắt tách và bóc vỏ lụa hạt điều.
Từ khi 2 nhà máy này hoạt động, nhiều hộ dân ở xung quanh rất bức xúc vì tình trạng xả nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân ở đây. Ông Trần Đình Chinh ở thôn Mậu Lâm Bắc, xã Hòa Quang Bắc, cho biết: Từ khi có 2 nhà máy chế biến hạt điều đến nay, các nhà máy này thường xuyên xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nước thải từ nhà máy chảy ra ruộng, đến khu dân cư, ngấm vào nguồn nước giếng sinh hoạt. Trước đây, chúng tôi vẫn sử dụng nước giếng cho các hoạt động ăn uống, sinh hoạt, nhưng gần chục năm nay, nguồn nước giếng bị nhiễm một màu vàng đục, mùi hôi tanh nên phần lớn người dân phải bỏ giếng hoặc chỉ dùng để tắm rửa, giặt quần áo.
Không chỉ cuộc sống người dân bị đảo lộn, mà việc sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn nước thải từ 2 nhà máy này. Bà Lê Thị Lan ở thôn Mậu Lâm Bắc, bức xúc: Gia đình tôi có một khu đất sản xuất nằm cặp tường rào của Công ty Quang Sơn. Tại đây, thường xuyên có 2 nguồn nước thải từ trong nhà máy chảy ra; nước có màu đen kịt, trên bề mặt còn đóng bợn dầu mỡ, mùi hôi thối rất khó chịu.
Tuy nhiên, nếu nhìn qua sẽ không phát hiện cống xả ở đâu, vì các cống này được đặt ngầm dưới đất, chỉ thấy nước thải từ dưới đất cặp tường rào chảy ra. Trước đây, gia đình tôi trồng rau và các loại đậu, nhưng nhiều năm qua không thể sản xuất được vì rau đậu mà gặp nước thải này sẽ bị chết. Không biết trồng loại cây gì để thích ứng, hiện gia đình tôi chuyển sang trồng lúa, nhưng cũng chẳng ăn thua vì cây trồng kém phát triển
…đến ô nhiễm mùi hôi
Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, không khí ở đây cũng bị ô nhiễm bởi khí thải từ 2 nhà máy này thường xuyên thải ra môi trường có mùi hôi lẫn với khói bụi, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Theo người dân thôn Mậu Lâm Bắc, nguyên nhân xảy ra ô nhiễm môi trường không khí là do các nhà máy chế biến hạt điều lắp đặt ống khói quá thấp, có ống khói bị hư hỏng nên khói bụi không đưa được lên cao mà bay tỏa ra khu dân cư xung quanh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân quanh nhà máy. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn sử dụng vỏ hạt điều để làm chất đốt chính, khí thải từ việc đốt vỏ hạt điều là rất độc hại, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Ông Lê Văn Ninh ở thôn Mậu Lâm Bắc bức xúc nói: Ngày nào người dân ở đây cũng hít phải khói bụi ô nhiễm từ các cơ sở chế biến hạt điều, nên sức khỏe bị ảnh hưởng, bệnh tật phát sinh. Nhiều người già, trẻ em trong xóm bị các bệnh về hô hấp, viêm xoang, đau đầu, chóng mặt… do hít phải không khí bị ô nhiễm. Vào mùa nắng hoặc lúc gặp gió nồm thì các hộ dân ở tổ 16, thôn Mậu Lâm Bắc hứng chịu toàn bộ mùi hôi thối và khói bụi từ các cơ sở chế biến hạt điều thải ra. Nhiều hôm đang ăn cơm mà gặp phải mùi hôi này thì phải dừng lại, đợi đến khi bớt mùi mới có thể ăn tiếp. Nhiều gia đình muốn chuyển đi nơi khác ở, nhưng điều kiện kinh tế còn khó khăn nên chưa chuyển đi được.
Không chỉ người dân các khu dân cư gần 2 nhà máy chế biến hạt điều bị ảnh hưởng, mà còn có hàng trăm giáo viên, học sinh của các trường học ở gần cũng thường xuyên bị “tra tấn” bởi mùi hôi, khói bụi từ các nhà máy thải ra. Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Quang Bắc Đoàn Kim Quang cho biết: Từ khi có các nhà máy chế biến hạt điều, tình trạng ô nhiễm mùi hôi, khói bụi ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của nhà trường.
Việc học sinh hít phải khói bụi độc hại đã làm cho một số em bị hắt hơi, sổ mũi, thậm chí có em còn bị dị ứng. Có thời điểm nhà máy thải ra khói bụi nhiều, nhà trường phải dừng việc dạy và học, cho học sinh xuống sân trường nghỉ ngơi, chờ bớt khói bụi thì mới cho học sinh học trở lại. Nhà trường đã nhiều lần báo cáo tình trạng ô nhiễm này lên UBND xã và Phòng GD-ĐT huyện, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Ngành chức năng nói xả thải “đúng quy trình”
Trong khi người dân xã Hòa Quang Bắc ròng rã kêu cứu hàng chục năm trời, chính quyền địa phương lại cho rằng, hoạt động xả thải của 2 doanh nghiệp chế biến hạt điều này là “đúng quy trình”…
Ông Nguyễn Đình Nghi - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Phú Hòa, cho biết: Qua phản ánh của người dân, Phòng TN&MT huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tiến hành kiểm tra 2 doanh nghiệp chế biến hạt điều này. Qua kiểm tra, nước thải sản xuất của Công ty Quang Sơn sử dụng bằng bét nước phun sương cho hạt điều, số lượng ít không đáng kể, nước thải qua hệ thống xử lý của công ty đúng quy trình. Vị trí phía nam tiếp giáp với tường rào của Công ty Quang Sơn là đất sản xuất mà người dân phản ánh xả nước thải, qua kiểm tra thực địa không phát hiện ống nước xả thải nào.
Trong quá trình sản xuất, Công ty Quang Sơn có sử dụng nguyên liệu vỏ hạt điều làm chất đốt, nhưng chưa có quy định nào cấm đốt vỏ hạt điều nếu đảm bảo về môi trường. Đối với Công ty Đại Hưng Phát, việc ô nhiễm là do ảnh hưởng của mưa bão cuối năm 2020 khiến hệ thống thoát nước mưa bị sự cố, doanh nghiệp đã khắc phục.
Còn về khói bụi, trước đây Công ty Đại Hưng Phát thừa nhận do công tác vệ sinh nồi hơi không đảm bảo dẫn tới khói phát tán ra ngoài, hiện tại công ty đã khắc phục. Tháng 12/2020, Phòng TN&MT huyện đã mời một đơn vị có chức năng ở tỉnh Khánh Hòa lấy mẫu nước thải, khí thải để xét nghiệm, kết quả phân tích, các thông số đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Quang Bắc Đoàn Kim Quang: Từ khi có các nhà máy chế biến hạt điều, tình trạng ô nhiễm mùi hôi, khói bụi ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của nhà trường. Việc học sinh hít phải khói bụi độc hại đã làm cho một số em bị hắt hơi, sổ mũi, thậm chí có em còn bị dị ứng. Có thời điểm nhà máy thải ra khói bụi nhiều, nhà trường phải dừng việc dạy và học...