Nước sạch và vệ sinh môi trường được ưu tiên hàng đầu trong ứng phó biến đổi khí hậu
Nước sạch và vệ sinh môi trường luôn được coi là yếu tố mang tính chất sống còn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Và cũng là vấn đề lớn mà thế giới phải đối mặt trong nhiều năm qua.
Biến đổi khí hậu và tài nguyên nước có mối liên hệ mật thiết với nhau. Những thay đổi về mô hình và cường độ mưa dẫn đến quá nhiều hoặc quá ít nước, ảnh hưởng đến nhu cầu nước và an ninh lương thực, sinh kế, phát triển kinh tế và làm tăng nguy cơ và tính dễ bị tổn thương trước thiên tai.
Theo đó, biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực to lớn đến các vấn đề về vệ sinh môi trường và nước (WASH). Nhưng đồng thời, WASH cũng mang lại cơ hội lớn để đóng góp vào các mục tiêu thích ứng và giảm thiểu tác động toàn cầu. Thông qua việc xây dựng kế hoạch WASH với phát thải carbon thấp đáp ứng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nghiên cứu cả 2 lĩnh vực nước và biến đổi khí hậu và nêu rõ lý do tại sao cần tăng cường tập trung vào khả năng chống chịu với khí hậu của các chương trình về vệ sinh môi trường và nước sạch.
Theo đó, báo cáo này hướng tới nhà hoạch định ngành, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước và khí hậu trong quá trình xây dựng và thực hiện các nghị quyết, chiến lược và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cần xem xét đến các 3 thông điệp chính như sau:
Thứ nhất, nước là yếu tố chính mà qua đó có thể cảm nhận và nhìn thấy được những tác động của biến đổi khí hậu thông qua các hiện tượng về thời tiết như lũ lụt, bão, sóng thần…
Thứ hai, đầu tư vào lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đây cũng là một phần của giải pháp chung về khí hậu.
Thứ ba, đầu tư tài chính vào lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trườngngày càng được coi là một khoản đầu tư thiết yếu và hấp dẫn.
Có thể thấy, những đóng góp tiềm năng mà nước sạch và vệ sinh môi trường có thể thực hiện để giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu đã được nhìn nhận đúng đắn hơn và thực sự là rất lớn.
Để thúc đẩy tiến trình hiện thực hóa, đẩy nhanh quá trình thích ứng và giảm thiểu khí hậu của các dịch vụ nước sạch và vệ sinh môi trường toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước và khí hậu cần hướng tới tập trung nỗ lực vào các hành động chính như sau: Sự liên kết giữa các ngành; Sự tham gia giữa các lĩnh vực; đầu tư tài chính cho lĩnh vực nước và biến đổi khí hậu; Tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất; nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới.
Trước đó, theo thống kê của WHO và UNICEF, hàng tỷ người trên thế giới sẽ không thể tiếp cận các dịch vụ nước uống, các dịch vụ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân một cách an toàn toàn vào năm 2030 trừ khi nỗ lực về vấn đề này phải tăng lên gấp 4 lần.
Đặc biệt, trong năm 2020, cứ 4 người thì có 1 người thiếu nước uống an toàn trong nhà và gần một nửa dân số thế giới thiếu điều kiện vệ sinh được quản lý an toàn. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng và nhu cầu cấp thiết phải được rửa tay thường xuyên bằng nước sạch trong cộng đồng.
Để đạt được khả năng tiếp cận nước sạch được quản lý an toàn vào năm 2030, tốc độ tiến bộ hiện tại ở các nước kém phát triển sẽ cần phải tăng gấp 10 lần. Ở những nơi có nguy cơ thiếu nước uống an toàn cao gấp đôi, nỗ lực này sẽ cần phải tăng tốc thêm 23 lần.
Việt Nam cũng là một trong số những nước đang hứng chịu hậu quả nặng nề của sự biến đổi khí hậu; Mức độ ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đang trong tình trạng báo động hơn bao giờ hết.
Khoảng hơn 20% dân cư chưa được tiếp cận nguồn nước sạch (khoảng 17,2 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý); Trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; Có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước.