Sốt đất sân bay Phan Thiết: Chính quyền chỉ mới chặn phần ngọn
Trong 5 tháng đầu năm 2019, thị trường bất sản (BĐS) Bình Thuận đã nổi sóng bởi thông tin dự án sân bay Phan Thiết, làm toàn khu vực TP. Phan Thiết và vùng ven lên cơn sốt, lôi kéo từ chủ đầu tư đến nhà đầu tư tham gia. Theo đó, hàng loạt dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh vẫn chào ra thị trường để đón sóng. Rất may đã bị chính quyền địa phương tuýt còi.
Sốt ảo, rao bán tràn lan
Tháng 12-2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né (Bình Thuận), trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030.
Theo đó, Chính phủ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng Phan Thiết, điều chỉnh quy mô sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 10.000 tỷ đồng, nhằm biến sân bay này thành 1 trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
Thông tin triển khai xây dựng sân bay Phan Thiết nhanh chóng làm dậy sóng thị trường BĐS Bình Thuận. Cụ thể, tại địa bàn Thiện Nghiệp - nơi dự kiến xây sân bay, xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Giới đầu cơ đất đổ dồn về săn đất, đã khiến giá đất biến động từng ngày từng giờ. Đất nông nghiệp trước đây có giá 1-2 tỷ đồng/ha, nay vọt lên 10-15 tỷ đồng/ha tùy vị trí.
Cũng trong thời gian này, thị trường BĐS Bình Thuận liên tục đón nhận nguồn cung lớn từ các dự án quy mô lớn, như dự án Dubai của Tập đoàn TTC gần 1.000ha; dự án FLC Mũi Né & Beach Resrot của Tập đoàn FLC; Tập đoàn Novaland với 2 dự án NovaHills, NovaWorld quy mô hơn 1.000ha; dự án 200ha của Tập đoàn TMS; dự án Summer Land Resort của Hưng Lộc Phát...
Thế nhưng, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều dự án chưa được chấp thuận đầu tư, hoặc đang trong giai đoạn lập thủ tục đầu tư, đã rao bán tràn lan, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Trước thực trạng này, ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận, vừa ký văn bản gửi đến 9 doanh nghiệp đầu tư xây dựng, BĐS trên địa bàn, yêu cầu chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng BĐS.
Các dự án bán “lúa non” bị tuýt còi, gồm Hamubay Phan Thiết của Công ty Trường Phúc Hải; Goldsand Hill Villa của Công ty Lộc Tú; khu dân cư Tiến Lợi của Công ty Toàn Thịnh; Ocean Light Center của Công ty Huy Hoàng; La Gi Quenpearl Marina Complex của Công ty VINAM; khu dân cư nông thôn Hàm Thắng - Hàm Liêm giai đoạn 2 của Công ty Nguyên Bình; Mũi Né Summer Land của Công ty Hưng Lộc Phát Phan Thiết.
Sở Xây dựng Bình Thuận đề nghị các công ty trên không được thực hiện, hoặc ký hợp đồng với đơn vị môi giới BĐS thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, hoặc vận dụng các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí, kể cả việc đăng tải trên mạng internet các nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch BĐS khi dự án chưa đủ điều kiện giao dịch.
Thực tế dự án sân bay Phan Thiết đang “dậm chân tại chỗ”. Năm 2015 sân bay Phan Thiết được khởi công, nhưng đến nay vẫn là bãi đất hoang, công trình đường vào sân bay Phan Thiết nối từ Tỉnh lộ 706B cũng đang thi công dang dở.
Ông Từ Văn Phước, Chủ tịch Tập đoàn Việt Úc, cho biết các dự án khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng tại Bình Thuận đang gặp nhiều khó khăn do chính quyền siết chặt công tác quản lý từ khâu quy hoạch, đầu tư, xây dựng, kinh doanh. Cụ thể, địa phương không cấp phép từng phần như trước, mà yêu cầu các dự án lập và hoàn tất thẩm định thiết kế toàn khu vực. Điều này khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí, làm mất cơ hội kinh doanh.
Tránh đầu tư theo trào lưu, lợi nhuận ảo
Đầu tư ăn theo quy hoạch và kế hoạch xây dựng hạ tầng là hình thức phổ biến được giới đầu tư vận dụng từ rất lâu trên thị trường BĐS. Theo TS. Nguyễn Anh Phong, Trường Đại học Kinh tế - Luật, việc đầu tư ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về huy hoạch, thời gian triển khai, tài chính thực hiện… đã tạo ra hệ lụy rủi ro cho nhà đầu tư, làm xáo trộn quy hoạch, gây mất an ninh trật tự, tác động tiêu cực lên thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung. Kịch bản tương tự đã từng xảy ra ở dự án sân bay Long Thành hay Phú Quốc.
Cũng theo TS. Phong, để giảm thiểu rủi ro, chính quyền địa phương, cụ thể là tỉnh Bình Thuận, không chỉ chặn lại cơn sốt mà cần công bố và minh bạch hóa các thông tin về quy hoạch, thời gian phê duyệt, thời hạn triển khai các hạng mục, thời gian hoàn thành, vận hành… tránh các thông tin đồn thổi.
Với nhà đầu tư, trước khi giao dịch cần tìm hiểu rõ nguồn gốc BĐS mình muốn đầu tư; thông tin về chủ đầu tư có đáng tin cậy và uy tín trên thị trường; xem xét tính thanh khoản và giá trị mang lại trong tương lai; chủ động nguồn lực tài chính, tránh chạy theo trào lưu và kỳ vọng lợi nhuận ảo.
Theo LS. Ngọc Đinh, Giám đốc Công ty Luật Thịnh Việt Trí, tâm lý người dân chạy theo số đông mua nhà đất, kích thích nhiều dự án phân lô được mọc lên, cả những khu đất nông nghiệp cũng được mang ra chia lô để bán mà vốn dĩ những khu đất này trước đây yên bình.
Thậm chí những nhóm người chuyên đi lừa đảo bằng cách lập ra dự án ma để bán sau đó bỏ trốn. Nhiều nhà môi giới không phải là chủ đầu tư nhưng vẫn tự xưng là chủ đầu tư, tự rao bán, đưa ra nhiều tiện ích nhằm gia tăng sự cộng hưởng của BĐS để đẩy giá lên cao, người mua nhầm tưởng mua vào và sập bẫy.
Hay do không đủ điều kiện pháp lý để mở bán nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn bán thông qua nhiều kiểu lách luật ký hợp đồng với nhiều tên gọi khác nhau, nhằm mục đích huy động vốn của khách hàng như: hợp đồng đặt chỗ, hợp đồng góp vốn, hợp tác, hợp đồng nguyên tắc…