Standard Chartered nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2019
Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam ngày 23/9 đã tổ chức Hội nghị thường niên về Dự báo kinh tế toàn cầu nửa cuối năm 2019, thu hút sự tham dự của hơn 150 lãnh đạo cấp cao đến từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Hội nghị thảo luận về tình hình căng thẳng thương mại và những tác động đến lãi suất và thị trường ngoại hối đến năm 2020, cũng như cập nhật về các xu hướng công nghệ mới nhất.
Tại hội thảo ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered (Việt Nam), chia sẻ: “Tốc độ tăng trưởng chậm lại, lạm phát ở mức thấp và rủi ro sụt giá gia tăng đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương trên thế giới trở nên linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều rủi ro địa chính trị cần được kiểm soát. Căng thẳng thương mại Mỹ Trung đã và đang tiếp tục có những ảnh hưởng lên nền kinh tế toàn cầu.
Tình hình căng thẳng tại khu vực Trung đông liên quan đến Saudi Arabia và Iran ngày càng gia tăng. Triển vọng tại châu Á có vẻ như tươi sáng hơn và chúng tôi kỳ vọng châu Á sẽ dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu trong tương lai gần. Đây dự kiến sẽ tiếp tục là một năm tích cực đối với Việt Nam nếu như các rủi ro chính yếu được kiểm soát hiệu quả.”
Còn theo ông Edward Lee, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế phụ trách khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ nhận định của Ngân hàng về triển vọng kinh tế ở quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 được dự báo sẽ chậm lại, đạt 3,4%, trong đó 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến tăng trưởng bao gồm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác, xu hướng chính sách của các ngân hàng trung ương và giá dầu. Tất cả ba yếu tố này có tác động đến tâm lý thị trường và các hoạt động kinh tế, cả đầu tư lẫn tiêu dùng.
Ông Edward Lee đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021.
Nhận định về đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm gần đây của Ngân hàng Nhà nước, lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 7/2017, ông Edward Lee cho rằng đây là động thái mang tính đón đầu trong bối cảnh Việt Nam phụ thuộc vào nhu cầu của thế giới để thúc đẩy tăng trưởng với xuất khẩu là động lực chính.
Trong ngắn hạn, đợt hạ lãi suất sẽ không có nhiều tác động lên tăng trưởng tín dụng và chi phí đi vay, thanh khoản ở thị trường trong nước tiếp tục dồi dào và chi phí đi vay qua đêm hiện ở gần mức thấp nhất trong năm.
Theo dự báo của ông Edward Lee, khả năng sẽ không có thêm động thái nào liên quan đến chính sách tiền tệ từ phía Ngân hàng Nhà nước trong thời gian từ giờ đến cuối năm.
Sự kiện thuyết trình kinh tế toàn cầu là một phần trong chuỗi thuyết trình năm 2019 của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu, Ngân hàng Standard Chartered. Sự kiện được tổ chức tại các thành phố lớn trong khu vực ASEAN nhằm cung cấp những nhận định và phân tích chuyên sâu về các xu hướng kinh tế - xã hội ở phạm vi toàn cầu, khu vực và địa phương, có khả năng sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và thương mại quốc tế.