Sự đồng thuận của doanh nghiệp là động lực để cải cách ngành Thuế
Báo cáo kết quả giám sát và khảo sát việc cải cách thủ tục hành chính thuế vừa qua đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cơ quan Thuế. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, ngành Thuế luôn xác định rõ công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính thuế nói riêng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình.
Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cụ thể về việc cải cách thu tục hành chính, quy trình nghiệp vụ về thuế để rút ngắn thời gian tuân thủ của doanh nghiệp xuống ngang bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 121,5 giờ/năm vào cuối năm 2015; và ngang bằng mức trung bình của các nước ASEAN-4 là 119 giờ vào cuối năm 2016. Để thực hiện mục tiêu này, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành Chương trình hành động với 8 nhóm giải pháp và 77 nhiệm vụ cụ thể (QĐ số 415/QĐ-TCT ngày 20/3/2015) để thực hiện đồng bộ các mặt công tác nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý thuế và đảm bảo kỷ luật, kỷ cương nội ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, các đơn vị thuộc Tổng cục và các Cục Thuế, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để cụ thể hóa thành các chương trình, đề án và các nội dung công tác đảm bảo yêu cầu đặt ra. Các Cục Thuế đã xây dựng Kế hoạch hành động và phối hợp với các Ban, ngành có liên quan tại địa phương thực hiện các giải pháp cải cách đem lại thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Những giải pháp triển khai đã có tác động trực tiếp tới quá trình tuân thủ TTHC thuế
Về cải cách thể chế chính sách: Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số quy định để báo cáo Bộ Tài chính ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền và báo cáo trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách TTHC thuế trên cơ sở tính toán chi phí tuân thủ về thời gian của doanh nghiệp và nghiên cứu, tiếp thu những thông lệ quốc tế tốt áp dụng vào quản lý thuế.
Triển khai ứng dụng CNTT: Tổng cục Thuế đã rà soát, sửa đổi toàn bộ các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu quản lý thuế và cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế. Đặc biệt là cơ quan thuế đã triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử cho các doanh nghiệp trên toàn quốc vừa tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp, vừa hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp của cán bộ thuế. Đến nay đã có hơn 98% số doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử và có 91,04% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và 82,72% doanh nghiệp nộp thuế điện tử với hơn 553.000 giao dịch nộp thuế thành công (dịch vụ nộp thuế điện tử mới triển khai từ tháng 10/2014) - Số liệu đến 27/11/2015.
Thực hiện công khai minh bạch và tăng cường kỷ cương kỷ luật trong công tác thuế: Yêu cầu cơ quan thuế các cấp thực hiện công khai minh bạch các TTHC, mẫu biểu hồ sơ, quy trình giải quyết…trên trang thông tin điện tử và tại bộ phận một cửa; Tổ chức đào tạo, tập huấn, quán triệt đến tất cả cán bộ thuế về những nội dung chính sách, thủ tục về thuế đã sửa đổi, bổ sung theo tinh thần cải cách; Chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường kỷ cương kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của cán bộ thuế với người nộp thuế (NNT) và thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ thuế; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức như VCCI, Eurocham, Kocham, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan báo chí truyền thông… để tổ chức các hội nghị đối thoại với người nộp thuế, thường xuyên nắm bắt những vướng mắc, những thông tin phản hồi của người nộp thuế để giải quyết kịp thời, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp.
Với những giải pháp đồng bộ về cải cách thể chế chính sách, đơn giản hoá mẫu hồ sơ khai thuế và áp dụng khai thuế, nộp thuế điện tử như trên, đến nay thời gian nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm được 420 giờ. Do cách tính thời gian của Ngân hàng thế giới thì kết quả của các cải cách này sẽ được ghi nhận vào Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016-2017-2018.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính
Bên cạnh những kết quả đã đạt được và được ghi nhận, đúng như những đánh giá trong các báo cáo giám sát, báo cáo khảo sát của Chương trình phối hợp giám sát Thuế - Hải quan 2015 thì vẫn còn một số điểm tồn tại và bất cập đòi hỏi cơ quan Thuế phải tiếp tục nghiên cứu để cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục thực hiện các giải pháp để cải cách thủ tục hành chính một cách hiệu quả nhất, cụ thể:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ về thuế, công khai thông tin về chính sách, thủ tục hành chính thuế; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để NNT cùng biết, hiểu và căn cứ vào đó để giám sát lại việc thực thi của cán bộ thuế; nghiên cứu để xây dựng bộ phận hỗ trợ/tiếp nhận thông tin phản hồi của NNT tại Tổng cục Thuế để hướng dẫn cho NNT về các dịch vụ khai/nộp thuế điện tử; trả lời trực tiếp vướng mắc về chính sách, thủ tục thuế để hạn chế việc thực hiện khác nhau giữa các cơ quan Thuế địa phương; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thuế theo phương châm “Chuyên nghiệp - Minh bạch - Liêm chính - Đổi mới”. Thông qua việc thực hiện chế độ trách nhiệm công vụ và cơ chế kiểm tra giám sát đối với công chức trong công tác quản lý thuế và phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng quy định và cơ sở dữ liệu để áp dụng cơ chế quản lý rủi ro đối với tất cả các khâu trong quản lý thuế, đảm bảo việc cải cách TTHC thuế tạo thuận lợi cho DN nhưng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, ngăn chặn, phòng ngừa các trường hợp gian lận, trốn thuế, chiếm dụng tiền hoàn thuế.
Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định “ngành Thuế mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và sát cánh của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và NNT để tiếp tục có thêm động lực cho quá trình cải cách và hiện đại hoá ngành Thuế, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính về thủ tục thuế, phù hợp với khu vực và thế giới”./.