Sử dụng quỹ ngoại hối: Chính phủ chưa có chủ trương
(Taichinh) - Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ mới thảo luận và đưa ra bộ khung chính sách, một định hướng nghiên cứu, chứ chưa phải là chủ trương phải sử dụng quỹ ngoại hối.
Có tăng trưởng tốt, thì mới có khả năng trả nợ
Là đại biểu duy nhất bấm nút chất vấn Phó Thủ tướng về nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đã hỏi: “Chính phủ đã và sẽ triển khai biện pháp cụ thể gì để đem lại sự an toàn, sự an dân và an toàn nợ công?”.
Cụ thể, theo đại biểu Ngân, dù tại Kỳ họp họp thứ 8 cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có một báo cáo, giải trình rất chi tiết về nợ công, nhưng khi tiếp xúc cử tri, thì cử tri vẫn rất lo lắng về sự an toàn nợ công. Cho dù Chính phủ báo cáo nợ công tuy cao và tăng nhanh, nhưng vẫn nằm trong mức giới hạn an toàn theo nghị quyết của Quốc hội.
“Vậy, vì sao có sự lỗi nhịp trong suy nghĩ về nợ công ở nước ta hiện nay? Chính phủ đã và sẽ triển khai biện pháp cụ thể gì để đem lại sự an toàn, sự an dân và an toàn nợ công?”, đại biểu Ngân hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngân, Phó Thủ tướng cho rằng, thực ra vấn đề luôn tranh cãi tỷ lệ nợ công trên GDP của các nước là phổ biến.
“Điều quan trọng nhất của nợ công chính là khả năng vay và khả năng trả nợ như thế nào và hiệu quả khoản vay rất quan trọng chứ không phải chỉ đơn thuần là một tỷ lệ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, do nhu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển hạ tầng, Việt Nam đã có mức tăng tỷ lệ nợ công cao hơn tăng tỷ lệ GDP.
Đến nay, tỷ lệ nợ công ở mức 60% GDP và giới hạn mà Quốc hội cho phép là 65% GDP.
Trong điều kiện kinh tế chưa phục hồi một chủ trương lớn đặt ra đó là Chính phủ rất thận trọng trong việc mở rộng các khoản này. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 02 vừa qua với một số biện pháp để đảm bảo nợ công.
“Ví dụ, tăng cường quản lý chi tiêu công, nhất là các khoản vay mới gắn với dự án cụ thể, cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng vay dài hạn, giảm áp lực trong ngắn hạn, tăng vay trong nước, giảm nợ nước ngoài, vay ODA ngoài nước với lãi suất thấp, thì bình quân của chúng ta hiện này là trên 1,6 một năm, chú ý sự ràng buộc với các đối tác ODA nhất là những hiệp định song phương, quản lý chặt chẽ các khoản vay, có bảo lĩnh của Chính phủ tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và đặc biệt là thu đủ nợ”, Phó Thủ tướng nói.
Điều rất quan trọng là Chính phủ tiếp tục duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đây là căn cơ nhất.
Vì, có tăng trưởng tốt, thì mới có khả năng trả nợ và tăng thu ngân sách, môi trường đầu tư tốt, sản xuất kinh doanh có hiệu quả tạo nên môi trường đầu tư tốt, hệ số tín dụng cao thì vay mới dễ được.
“Ví dụ, GDP chúng ta hiện nay 180 tỷ đồng nếu phát triển tốt lên 360 tỷ đồng, thì sẽ vay được bao nhiêu trong trần mà Quốc hội cho phép? Yêu cầu đặt ra chính là môi trường và tăng trưởng của chúng ta như thế nào?”, Phó Thủ tướng đặt giả thiết.
Không tùy tiện sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối
Về vấn đề sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối, Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ mới thảo luận và đưa ra bộ khung chính sách, một định hướng nghiên cứu,chứ chưa phải là chủ trương phải sử dụng quỹ ngoại hối.
“Vấn đề sử dụng quỹ ngoại hối như thế nào, xem xét tác động toàn diện của nó như thế nào? Cụ thể với kinh tế vĩ mô, với lạm phát, với niềm tin chính sách của nhân dân, không có sự sử dụng tùy tiện trong vấn đề này”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Bởi, quỹ ngoại hối đồng thời thể hiện sự hùng mạnh của nền kinh tế, cũng như dùng để can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần phục vụ điều hành chính sách tiền tệ.
“Chúng ta đang rất công khai, khoảng trên 35 tỷ USD, đó là cố gắng rất lớn. Nhưng, 35 tỷ USD Mỹ tương đương với trên 12 tuần nhập khẩu, không phải là quá lớn. Cho nên việc sử dụng này chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nhất là các nhà nghiên cứu kinh tế để làm sao sử dụng quỹ này hiệu quả nhất, tốt nhất, để phục vụ cho chính sách vĩ mô, đặc biệt là can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.