Chính phủ chủ động xây dựng kế hoạch trả nợ đúng hạn
(Taichinh) - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 12,6%; năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1%. Như vậy, tỷ lệ này vẫn ở dưới mức quy định là không quá 25%.
Thông tin thêm tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 27/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết,, Chính phủ đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015. Trong đó có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mới để chủ động bảo đảm nghĩa vụ trả nợ trong tương lai trong giới hạn cho phép.
Cũng tại họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, cùng ngày, Chính phủ đã tiến hành họp thường kỳ tháng 5, nghe và cho ý kiến về tình hình kinh tế xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, bàn giải pháp điều hành cho những tháng còn lại trong năm.
Theo đó, lạm phát (CPI) tháng 5 tăng 0,16%, 5 tháng tăng 0,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tăng và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng tăng 9,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tiếp tục tăng cao và đạt 9,05%...
Khó khăn nhất trong 5 tháng qua là sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 20 năm qua mới xuất hiện tình trạng hạn hán như hiện nay ảnh hưởng đến người dân, gia súc, cây trồng ở một số địa phương. Mặt khác, nông dân còn gặp khó khăn bởi sản xuất được mùa nhưng giá cả có khi không được, nhưng quan trọng nhất là tiêu thụ khó khăn. Chính phủ đã bàn rất sâu, tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục để hạn chế tối đa ảnh hưởng.
Về phương hướng, giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra từ đầu năm, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, theo sát tình hình, điều hành cho tốt, không để ảnh hưởng, biến động lớn, nhất là lãi suất, tỷ giá. Hai là tập trung thực hiện các khâu đột phá đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; phát huy các nguồn lực để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Ba là tập trung thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khắc phục hạn chế hiện nay.
“Thủ tướng nhấn mạnh rằng phải rà soát lại tất cả thể chế, thủ tục, việc nào cần thì tiếp tục làm nhưng rút ngắn thời gian cho người dân như Nghị quyết 19 yêu cầu. Việc nào không còn phù hợp thì sửa hoặc đề nghị sửa bổ sung”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói./.