“Sự hiếm thấy” của CPI 2014

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) CPI tháng 12 giảm 0,24% so với tháng 11. Như vậy, CPI năm nay không chỉ tăng thấp trong các tháng có tính thời vụ theo thông lệ của cùng kỳ nhiều năm trước, mà thậm chí giảm trong cả những tháng cuối năm. Đây là nhịp độ tăng hiếm thấy trong nhiều năm.

CPI năm 2014 thấp chỉ bằng 1/4 CPI bình quân năm trong thời kỳ 2002-2013 (tăng 9,32%). So với kế hoạch (mục tiêu tăng 7%), CPI năm nay thấp chưa bằng một nửa, với ý nghĩa là vượt rất xa so với kế hoạch, điều thường ít xảy ra, không phải năm nào cũng đạt được, thậm chí hàng chục năm mới có một vài năm.

CPI giai đoạn 2002-2014

“Sự hiếm thấy” của CPI 2014 - Ảnh 1
Nguồn: Tổng cục Thống kê

CPI tăng thấp là niềm vui của người tiêu dùng, nhất là người nghèo bị thất nghiệp, thiếu việc làm, người gặp phải các rủi ro khác.

CPI tăng thấp là điều kiện quan trọng để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay- một trong những yếu tố tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn, tăng trưởng và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tiêu thụ, giảm tồn kho quay nhanh vòng vốn, giảm nợ xấu... của người sản xuất kinh doanh; tạo tiền đề để ngân hàng thương mại đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng...

Các cơ quan Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô có thể yên tâm hơn với việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, để tập trung hơn cho việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thực hiện các mục tiêu cơ bản như ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược...

Bên cạnh các yếu tố tích cực, cũng có một số yếu tố cần được cân nhắc đánh giá xem xét, vì các hiệu ứng phụ của nó. Tăng trưởng dư nợ thấp trong thời gian dài, nếu không kể phần mua trái phiếu Chính phủ (đầu tư gián tiếp), thì phần đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp thấp hơn; tăng trưởng dư nợ thấp xa so với tăng trưởng tiền gửi; tốc độ tăng tín dụng (sau 10 tháng) cho nông nghiệp, nông thôn (trừ lĩnh vực lúa gạo), cho chương trình chính sách, cho xuất khẩu, cho công nghiệp hỗ trợ, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp hơn tốc độ tăng chung, trong khi cho bất động sản cao hơn.

Số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động nhiều, tiếp tục tăng lên, kéo dài; tỷ trọng đầu tư trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm nay của khu vực ngoài nhà nước, của doanh nghiệp FDI giảm so với năm trước...

Vì vậy, chưa thể chủ quan trong việc thực hiện. Theo dự kiến năm 2015, các khó khăn về kinh tế vẫn còn nhiều. Rõ nhất là nhập siêu theo kế hoạch rất lớn (xuất khẩu năm 2014 ước đạt 150 tỷ USD, nếu tăng 10% thì kế hoạch 2015 sẽ là 165 tỷ USD; nhập siêu dự kiến 5% so với xuất khẩu, tính ra nhập siêu sẽ ở mức 8,25 tỷ USD- trong khi 11 tháng năm 2014 xuất siêu trên 2,88 tỷ USD).

Một khó khăn lớn khác là nợ công gia tăng và phần trả nợ nước ngoài đã chiếm tỷ lệ lớn so với tổng thu, so với kim ngạch xuất khẩu... Một điểm cần chú ý nữa là đồng USD lên giá tác động đến thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.