Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 11-16/1/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

Đức: GDP của Đức năm 2015 tăng trưởng 1,7%, cao hơn so với mức tăng 1,6% năm 2014. (Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức). Bên cạnh đó, dự báo kinh tế Đức năm 2016 sẽ tăng trưởng khoảng 1,8% do nhu cầu trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng. (Theo Nhà kinh tế Stefan Kipar).

Ấn Độ: Dự báo đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng trong năm 2016, ước đạt 7,4%. (Theo Công ty tư vấn toàn cầu Pricewaterhouse Coopers - PwC ngày 10/01)

Năm 2016: Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,6%; Bangladesh 6,6%; Trung Quốc6,5%; Sri Lanka 6,4%; Kenya 6,1%; Panama 6,1%; Philippines 6%; Uganda 5,6% và Dominca 5,4%.

(Theo báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 ngày 8/01của Bloomberg)

Hàn Quốc: Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Hàn Quốc là 3%, thấp hơn mức 3,2% đưa ra hồi tháng 10/2015. (Theo NHTW Hàn Quốc - BOK)

Lạm phát

Hàn Quốc: CPI của Hàn Quốc sẽ tăng 1,4% trong năm 2016, thấp hơn mục tiêu 2% đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2018, nhưng vẫn cao hơn mức tăng 0,7% ước tính cho năm 2015. (Theo NHTW Hàn Quốc - BOK)

Argentina: Lạm phát năm 2015 ở mức 30%, cao thứ 2 trong khu vực Mỹ La-tinh, chỉ sau Venezuela. Chính phủ Argentina cam kết sẽ kiềm chế lạm phát ở mức 20 - 25% trong năm 2016; giảm dần xuống chỉ còn 12 - 17% vào năm 2017 và 5% vào năm 2019.(Theo Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính Argentina Alfonso Prat-Gay)

Hy Lạp: Lạm phát của nước này trong tháng 12/2015, theo chuẩn của EU tăng 0,4%, chấm dứt 33 tháng giảm phát. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tính theo hệ phương pháp nội địa giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2014. (Theo Cơ quan thống kê Hy Lạp)

Dầu

Giá dầu kết thúc ngày 15/1/2016 giảm 6% xuống dưới mức 30 USD/thùng lần đầu tiên trong 12 năm khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc và giới đầu tư lo ngại việc Iran tăng xuất khẩu dầu, khiến tình trạng thừa cung trầm trọng hơn. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu giao kỳ hạn tháng 02/2016:

+ WTI giao tại New York giảm 1,78 USD, tương ứng 5,7%, xuống 29,42 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 11/2003.

+ Brent giao tại London giảm 1,94 USD, tương đương 6,3%, xuống 28,94 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2/2004.
Như vậy, tính chung cả tuần, WTI giảm khoảng 11%, Brent giảm hơn 14%.

Nguyên nhân:

+ Dầu lưu kho của Hoa Kỳ trong tuần kết thúc ngày 8/01 tăng nhẹ 234.000 thùng, lượng xăng lưu kho tăng mạnh 8,4 triệu thùng và lượng sản phẩm chưng cất lưu kho tăng hơn 6 triệu thùng.

+ Lo ngại tình trạng thừa cung toàn cầu tăng lên khi Iraq - nước sản xuất dầu lớn thứ 2 trong khối OPEC - có kế hoạch xuất khẩu kỷ lục 3,63 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2016.

Dự báo:

+ Theo Ngân hàng Morgan Stanley, đồng USD tăng 5%, giá dầu có thể giảm 10 - 25%. Nếu USD tiếp tục đà tăng, giá dầu có thể giảm xuống 20 - 25 USD/thùng. Dự báo, trong quý 1/2016: Brent bình quân đạt 42 USD/thùng; WTI là 39 USD/thùng.

+ Ngân hàng Societe General cũng hạ dự báo giá dầu bình quân năm 2016: Brent giảm 11,25 USD/thùng xuống 42,50 USD/thùng; WTI giảm 9,25 USD/thùng xuống 40,50 USD/thùng.

Chứng khoán

Trong tuần, Chứng khoán Mỹ giảm mạnh do giá dầu lao dốc và lo ngại kinh tế Trung Quốc. Cụ thể:

+ Chỉ số Dow Jones giảm 2,2%, xuống 15.988,08 điể;

+ Chỉ số S&P 500 giảm 2,2%, xuống 1.880,33 điểm;

+ Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,3%, xuống 4.488,42 điểm.

Tính chung cả tuần, chứng khoán châu Á giảm điểm do tác động từ đà giảm của giá dầu, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 3,15%, xuống 120,14 điểm. Các thị trường chính:

+ Nikkei 255 (Nhật Bản) giảm 2,75%, xuống 17.147,11 điểm;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 8,09%, xuống 2.900,97 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 7,71%, xuống 19.520,77 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,73%, xuống 1.878,87 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 1,21%, xuống 4.892,80 điểm.

Tỷ giá

Trong phiên giao dich ngày 11/01 tại sàn chứng khoán Moskva, đồng rúp của Nga tiếp tục giảm do tác động từ giá dầu, cụ thể:

- So với USD: Tỷ giá đồng rúp giảm xuống mức 76,31 RUB/USD, lần đầu tiên vượt qua mốc 76 RUB/USD (kể từ 16/12/2014).

- So với euro: Tỷ giá đồng rúp giảm xuống mức 83,97 RUB/euro.

Châu Á

Tính đến cuối tháng 12/2015, lượng tiền gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng Hàn Quốc đạt 58,53 tỷ USD, giảm 2,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2010. Trong đó:

- Tổng giá trị tiền gửi bằng đồng NDT giảm xuống 4,68 tỷ USD, so với 19,37 tỷ USD trong năm 2014.

+ Tổng lượng tiền gửi bằng đồng USD tăng từ 36 tỷ USD lên 47,25 tỷ USD, trong bối cảnh cán cân tài khoản vãng lai của Hàn Quốc tiếp tục thặng dư.

Lượng tiền gửi giảm do lãi suất huy động tiền gửi tại Trung Quốc giảm, làm giảm nhu cầu đối với tiền gửi bằng đồng NDT.Lãi suất trung bình đối với tiền gửi bằng đồng NDT chỉ quanh mức 2 - 2,5%/năm, so với mức 4% trước đó.

(Theo NHTW Hàn Quốc - BOK)

Ủy ban Điều phối đầu tư Indonesia (BKPM) đã chính thức ra mắt Chương trình cấp giấy phép đầu tư trong 3 giờ sau hơn 2 tháng thí điểm. Theo đó, để được hưởng ưu đãi này, các nhà đầu tư cần đáp ứng 2 điều kiện:

- Vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp ít nhất là 100 tỷ rupiah (gần 8 triệu USD);

- Doanh nghiệp tuyển dụng ít nhất 1.000 lao động địa phương.

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đưa thứ bậc xếp hạng trong Doing Business (do WB đánh giá) xuống còn 2 con số (hiện tại môi trường đầu tư & kinh doanh của Indonesia đang xếp thứ 114); ngang bằng với các nước khu vực Asean (Xét về mức độ thuận lợi trong việc khởi nghiệp của các doanh nghiệp, Indonesia hiện đứng thứ sáu trong khối ASEAN. Theo đó, các doanh nghiệp muốn có được giấy phép hoạt động tại Indonesia cần hoàn thành 10 thủ tục. Trong khi đó, tại hai nước láng giềng Singapore và Malaysia chỉ cần thông qua 3 thủ tục. Như vậy, để đạt mức thuận lợi ngang bằng với 2 quốc gia lân cận nói trên, Indonesia cần loại bỏ 70% số thủ tục).

=> Từ đó tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường thu hút đầu tư vào Indonesia.

Chương trình này giúp giảm thời gian giải quyết thủ tục, cấp phép hoạt động cho nhà đầu tư từ 23 ngày xuống còn 3 tiếng đồng hồ. Trong thời gian thí điểm, chương trình đã thu hút được 7 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư đạt 17,85 ngàn tỷ rupiah.

(Theo Hãng tin Antara của Indonesia)

Quốc hội Campuchia ngày 13/01 đã thông qua nghị quyết cho phép nước này trở thành một thành viên sáng lập của AIIB. Theo đó, Campuchia sẽ đóng góp 20% tổng số vốn đầu tư (tương đương 12,46 triệu USD) vào AIIB và số còn lại sẽ được đóng trong vòng 10 năm theo từng giai đoạn.

- Trong 11 tháng năm 2015:

+ Tổng vốn FDI đăng ký mới ở Thái Lan giảm 78%, xuống còn 93,8 tỷ baht, tương đương 2,62 tỷ USD.

+ Số dự án đăng ký mới cũng giảm 37%, còn 513 dự án.

Nguyên nhân là do kinh tế Thái Lan gặp nhiều khó khăn, thể hiện qua các chỉ tiêu: Xuất khẩu giảm; niềm tin người tiêu dùng xuống thấp; nợ của hộ gia đình tăng cao; đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước láng giềng như Campuchia, Myanmar và Việt Nam trong thu hút FDI. (Theo Ủy ban Đầu tư Thái Lan)

- Năm 2016, Thái Lan sẽ tập trung thực hiện các chiến lược nhằm tiêu thụ lượng gạo dự trữ và chương trình sản xuất, tiếp thị gạo bền vững. Tổng khối lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong cả năm 2016 sẽ ở mức 9 triệu tấn, giảm so với 10 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2015. Dự kiến đến giữa năm 2017, Thái Lan sẽ bán hết hơn 13 triệu tấn gạo hiện có trong các kho dự trữ quốc gia. Sau lần đấu thầu gạo chất lượng thấp gần đây nhất diễn ra vào đầu tháng 12/2015, số lượng gạo dự trữ hiện nay của Thái Lan hiện còn khoảng 13,7 triệu tấn. (Theo Chính phủ Thái Lan)

- Để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ dự kiến của thị trường thế giới và tình trạng hạn hán ở Thái Lan, trong niên vụ 2016 - 2017, nước này dự kiến cắt giảm sản lượng sản xuất xuống còn 25 triệu tấn lúa gạo, thay vì 31 - 32 triệu tấn trong những năm qua. (Theo Bộ Thương mại Thái Lan)

Hoa Kỳ

Kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng mặc dù chịu tác động tiêu cực từ giá dầu giảm. Các hoạt động kinh tế tại 12 ngân hàng dự trữ liên bang khu vực tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là tại Boston. Nguyên nhân chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng từ mức “nhẹ” lên mức “trung bình” tại tất cả các quận (Theo FED)

Trong tháng 12/2015, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo thêm được 292.000 việc làm, tập trung vào các ngành: Dịch vụ kinh doanh, xây dựng, y tế và nhà hàng. Trong khi, tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức 5% như hai tháng trước đó và là mức thấp nhất trong hơn 7 năm qua. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ)

Trung Quốc

Năm 2015, CPI của Trung Quốc tăng 1,4%, giảm so với mức tăng của năm 2014 là 2% và 2013 là 2,6%; đồng thời thấp hơn mục tiêu 3% mà Chính phủ đề ra. Chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) giảm 5,2%, cao hơn so với mức giảm 1,9% trong năm 2014. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc)

Năm 2015, giá trị giao dịch bất động sản ở nước ngoài của Trung Quốc có thể vượt quá 20 tỷ USD, tăng so với mức 14 tỷ USD của năm 2014. Trong đó, Anh và Australia là thị trường thu hút nhiều đầu tư nhất. (Theo báo cáo của Tập đoàn Bất động sản toàn cầu Savills)

Năm 2015, kim ngạch thương mại đã giảm 7% so với năm 2014, xuống còn 24.590 tỷ NDT (khoảng 3.740 tỷ USD) trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và giá dầu liên tục lao dốc. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mục tiêu chỉ giảm 6%, đồng thời ghi dấu năm thứ 4 liên tiếp kim ngạch thương mại không đạt mục tiêu đề ra. (Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc)

Từ ngày 16 - 18/01, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) chính thức khai chương tại Trung Quốc, với sự tham gia của đại diện của 57 nước thành viên. Ngay sau đó, AIIB chính thức đi vào hoạt động, với việc tiến hành Đại hội thành lập Ban Giám đốc, Hội đồng Quản trị... Theo đó, AIIB sẽ được quản lý theo ba nấc gồm Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị và Tầng quản lý. Trong đó:

- Ban giám đốc: Nắm giữ mọi quyền lực, bao gồm đại diện của tất cả các nước thành viên, tiến hành họp mỗi năm 1 lần.

- Hội đồng quản trị: Gồm 12 thành viên.

- Tầng quản lý: Bộ phận chịu trách nhiệm quản lý và vận hành ngân hàng thường ngày.

Nhật Bản

Trong năm 2015, chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật Bản ước đạt 3.500 tỷ yên (29,8 tỷ USD), vượt qua 2.030 tỷ yên (17,2 tỷ USD) - mức kỷ lục được thiết lập trong năm 2014. Chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật Bản tăng cao nhờ Chính phủ có những chính sách khuyến khích tiêu dùng của Chính phủ Nhật Bản, trong đó có việc mở rộng danh mục các mặt hàng được miễn thuế cho du khách lựa chọn từ tháng 10/2014. (Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Keiichi Ishii)

Số tài sản thuộc sở hữu của NHTW Nhật Bản (BoJ) tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2015 đạt hơn 383.000 tỷ yên, tăng 83.000 tỷ yên so với cuối năm 2014; trong đó có 282.000 tỷ yên công trái dài hạn. Như vậy, trong vòng ba năm (kể từ cuối năm 2012), tài sản sở hữu của BoJ đã tăng 2,3 lần. (Theo BoJ)

Nga

Giá dầu thấp đã có những tác động tích cực nhất định, giúp khôi phục kinh tế Nga và kích thích sản xuất nội địa; đồng thời giảm chi tiêu của Chính phủ vào những vấn đề không thực sự cần thiết, khi thâm hụt trong các lĩnh vực phi dầu mỏ hiện đã tăng cao. Thu nhập từ dầu mỏ ở mức cao sẽ là tác nhân ngăn cản sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao. (Theo nhận định của Tổng thống Nga Vladimir Putin)

Năm 2015, giá thực phẩm ở Nga (không kể đồ uống không cồn) đã tăng 20,2% so với năm 2014. Các mặt hàng ngũ cốc, đường, dầu hướng dương, các sản phẩm cá, trái cây và rau quả đều lên giá mạnh. Cụ thể, giá ngũ cốc và đậu tăng 41,8%, giá đường kính tăng 39,7%, trong khi giá trái cây và rau quả đồng loạt nhích 29,5%. Mức tăng của các mặt hàng cá và hải sản là 28,7%, dầu hướng dương là 31%, trứng là 17,3%. (Theo Cơ quan thống kê Liên Bang Nga - Rosstat)

Đức

Năm 2015:

- Thặng dư ngân sách 16,4 tỷ euro (17,9 tỷ USD), tương đương 0,5% GDP.Đây là năm thứ 2 Đức đạt thặng dư ngân sách;

- Tiêu dùng tư nhân tăng 1,9%, chi tiêu chính phủ tăng 2,8%;

- Xuất khẩu tăng 5,4% và nhập khẩu tăng 5,7%.

(Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức)

Thụy Sỹ

Trong năm 2015, thua lỗ của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) ước khoảng 23 tỷ franc (23 tỷ USD), trong đó: (i) 20 tỷ franc do các loại ngoại tệ mất giá; (ii) 4 tỷ franc do giá vàng sụt giảm. Tuy nhiên, mức lỗ của SNB được giảm bớt một phần nhờ thu được 1 tỷ franc do đồng nội tệ tăng giá. (Theo SNB)

Chính sách

Hàn Quốc

NHTW Hàn Quốc (BOK) ngày 13/01 đã quyết định giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5%, tháng thứ 7 liên tiếp, do lo ngại những biến động bất lợi của thị trường toàn cầu và tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. (Theo BOK)

Singapore

Khách du lịch tới Singapre sẽ có thể khai báo và nộp thuế nhập khẩu cũng như thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) thông qua một ứng dụng Customs@SG phiên bản di động, trước khi đến cửa khẩu Singapore, thay vì phải nộp thuế tại Văn phòng Hải quan hoặc các địa điểm nộp thuế.(Theo Hải quan Singapore)