Sự kiện kinh tế-tài chính thế giới tuần từ 12-17/10/2015

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Hàn Quốc: NHTW Hàn Quốc (BoK) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này so với thời điểm tháng 7/2015 từ mức 2,8% xuống 2,7% năm 2015; từ 3,3% xuống 3,2% năm 2016.

- Singapore: GDP trong quý 3/2015 đạt 0,1%, sau khi giảm 2,5% trong quý 2/2015. (Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore - MTI). Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 sẽ dao động trong khoảng 2 - 2,5%.

- Trung Quốc: GDP trong quý 3/2015 được dự báo sẽ đạt 6,9%, thấp hơn mức 7% trong quý 2/2015 (Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc).

- Séc: Tăng trưởng kinh tế Séc trong năm 2015 và 2016 sẽ đạt lần lượt 4,3% và 2,6%, cao hơn so với mức tương ứng 1,6% và 1,8% của EU. (Công ty tư vấn Ernst & Young). Các tổ chức tài chính của Séc như các ngân hàng thương mại và UniCredit Bank cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Séc đạt trên 4% trong năm 2015 - 2016.

Lạm phát

- Anh: Lạm phát trong tháng 9/2015 đã giảm xuống -0,1% so với mức 0% của tháng 8/2015 do giá nhiên liệu (Theo Cơ quan thống kê quốc gia Anh - ONS).

- Trung Quốc: CPI của Trung Quốc tăng 1,6% trong tháng 9/2015, thấp hơn so với mức tăng 2% trong tháng 8/2015 (Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc).

- Nga: Tỷ lệ lạm phát trong tháng 9/2015 đang ở mức 15,7%, cao hơn rất nhiều so với lạm phát mục tiêu 4%. Dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống khoảng 12 - 13% vào cuối năm 2015 và sẽ giảm mạnh trong đầu năm 2016.

Ngân sách

Mỹ: Trong năm tài khóa 2015 (tháng 10/2014 - 9/2015), thâm hụt ngân sách của Mỹ đạt 439 tỷ USD, chiếm 2,5% GDP. Đây là mức thâm hụt ngân sách thấp nhất kể từ năm 2008, thấp hơn cả mức trung bình của 40 năm qua. (Theo Bộ Tài chính Mỹ). Cụ thể: (i) Tổng thu ngân sách đạt 3.249 tỷ USD, tăng 8%; (ii) Tổng chi ngân sách đạt 3.688 tỷ USD, tăng 5%.

Tây Ban Nha: Dự kiến đưa mức thâm hụt ngân sách xuống tương đương 4,2% GDP trong năm 2015 và 2,8% trong năm 2016. Tuy nhiên, EC dự đoán Tây Ban Nha chỉ có thể đưa thâm hụt ngân sách về mức tương ứng là 4,5% và 3,5%, đồng nghĩa với việc nước này không đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống mức trần 3% GDP theo quy định tại Hiệp ước Tăng trưởng và ổn định của EU. Vì vậy, EC yêu cầu Tây Ban Nha trình bản dự thảo ngân sách sửa đổi để tránh những nguy cơ trên (Theo Ủy ban châu ÂU - EC).

Thặng dư thương mại

Hàn Quốc: Trong 9 tháng đầu năm 2015, thặng dư thương mại của Hàn Quốc là 66,1 tỷ USD, lớn hơn nhiều so cùng kỳ năm 2014 là 28,8 tỷ USD (Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc). Cụ thể: (i) Xuất khẩu đạt 396,9 tỷ USD, giảm 6,6%; (ii) Nhập khẩu đạt 330,8 tỷ USD, giảm 16,5%.

Trung Quốc: Trong tháng 9/2015, Trung Quốc đã đạt thặng dư thương mại ở mức 59,4 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc). Trong đó: (i) Xuất khẩu giảm tháng thứ 11 liên tiếp, giảm 1,1% tính bằng NDT, tương đương giảm 3,7% tính bằng USD so với cùng kỳ năm 2014; (ii) Nhập khẩu giảm tháng thứ 3 liên tiếp, giảm 17,7% tính bằng NDT, tương đương giảm 20,4% tính bằng USD so với cùng kỳ năm 2014.

Sản lượng, xuất khẩu gạo

Báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ngày 9/10 đã đưa ra dự báo về sản lượng, xuất khẩu gạo toàn cầu, cụ thể:

- Về sản lượng: Ước đạt 742,6 triệu tấn trong năm 2015, trong đó: (i) châu Á giảm 0,2%, xuống 672,3 triệu tấn; (ii) Châu Phi giảm 1,5%, xuống 28,3 triệu tấn do các khu vực châu Phi, Bắc Mỹ bị ảnh hưởng nặng từ hiện tượng El Nino gây khô hạn.

- Về xuất khẩu: Ấn Độ tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với khoảng 11,3 triệu tấn, giảm so với 11,5 triệu tấn năm 2014; Sau đó là Thái Lan 9,8 triệu tấn và Việt Nam 7,8 triệu tấn.

M&A

Trong 9 tháng đầu năm 2015, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với tổng giá trị 770,9 tỷ USD, vượt qua châu Âu để trở thành khu vực có hoạt động M&A sôi động thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ. (Theo báo cáo của Dealogic). Trong đó:

+ Trung Quốc đóng góp 384,3 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2014 và tương đương gần 50% tổng giá trị M&A trong khu vực;

+ Hồng Kông đạt 125 tỷ USD;

+ Australia đạt 86,1 tỷ USD;

+ Nhật Bản đạt 59,2 tỷ USD.

Nguyên nhân do trong tháng 8 và tháng 9, nhiều doanh nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện các thương vụ M&A xuyên biên giới nhằm gia tăng lợi nhuận, trong bối cảnh kinh tế đang chậm lại (Theo ông Chunshek Chan, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu, M&A và Hỗ trợ Tài chính của Dealogic).

Hãng sản xuất máy tính Dell Inc của Mỹ ngày 12/10 cho biết, đã quyết định mua​ lại Công ty Lưu trữ dữ liệu EMC Corp nhằm đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, phát triển ​thành một doanh nghiệp công nghệ cao, với bản ​hợp đồng giá trị lên tới 67 tỷ USD - mức kỷ lục về mua bán, sáp nhập giữa hai công ty công nghệ. Theo thỏa thuận, Dell sẽ trả cho mỗi cổ đông của EMC 33,15 USD/cổ phiếu, trong đó có 24,5 USD tiền mặt.

Xếp hạng thương hiệu, tín dụng

Xếp hạng thương hiệu quốc gia

Singapore đã vượt qua Đức để giành vị trí đầu trong báo cáo xếp hạng các thương hiệu quốc gia mạnh nhất năm 2015, với 88/100 điểm. Đức lùi xuống vị trí thứ 13, sau bê bối của hãng Volkswagen. (Theo Công ty nghiên cứu Brand Finance của Anh).

Xếp hạng tín dụng

Hãng Xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm đối với nợ dài hạn của hãng sản xuất xe hơi Đức Volkswagen (VW), xuống “A-”; thậm chí có thể hạ thêm 2 bậc nữa trong thời gian tới, do VW đang phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực sau vụ bê bối gian lận khí thải.

Chính sách

Singapore:

- NHTW Singapore (MAS) sẽ tiếp tục duy trì chính sách nâng giá đồng nội tệ với tốc độ tăng chậm lại để tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu trong bối cảnh các nước châu Á đang giảm giá đồng nội tệ. Bên cạnh đó, MAS sẽ điều chỉnh giá đồng nội tệ so với giỏ tiền tệ của các đối tác thương mại cũng như các đối thủ cạnh tranh, để thúc đẩy kinh tế (Theo MAS).

- MAS sẽ mở rộng giao dịch đồng NDT giữa Singapore với Trung Quốc (cụ thể là tại Khu công nghiệp Tô Châu và Thành phố Thiên Tân của Trung Quốc). Theo đó: (1) Những ngân hàng ở Singapore có thể cho doanh nghiệp ở Tô Châu và Thiên Tân vay bằng NDT; (2) Doanh nghiệp tại 2 thành phố này có thể phát hành trái phiếu bằng đồng NDT ở Singapore, đồng thời được phép thu về 100% số tiền từ việc phát hành.

Thái Lan:

Ngày 13/10, Thái Lan đã thông qua một loạt chính sách kích thích tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản bao gồm:

(1) Giảm chi phí: Giảm phí chuyển đổi tài sản và phí thế chấp lần lượt là 2% và 1% xuống mức 0,01% trong vòng sáu tháng tới (từ 11/2015 - 4/2016), áp dụng cho cả nhà mới và nhà cũ.

(2) Giảm thuế:

- Đối với những người mua nhà có giá trị thấp hơn 3 triệu baht (tương đương 84.300 USD), có thể sử dụng 20% giá trị căn nhà để khấu trừ thuế cá nhân trong vòng 5 năm sau đó (có hiệu lực từ ngày 31/12);

- Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ giải ngân khoản cho vay thế chấp khoảng 10 tỷ baht (281 triệu USD) đến tháng 12/2016.Trong đó, cho vay ngắn hạn không được vượt quá thời hạn 30 năm, đối với người vay có thu nhập dưới 30.000 baht/tháng.

- Miễn thuế 10 năm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% để lấy lại niềm tin và thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.

Trung Quốc:

Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố lịch trình cải cách cơ chế giá hàng hóa và dịch vụ của nước này. Theo đó, Trung Quốc sẽ bãi bỏ kiểm soát giá cả đối với hầu hết các mặt hàng và dịch vụ trong các lĩnh vực cạnh tranh vào năm 2017, Chính phủ sẽ chỉ quy định giá đối với các dịch vụ tiện ích chủ chốt, mang tính độc quyền như cung cấp điện và nước. Dự kiến đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có một cơ chế giá hợp lý, trong đó thị trường đóng vai trò quyết định, điều chỉnh giá minh bạch và Luật chống độc quyền được thực hiện tốt. (Theo Tân Hoa xã).

Dầu thô

Sản lượng: Sản lượng khai thác dầu của Indonesia trong tháng 8/2015 đạt 910.000 thùng/ngày và sản lượng của OPEC hiện là 31,57 triệu thùng/ngày. Dự kiến Indonesia sẽ tái gia nhập OPEC vào tháng 12/2015, đồng nghĩa với việc sản lượng khai thác dầu của OPEC sẽ tăng thêm khoảng 900.000 thùng dầu/ngày, đưa tổng sản lượng của OPEC lên khoảng 32,5 triệu thùng/ngày. Điều này gây khó khăn cho các nước OPEC trong việc quyết định có hay không thay đổi mức trần sản lượng khai thác dầu. (Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế - IEA).

Tiêu thụ: Hiện thế giới đang tiêu thụ hơn 94,5 triệu thùng/ngày, tăng 1,8 triệu thùng/ngày so với năm 2014 và là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, năm 2016, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ chậm lại, sẽ chỉ tăng 1,2 triệu thùng/ngày với mức tiêu thụ 95,7 triệu thùng/ngày, giảm 100.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra tháng 9/2015. (Theo IEA).

Một số dự báo:

- Triển vọng của thị trường dầu mỏ sẽ khả quan hơn vào cuối năm 2015 và 2016, khi một lượng lớn các nhà sản xuất dầu đang rút khỏi thị trường do áp lực từ việc giá dầu giảm và chi phí sản xuất cao. (Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Ali Al Omair).

- Dự báo thị trường dầu mỏ thế giới sẽ ổn định và cân bằng hơn trong năm 2016 do sản lượng của các nhà sản xuất ngoài OPEC đã giảm trong những tháng gần đây, trong khi nhu cầu thế giới có dấu hiệu phục hồi. Hiện thị trường vẫn đang trong tình trạng dư cung. (Tổng thư ký OPEC Abdullah el-Badri).

- Trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục biến động và đã có lúc xuống dưới mức 45 USD/thùng, ảnh hưởng tới nguồn thu của các nước xuất khẩu dầu, Venezuela đã đề xuất thành lập một cơ chế giá mới, theo đó quy định mức sàn giá dầu là 70 USD/thùng. Đề xuất này sẽ được đưa ra bàn bạc tại cuộc họp ngày 21/10 của OPEC với một số nước không thuộc tổ chức này như Azerbaijan, Brazil, Colombia, Kazakhstan, Na Uy, Mexico, Oman và Nga.

Giá dầu

- Trong phiên cuối tuần ngày 16/10, dầu tăng giá khi EIA cho biết, số lượng giàn khoan trong tuần giảm 10 giàn, xuống còn 595 giàn - ghi nhận tuần giảm thứ 7 liên tiếp. Chốt phiên, giá dầu diễn biến như sau:

+ WTI giao tại New York tăng 88 cent, tương ứng 1,9%, lên mức 47,26 USD/thùng, phiên tăng đầu tiên trong tuần sau 4 phiên giảm liên tiếp;

+ Brent giao tại London tăng 73 cent, tương ứng 1,5%, lên mức 50,46 USD/thùng, phiên giảm đầu tiên sau 5 phiên giảm liên tiếp.

- Tính chung cả tuần, WTI giảm gần 4,8%; Brent giảm 4%.

Chứng khoán

Trong tuần kết thúc vào ngày 16/10, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp do số liệu niềm tin tiêu dùng tích cực.Cụ thể:

+ Dow Jones tăng 0,8%, lên 17.215,97 điểm

+S&P 500 tăng 0,9%, lên 2.033,11 điểm

+Nasdaq Composite tăng 1,2%, lên 4.886,69 điểm.

Tính chung cả tuần, chứng khoán châu Á tăng điểm, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,94%, lên 134,51 điểm. Các thị trường chính:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 4,37%, lên 3.391,35 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 0,13%, lên 23.067,37 điểm;

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1,24%, xuống 18.291,8 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,96%, xuống 2.031,94 điểm;

+ Riêng S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,58%, xuống 5.263,199 điểm.

Châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 13/10 thông báo sẽ chi 111 triệu EUR để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong và ngoài khối vào năm 2016. Theo đó, EC chi cho hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường ngoài châu Âu nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản:

+ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc): 12 triệu EUR.

+ Mỹ và Canada: 12 triệu EUR.

+ Khu vực Đông Nam Á: 7 triệu EUR.

+ Nam Mỹ: 7 triệu EUR.

Đơn đặt hàng công nghiệp của Đức trong tháng 8/2015 đã giảm 1,8% so với tháng 7/2015, trái với dự báo tăng 0,5% mà Reuters đưa ra trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu của các nước không thuộc Eurozone sụt giảm 1,2% so với tháng 7. (Theo Bộ Kinh tế Đức).

Trong tháng 9/2015, thị trường lao động Canada đã tạo được thêm 12.000 việc làm, đưa tổng số việc làm trong quý 3/2015 đạt 31.000, giảm so với 33.000 trong quý 2 và 63.000 trong quý 1/2015.Tuy nhiên, do có một lượng lao động lớn gia nhập thị trường, đã khiến tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9/2015 của Canada đã tăng lên 7,1% - cao nhất kể từ tháng 2/2014. (Theo Cơ quan Thống kê Canada).

Châu Á

Liên minh châu Âu (EU) đồng ý hỗ trợ Myanmar dự án nuôi trồng thủy sản với trị giá 20 triệu EUR (22,7 triệu USD), dự án kéo dài trong vòng 6 năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2016, trong đó tập trung vào phát triển kỹ thuật nuôi tôm và cá tại các trang trại giống trên toàn quốc. Dự án này là một phần của gói tài trợ trị giá 1 tỷ EUR (1,13 tỷ USD) mà EU dự kiến hỗ trợ cho Myanmar.

Công ty Bưu chính Singapore (SingPost) đã chi gần 170 triệu USD (236 triệu SGD) để mua lại 96,3% cổ phần tại Công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hàng đầu TradeGlobal của Mỹ, nhằm từng bước mở rộng thị trường thương mại điện tử, cho phép các khách hàng của SingPost ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể mở rộng kinh doanh sang Mỹ. (Theo SingPost).

Sàn giao dịch chứng khoán Yangon - sàn chứng khoán đầu tiên của Myanmar (liên doanh giữa Ngân hàng kinh tế Myanmar với Tập đoàn chứng khoán Daiwa và Tập đoàn giao dịch chứng khoán Nhật Bản) sẽ bắt đầu giao dịch vào đầu tháng 12/2015.Hiện nay, Bộ Tài chính Myanmar đang xem xét hồ sơ của khoảng 200 doanh nghiệp, phần lớn thuộc các lĩnh vực điện lực, giao thông và nông nghiệp. (Theo ông Maung Maung Thein, Thứ trưởng tài chính Myanmar).

nay, Bộ tDPch chóng

Hoa Kỳ

FED nhận định kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định với 11/12 khu vực duy trì đà tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực. Riêng khu vực Kansas tăng trưởng yếu do giá dầu giảm.Chi tiêu tiêu dùng, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, tăng mạnh do kết quả kinh doanh ấn tượng của lĩnh vực xe hơi. Đa số các hoạt động dịch vụ không thuộc lĩnh vực tài chính như hàng không vũ trụ, thiết bị vận chuyển... đều tăng trưởng, thị trường nhà đất đều được cải thiện.

Trung Quốc

Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) (ngân hàng lớn thứ 4 trong khối các ngân hàng của Trung Quốc) đã hoàn thành đợt chào bán trái phiếu tại London khoảng 1 tỷ USD. Cụ thể:

+ Số trái phiếu phát hành bằng đồng NDT: trị giá 600 triệu NDT (94,53 triệu USD), với kỳ hạn 2 năm và lãi suất là 4,15%;

+ Số trái phiếu bằng USD: (i) Kỳ hạn 3 năm với lãi suất 2,125% đạt giá trị 400 triệu USD; (ii) Kỳ hạn 5 năm với lãi suất 2,75% đạt giá trị 500 triệu USD.

Lãi suất của các trái phiếu này là cố định và bắt đầu được giao dịch tại thị trường London từ ngày 22/10.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 5,9%, đánh dấu tháng giảm thứ 43 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất từ trước đến nay. (Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc).

Nhật Bản

Giá trị đơn đặt hàng chế tạo của khu vực tư nhân trong tháng 8/2015 đã giảm 5,7% so với tháng 7/2015, xuống còn 759,4 tỷ yên (6,33 tỷ USD), ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đối với hàng hóa của Nhật Bản sụt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn. (Theo Chính phủ Nhật Bản).

Ai Cập

Ai Cập đang đàm phán các khoản vay mới để bù đắp thâm hụt ngân sách:

+ Khoản vay trị giá 3 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới (WB).

+ Khoản vay trị giá 500 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Phi.

+ Ngoài ra, Ai Cập cũng đang xem xét nguồn vốn vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6/2016, Chính phủ Ai Cập đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức 8,9% GDP.

Italy đã được Ai Cập nhượng quyền thăm dò 2 lô dầu khí ở ngoài khơi Địa Trung Hải, là 1 phần trong thỏa thuận đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí trị giá 5 tỷ USD trong thời gian 4 - 5 năm, được ký kết vào tháng 3/2015 giữa 2 nước. (Theo Tập đoàn năng lượng Eni của Italy).

Thỏa thuận - Ký kết

Ukraine và Nga

Tập đoàn Năng lượng Nhà nước Ukraine Naftogaz và Tập đoàn Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận về việc Nga cung cấp khí đốt cho Ukraine trong mùa đông năm 2015. Ukraine có kế hoạch tăng lượng khí đốt dự trữ dưới lòng đất của nước này lên mức 18 tỷ m3 trong những tuần tới, từ mức 15,8 tỷ m3 hiện nay. (Theo Reuters).

Nhật Bản và Iran

Nhật Bản và Iran đã đạt được các thỏa thuận: (1) Hiệp định về hợp tác đầu tư giữa hai nước; (2) Thành lập một ủy ban chung nhằm xúc tiến các kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng cũng như giải quyết các vấn đề kinh tế khác; (3) Thống nhất hợp tác để đảm bảo an toàn và minh bạch trong các chương trình hạt nhân.

Ba Lan và EU

Ngày 15/10, Ba Lan đã ký thỏa thuận về xây đường ống dẫn khí đốt đầu tiên từ EU tới các quốc gia Baltic (gồm Litva, Latvia và Estonia) trị giá 558 triệu EUR (636 triệu USD), nhằm xóa bỏ sự cô lập về năng lượng và giảm bớt phụ thuộc vào Nga cho các nước này.

Nhận định chuyên gia

Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's cảnh báo, Argentina sẽ phải đối diện với 3 vấn đề:

- Dự trữ ngoại tệ quốc gia ở mức rất thấp khoảng 12 tỷ USD, do đó, Argentina sẽ phải thương lượng với các chủ nợ đang kiện nước này tại Tòa án New York, nếu muốn tiếp cận thị trường tín dụng trong tương lai.

- Đối diện nhiều thách thức trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có vấn đề thâm hụt ngân sách. Việc lạm chi hiện nay ở Argentina sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng năm 2016 khi dự báo GDP chỉ đạt mức tăng trưởng 0,4% trong năm 2015 và giảm 0,7% vào năm 2016.

- Lạm phát tăng cao. Theo dự báo, lạm phát của Argentina năm 2016 sẽ lên tới 25,6% so với 16,85% của năm 2015, đứng thứ hai ở khu vực, chỉ sau Venezuela.