Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 26 - 31/10/2015

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Singapore: Dự báo GDP năm 2015 của nước này sẽ tăng khoảng 2 - 2,5% (Theo NHTW Singapore).

Nhật Bản: Dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong tài khóa 2015 (tính đến tháng 3/2016) chỉ đạt 1,2%/năm, và năm sau đạt 1,4%, lần lượt giảm so với mức 1,7% và 1,5% trong dự báo trước. Ngoài ra, kéo dài thời hạn mục tiêu đạt lạm phát 2% đến 6 tháng cuối năm tài khóa 2016 (tức là tính đến tháng 3/2017), tăng thêm nửa năm so với dự báo trước (Theo NHTW Nhật Bản).

Mỹ: Tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý 3 đạt 1,5%, chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 3,9% trong quý 2.

(Theo Bộ Thương mại Mỹ).

Trung Quốc: Trung Quốc sẽ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao, khoảng 7% hoặc trên 6% trong 5 năm tới. Trong đó, 2 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng là: (i) Việc đô thị hóa; (ii) Cải cách và mở cửa nền kinh tế.

(Theo Phó thống đốc NHTW Trung Quốc - PBOC).

Nga: Kinh tế nước này sẽ phải chịu cú sốc thứ 2 nếu giá dầu giữ ở mức 40 USD/thùng trong 3 năm (2016 - 2018) và Nga phải mất 5 năm để kinh tế quay trở lại tình trạng trước khủng hoảng. Theo đó: (i) GDP năm 2016 giảm 1%, năm 2017 sẽ tăng trưởng 1,3%, năm 2018 tăng trưởng 2,3%; (ii) Lạm phát có thể đạt 8,8% năm 2016 và 7% năm 2017; dưới 6% vào năm 2018. (Theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga).

Anh: Trong quý 3/2015, GDP của nước này đạt 0,5%, thấp hơn mức 0,7% trong quý 2 do hoạt động chế tạo (đóng góp 10% cho nền kinh tế Anh) và xây dựng suy giảm. (Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Vương quốc Anh).

Italy: Trong quý 3/2015, GDP của khu vực miền Nam Italy (vùng nghèo nhất nước) đạt 0,15%, ghi nhận lần đầu tiên trong 7 năm kinh tế khu vực này tăng trưởng dương và chính thức thoát khỏi suy thoái. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP cả nước của Italy năm 2015 sẽ đạt từ 0,8 - 1%. (Theo Hiệp hội phát triển công nghiệp miền Nam Italy - Svimez).

Thương mại

Theo WTO, việc thực thi đầy đủ Hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại (TFA) đã hoàn tất đàm phán vào tháng 12/2013 có thể giúp kim ngạch thương mại toàn cầu tăng thêm 1.000 tỷ USD mỗi năm, trong đó: Giá trị xuất khẩu tại các nước đang phát triển tăng từ 170 - 730 tỷ USD/năm; tại các nước phát triển vào khoảng 310 - 580 tỷ USD/năm.

M&A

Tổng giá trị của các thương vụ M&A trên toàn cầu từ đầu năm đến nay đạt 1.15 ngàn tỷ USD, tăng 89% so với cùng kỳ 2014 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, có khoảng 45 thương vụ M&A giá trị trên 10 tỷ USD; số thương vụ có quy mô 10 tỷ USD chiếm khoảng 1/3 khối lượng M&A toàn cầu. (Theo Số liệu của Dealogic).

Giá dầu

Mỹ đang có kế hoạch bán 58 triệu thùng dầu, chiếm hơn 8% trong 695 triệu thùng tại kho dự trữ dầu chiến lược trong giai đoạn 2018 - 2025. Kế hoạch này sẽ bắt đầu được triển khai vào năm 2018, đợt bán đầu tiên là 5 triệu thùng/năm; tăng lên 10 triệu thùng vào năm 2023. Đến cuối năm 2025, tổng số dầu được xuất kho là 58 triệu thùng.

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể bán thêm dầu để huy động 2 tỷ USD nhằm hiện đại hóa kho dự trữ dầu chiến lược giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có việc lắp đặt các đường ống dẫn dầu mới.

Giá dầu

Trong phiên giao dịch ngày 30/10, giá dầu giao kỳ hạn tháng 12/2015 diễn biến như sau:

+ WTI giao tại New York tăng 50 cent, tương đương tăng 1%, lên mức 46,56 USD/thùng;

+ Brent giao tại London tăng 76 cent, tương đương 1,6%, lên mức 49,56 USD/thùng.

Như vậy, WTI đã tăng 3% trong tuần qua và tăng 2% trong tháng 10/2015; Brent tăng 3% trong tuần và tăng 4% trong tháng 10/2015.

Nguyên nhân do:

- Số liệu nguồn cung giảm: Số giàn khoan dầu của Mỹ giảm 16 giàn, đưa tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động xuống còn 578 giàn - thấp nhất kể từ tháng 6/ 2010 (Theo công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes Inc); Lượng xăng lưu kho giảm 1,1 triệu thùng và sản phẩm chưng cất lưu kho giảm 3 triệu thùng; Lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 23/10 tăng nhưng thấp hơn mức dự báo (tăng 3,4 triệu thùng, so với dự báo tăng 4,1 triệu thùng của Viện Dầu mỏ Mỹ (API).

- Cầu tăng: Trung Quốc quyết định tăng gấp đôi hạn ngạch nhập khẩu dầu thô trong năm 2016 của các công ty nhập khẩu dầu ngoài quốc doanh, lên 87,6 triệu tấn, tương đương 1,75 triệu thùng/ngày, so với 37,6 triệu tấn năm 2015 nhằm thúc đẩy cạnh tranh và thu hút đầu tư tư nhân trong ngành công nghiệp dầu mỏ (Theo Reuters ngày 30/10).

Chứng khoán

Trong tuần qua, thị trườngchứng khoán Mỹ chỉ tăng điểm nhẹ do báo cáo lợi nhuận quý 3/2015 thấp hơn dự kiến gây áp lực lên cổ phiếu tài chính và hàng tiêu dùng.Cụ thể:

+Dow Jones tăng 0,1%, lên 17.663,54 điểm.

+S&P 500tăng 0,2%, lên 2.079,36 điểm.

+Nasdaq Composite tăng 0,4%, lên 5.053,75 điểm.

Tính chung cả tuần, chứng khoán châu Á giảm điểm, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1%, lên 134,46 điểm. Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,3%, lên 19.083,10 điểm

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 1,1%, xuống 3.382,56 điểm

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 1,5%, xuống 22.840,04 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,2%, xuống 2. 290,47 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 1,2%, xuống 5.293,439 điểm.

Châu Á - Thái Bình Dương

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hứng chịu nhiều thiên tai nhiều nhất trên trên thế giới, với 1.625 vụ thiên tai, chiếm hơn 40% tổng số vụ trên toàn cầu, khiến thiệt hại kinh tế hơn 500 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng thiệt hại do thiên tai trên toàn cầu.(Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương - ESCAP).

Eurozone

Từ tháng 1/2016, Quy định về giải pháp và phục hồi ngân hàng (BRRD) sẽ được áp dụng cho 120 ngân hàng châu Âu đang thuộc sự giám sát của SRB. Theo đó, các ngân hàng lớn nhất trong Eurozone sẽ phải tăng số tiền trích lập dự phòng tối thiểu cho các loại quỹ và các khoản nợ đủ tiêu chuẩn (MREL) lên mức ít nhất là 8% trên tổng số tài sản rủi ro. (Theo Ủy ban Giám sát chung - SRB).

Trong tuần qua, đã có 4 tổ chức gồm EC, ECB, IMF và ESM ngày 26/10 quyết định hoãn giải ngân khoản tín dụng trị giá 2 triệu euro (2,27 triệu USD) dự kiến chuyển cho Hy Lạp vào tháng 10/2015 sang tháng 11, do nước này chậm trễ trong việc cải cách hệ thống ngân hàng và tài chính.

Bên cạnh đó, WB đang cân nhắc việc hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp thông qua Công ty Tài chính Quốc tế (IFC, một cơ quan thuộc WB, có mục tiêu hoạt động là hỗ trợ khu vực tư nhân bằng cách cung cấp các khoản vay dài hạn, đầu tư cổ phần, bảo lãnh, quản lý rủi ro...).Nếu quyết định hỗ trợ này được đưa ra, WB sẽ vượt ra ngoài vai trò truyền thống là hỗ trợ cho các nước thu nhập thấp.

Deutsche Bank - ngân hàng thương mại lớn nhất của Đức đã công bố chiến lược phát triển tới năm 2020:

- Đặt mục tiêu giảm chi phí hoạt động xuống dưới 22 tỷ euro vào năm 2018: Tiết kiệm 3,8 tỷ euro bằng việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và rút hoạt động khỏi 10 nước, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động.

- Cắt giảm 15.000 việc làm, trong đó riêng tại Đức là 4.000 việc làm, dự kiến đến năm 2018, số lao động rút xuống còn 77.000 người so với mức 103.000 người hiện nay.

- Hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin;

- Đóng cửa khoảng 200 chi nhánh tại Đức và không trả cổ tức trong năm 2015 và 2016.

Châu Á

Singapore sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế cũng như tạo ra cơ hội và việc làm cho người dân, bao gồm: Việc làm, các nguồn lực và phát triển công nghệ. Để triển khai kế hoạch này, Singapore sẽ thành lập Ủy ban Kinh tế vào tháng 12/2015, để xem xét các vấn đề cụ thể liên quan trong 3 lĩnh vực trên, nhằm chuyển đổi kinh tế Singapore từ việc tạo giá trị gia tăng sang tạo ra giá trị. (Theo Bộ trưởng Tài chính Singapore).

Ngày 29/10, hãng công nghệ điện tử Samsung Electronics của Hàn Quốc, nhà sản xuất số 1 thế giới về chip bộ nhớ và điện thoại thông minh cho biết, trong quý 3/2015:

- Doanh thu của hãng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2014, đạt mức 51,7 nghìn tỷ won.

- Lợi nhuận tăng 82%, đạt mức 7.400 tỷ won (tương đương 6,46 tỷ USD).

Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận theo quý đầu tiên của hãng trong 2 năm qua. Dự báo, lợi nhuận quý 4/2015 của hãng sẽ giảm dần do điều kiện tỷ giá hối đoái và các yếu tố bán hàng yếu thay đổi theo thời vụ.

Theo bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số năng động kinh tế (GDI) được Grant Thornton International công bố ngày 29/10:

- Singapore đã vươn lên đứng đầu thế giới, tăng 6 bậc so với bảng xếp hạng của năm 2014, tiếp theo là Israel, Australia, Phần Lan và Thụy Điển.

- Nền kinh tế châu Á ở vị trí cao nhất tiếp theo thứ tự trên bảng xếp hạng năm 2015 là Đài Loan, xếp thứ 9; Trung Quốc (14), Malaysia (16) và Hàn Quốc (18).

Hoa Kỳ

Tốc độ bán nhà trong tháng 9/2015 của Mỹ giảm 11,5% so với tháng 8, từ 552.000 nhà xuống còn 468.000 nhà, mức thấp nhất 10 tháng qua. (Theo dữ liệu Bộ Thương mại Mỹ).

Ngày 26/10, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngân sách có thời hạn 2 năm:

-​Cho phép tăng chi tiêu ngân sách thêm 80 tỷ USD trong hơn 2 năm tới.

- Khoảng 50 tỷ USD trong ngân sách bổ sung sẽ dành cho tài khóa 2016, bắt đầu từ ngày 1/10; 30 tỷ USD sẽ dành cho tài khóa 2017.

FED sẽ giữ nguyên mức lãi suất thấp từ 0 - 0,25%, do tỷ lệ lạm phát thấp và xuất khẩu ảm đạm. Thông báo không tăng lãi suất của FED đã lập tức tác động tới thị trường tài chính Phố Wall, khiến phần lớn các mã chứng khoán chủ chốt đã sụt giảm trong phiên mở cửa, nhưng sau đó đã quay đầu tăng nhẹ vào buổi chiều.

(Theo Ủy ban Thị trường mở Liên bang - FOMC).

Apple đã ghi nhận mức lợi nhuận hàng năm lớn nhất trong lịch sử, với doanh thu kỷ lục 53,4 tỷ USD trong ​năm tài chính kết thúc vào ngày 26/9/2015, vượt qua mức 45,2 tỷ USD của Tập đoàn dầu khí ExxonMobil trong năm 2008. Nguyên nhân là do 2 mẫu điện thoại iPhone 6s/6s Plus mới nhất đã giúp hãng tăng được 31% lợi nhuận trong quýtài chính thứ 4.

Trung Quốc

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc - NDRC:

+ Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong 3 quý giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2014, xuống còn 608,94 triệu tấn, hiện có tới 360 triệu tấn thép tồn kho.

+ Chỉ số giá thép của Trung Quốc trong tháng 9/2015 là 61,73, giảm 2,58 điểm phần trăm so với tháng 8. Xuất khẩu các sản phẩm thép của Trung Quốc trong tháng 9 đạt 83,11 triệu tấn, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2014; lượng thép nhập khẩu là 9,73 triệu tấn, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các dự án mới trong lĩnh vực sản xuất thép, ximăng, nhôm điện phân, kính và đóng tàu cho tới năm 2017.

Trao đổi thương mại song phương giữa Trung Quốc và Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ (CAN) đã đạt 40,32 tỷ USD trong năm 2014, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2013. (Theo báo cáo của Cơ quan thương mại khu vực Nam Mỹ).

Đồng NDT của Trung Quốc dự kiến sẽ gia nhập giỏ tiền tệ tạo thành các tài sản dự trữ quốc tế của IMF, hay còn gọi là Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR). Theo đó, Ban giám đốc điều hành của IMF sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này vào tháng 11/2015. (Theo các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF).

Nga

- Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo, kinh tế nước này sẽ phải chịu cú sốc thứ 2 nếu giá dầu giữ ở mức 40 USD/thùng trong 3 năm (2016 - 2018) và Nga phải mất 5 năm để kinh tế quay trở lại tình trạng trước khủng hoảng. Theo đó, tỷ giá đồng nội tệ so với USD sẽ ở mức trên 75 ruble, năm 2018 tăng lên 78 ruble/USD.

- Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 27/10 cho biết:

+ Năm 2015, với giá dầu khoảng 44 USD/thùng và tỷ giá đồng nội tệ vào khoảng 64 rúp/USD, ước tính Quỹ dự trữ của Nga sẽ giảm xấp xỉ 2,6 nghìn tỷ rúp, tương đương 40,85 tỷ USD hay giảm hơn 1/2.

+ Trong năm 2016, nếu giá dầu giữ ở mức dưới 50 USD/thùng như hiện nay và tỷ giá đồng rúp so với USD không thay đổi, thì ngân sách Chính phủ Nga có thể thâm hụt 900 tỷ rúp, tương đương 14,14 tỷ USD và sẽ làm cạn kiệt Quỹ dự trữ.

Pháp

Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp trong tháng 9/2015 giảm 0,7% so với tháng trước đó - mức giảm lớn nhất tính theo tháng, tương đương có thêm 23.800 người tìm được việc làm và ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp. (Theo Bộ Lao động Pháp).

Nhật Bản

- Trong 9 tháng đầu năm 2015, Toyota Motor Corp của Nhật Bản là nhà sản xuất ôtô số một thế giới về doanh số bán ôtô trên toàn cầu với gần 7,5 triệu chiếc xe - cao hơn các con số tương ứng lần lượt là 7,2 triệu xe và 7,43 triệu xe của 2 đối thủ General Motors (Mỹ) và Volkswagen AG (Đức). Dự kiến doanh thu trong tài khóa 2015 (kết thúc vào tháng 3/2016) của Toyota sẽ đạt 27.800 tỷ yên, tăng so với con số dự báo 27.500 tỷ yên đưa ra trước đó; lợi nhuận hoạt động (chưa trừ thuế và lãi suất) là 2.800 tỷ yên.

- Trong 6 tháng đầu tài khóa 2015 (từ tháng 4 - 9/2015), ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản tăng trưởng tốt. Lợi nhuận của các tập đoàn Matsuda và Suzuki tăng từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2014 và lợi nhuận dự kiến của Nissan ước đạt 415,5 tỷ yên (1 USD = 121,07 yên), tương đương với mức tăng 50% so với cùng kỳ năm 2014.

Chỉ số PMI tháng 10/2015 của Nhật Bản tăng lên 52,5 điểm, so với 51 điểm trong tháng 9, ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2014,do các đơn đặt hàng xuất khẩu và trong nước tăng. (Theo số liệu sơ bộ của Markit và Nikkei).

Ngày 25/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đồng ý cấp cho Uzbekistan khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá 12,7 tỷ yên (105 triệu USD) nhằm giúp nước này xây dựng các nhà máy điện và nâng cấp trang bị y tế, trong đó 12 tỷ yên sẽ được cấp dưới hình thức các khoản vay; 700 triệu yên với hình thức trợ cấp.

Australia

Ngày 26/10, Bộ trưởng Đầu tư và thương mại Australia Andrew Robb đã phát động chương trình cung cấp 2,45 triệu AUD (hơn 1,76 triệu USD) trong 2 năm hỗ trợ đào tạo người lao động và chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm hiểu về xuất khẩu, tiếp cận thị trường cũng như tận dụng lợi thế của các thỏa thuận thương mại mà Australia mới ký với các đối tác thương mại lớn nhất ở châu Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Iran

Iran đang lên kế hoạch tham gia Ngân hàng Phát triển mới (NDB) do các nước thành viên khối BRICS thành lập. Việc Iran gia nhập NDB sẽ giúp nước này mở rộng quan hệ kinh tế với tất cả các quốc gia trong nhóm BRICS, trong đó có Brazil. (Theo Thứ trưởng Bộ Kinh tế Iran).

Thụy Sĩ

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) ngày 30/10 thông báo lỗ 33,9 tỷ franc Thụy Sỹ (34,3 tỷ USD) trong 3 quý năm 2015 do doanh thu tài chính của SNB từ đầu năm đến nay phần lớn phụ thuộc vào những biến động của thị trường vàng, ngoại hối và thị trường vốn.

Mỹ Latinh

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đã lên mức 6,5% so với mức 6% trong năm 2014 và dự báo sẽ tăng lên 6,6% trong năm 2015. (Theo Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe - CEPAL và Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO).

Chính sách

Trung Quốc

- Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 khóa 18 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh, các đề xuất cho “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 về phát triển kinh tế quốc dân và xã hội” giai đoạn 2016 - 2020 được xem xét và bàn luận, theo đó đề ra lộ trình cải cách và tăng trưởng, khi nước này đang bước vào trạng thái phát triển bình thường với mục tiêu tăng trưởng thấp hơn để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới tiêu dùng và dịch vụ.

- NHTW Trung Quốc (PBOC) ngày 27/10 đã giảm lãi suất repo 7 ngày 10 điểm cơ bản, từ 2,35% xuống còn 2,25%.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại cũng được cắt giảm 50 điểm phần trăm, xuống còn 17,5%. Riêng các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp nhỏ và nông nghiệp lớn còn được giảm thêm 50 điểm cơ bản nữa.

Nga

NHTW Nga ngày 1/11 đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong tháng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh phải cân đối giữa mối lo về lạm phát với nỗ lực phục hồi nền kinh tế đang bị tác động bởi khủng hoảng. Cụ thể, NHTW Nga đã giữ lãi suất cơ bản không đổi ở mức 11%.

Đàm phán – Ký kết

Trung Quốc và Đan Mạch

Ngày 27/10, Trung Quốc và Đan Mạch đã ký thỏa thuận về việc Đan Mạch tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Động thái này sẽ thúc đẩy quan hệ AIIB với EU và tăng cường trao đổi, hợp tác với Đan Mạch về các vấn đề khu vực và toàn cầu. auk hi ký thỏa thuận, tất cả 57 thành viên tham gia phải được sự chấp thuận của cơ quan lập pháp mỗi nước trước ngày 31/12/2016 trước khi trở thành thành viên sáng lập ngân hàng này.

Trung Quốc và Nepal

Ngày 28/10, Nepal đã ký thỏa thuận đầu tiên về dầu mỏ với Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhiên liệu sau khi những người biểu tình phong tỏa nguồn nhập khẩu duy nhất từ Ấn Độ.

Theo người phát ngôn của Tập đoàn dầu mỏ Nepal Deepak Baral, đây là lần đầu tiên Trung Quốc cung cấp dầu mỏ thương mại cho Nepal, do đó có nhiều vấn đề cần nghiên cứu như giá cả và việc vận chuyển.

Nhật Bản và Kazakhstan

Trong khuôn khổ chuyến thăm Kazakhstan của Thủ tướng Abe, Nhật Bản và Kazakhstan đã ký kết gần 14 thỏa thuận với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng hạt nhân. Bên cạnh đó, 2 nước đã đề ra hướng hợp tác mới trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, hậu cần, công nghệ mới, cũng như lĩnh vực nông nghiệp.

Trung Quốc và Hàn Quốc

Ngày 31/10, hai nước đã nhất trí:

- Mở rộng hơp tác đầu tư tại các thị trường chứng khoán và trái phiếu, cụ thể, Trung Quốc đồng ý:

+ Tăng hạn mức cho phép đầu tư của Hàn Quốc vào thị trường tài chính Trung Quốc lên 120 tỷ NDT (tương đương 18,99 tỷ USD), từ 80 tỷ NDT hiện nay, đưa Hàn Quốc trở thành nước có hạn ngạch đầu tư cao thứ hai vào các thị trường tài chính Trung Quốc sau Hồng Kông;

+ Cho phép các nhà đầu tư Hàn Quốc phát hành trái phiếu bằng đồng NDT trên thị trường Trung Quốc.

- Ngoài ra, hai nước nhất trí thiết lập thị trường giao dịch trực tiếp: Cho phép giao dịch trực tiếp bằng đồng nội tệ của hai nước nhằm giảm các nguy cơ liên quan đến giao dịch ngoại hối cho các công ty của hai nước). (Dự kiến trụ sở giao dịch sẽ đặt tại Thượng Hải - Trung Quốc).