Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 8 - 20/2/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Lạm phát

Thất nghiệp

Trong quý 4/2015:

- EU: Tăng trưởng kinh tế đạt 0,3%, giảm 0,1% so với quý 3/2015.

- Eurozone: Tăng trưởng kinh tế đạt 0,3%, không thay đổi so với quý 3. Tính chung cả năm 2015 đạt 1,5%, không chênh lệch nhiều so với mức dự đoán 1,6% của EC đưa ra vào đầu tháng 02/2016.

- Đức: Tăng trưởng kinh tế đạt 0,3%, không thay đổi so với quý 3.

- Pháp: Giảm từ 0,3% trong quý 3/2015 xuống 0,2%.

- Anh: Tăng trưởng kinh tế đạt 0,5%, tăng 0,1% so với quý 3/2015.

- Italy: Giảm từ 0,2% trong quý 3 xuống 0,1%.

- Tây Ban Nha: Tăng trưởng kinh tế đạt 0,8%.

(Theo Eurostat ngày 12/02)

- Nhật Bản: Tăng trưởng kinh tế quý 4/2015 giảm xuống còn 1,4% (Theo Văn phòng nội các Nhật Bản ngày 15/02)

- Saudi Arabia: Giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2019 từ mức ước tính trung bình 3%/năm xuống 2%. (Theo S&P)

- Brazil:

Trong năm 2015:

+ Tăng trưởng kinh tế đạt mức -4,08% thấp hơn nhiều so với mức dự báo -3,71% đưa ra trước đó vào tháng 12/2015. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990.

+ Lạm phát ở mức 10,67%, mức cao nhất trong vòng 12 năm qua.

+ Tỷ lệ thất nghiệp hơn 8%, trong đó có khoảng 1,5 triệu người mất việc làm.

(Theo NHTW Brazil ngày 18/02)

Thụy Sĩ

Trong tháng 01/2016, tỷ lệ thất nghiệp của Thụy Sĩ đã lên mức 3,8%, tăng 0,1% so với tháng 12/2015, là mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua.

- Tỷ lệ thất nghiệp trong số người nước ngoài đã tăng từ 7,3% lên 7,6%, trong khi tỷ lệ này đối với công dân Thụy Sĩ tăng từ 2,5% lên 2,6%.

- Ở độ tuổi từ 15 - 24 tuổi, có 21.100 người không có việc làm. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Thụy Sĩ là 3,8% trong tháng 01/2016, so với mức 3,7% trong tháng trước đó và tăng so với 3,5% cùng kỳ năm 2015.

- Tỷ lệ thất nghiệp ở bang Zurich, thị trường việc làm lớn nhất của Thụy Sĩ, đã tăng từ 3,9% lên 4%, còn ở bang Geneva tỷ lệ này đã tăng lên 5,8% so với 5,7% trong tháng 12/2015.

(Theo Ban Thư ký Nhà nước phụ trách các vấn đề kinh tế của Thụy Sĩ - SECO ngày 09/02)

Xếp hạng

tín nhiệm

Hãng Xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor's (S&P) ngày 17/02 đã hạ mức xếp hạng của Saudi Arabia và Brazil:

- Saudi Arabia: Hạ 2 bậc, xuống A- do giá dầu thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế tài chính của quốc gia dầu mỏ này.

- Brazil: Hạ xếp hạng đầu tư thêm một bậc, từ BB+ xuống BB, cảnh báo nền kinh tế nước này sẽ đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn, do lạm phát tăng và tình trạng dễ tổn thương trước sự giảm mạnh của giá quặng sắt, dầu và nông sản.

Chứng khoán

Tính chung cả tuần, chứng khoán Hoa Kỳ tăng điểm, do cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu, công nghiệp, công nghệ và năng lượng tăng giá khi có dự báo tốt hơn về triển vọng kinh tế của nước này. Cụ thể:

+ Dow Jones tăng 3,6%, lên 16.391,99 điểm;

+ S&P 500 tăng 6,38%, lên 1.917,78 điểm;

+ Nasdaq tăng 3,83%, lên 4.504,43 điểm.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm, chỉ số S&P 500 vẫn giảm 6,2% do giá dầu liên tục lao dốc; lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kinh tế Trung Quốc.

Trong tuần qua, chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 5,81%, lên 119,6 điểm. Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,83%, lên 15.967,17 điểm;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 3,8%, lên 2.860,02 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 2,74%, lên 19.285,5 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 2,97%, lên 1.918,33 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,51%, lên 4.991,1 điểm.

Dầu thô

Ngày 16/02, sau cuộc đàm phán ở Qatar, 4 nước gồm Nga, Saudi Arabia, Qatar và Veezuela đã nhất trí giữ nguyên sản lượng khai thác dầu mỏ như trong tháng 01/2016 với điều kiện các nhà sản xuất lớn khác cũng phải tuân theo quyết định này. Điều này sẽ đảm bảo nguồn cung dầu đầy đủ ra thị trường và đáp ứng nhu cầu của các khách hàng.

Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm 1,1% do các quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt chưa thống nhất về thỏa thuận giữ sản lượng dầu thô như trong tháng 01/2016; trong khi đó, giá dầu WTI lại tăng 0,7 do thị trường dầu có dấu hiệu đã chạm đáy, khiến các nhà đầu tư tăng mạnh hoạt động đầu vào tại thị trường này.

Chốt phiên ngày 19/02:

- Giá dầu WTI giao tháng 3/2016 tại New York giảm 1,13 USD (tương ứng 3,7%), xuống 29,64 USD/thùng.

- Giá dầu Brent giao tháng 4/2016 tại London giảm 1,27 USD (tương ứng 3,7%), xuống 33,01 USD/thùng.

Châu Á

Hàn Quốc

- Năm 2015, đầu tư vốn của các công ty và cá nhân Hàn Quốc ra nước ngoài đạt hơn 40 tỷ USD, tăng 15% so với mức 35 tỷ của năm 2014, kết thúc chuỗi giảm 3 năm liên tiếp kể từ năm 2012 (sau khi đạt mức đỉnh điểm gần 46 tỷ USD năm 2011, đầu tư của Hàn Quốc ra nước ngoài liên tiếp giảm xuống mức xấp xỉ 40 tỷ USD năm 2012, xuống gần 36 tỷ USD năm 2013 và 35 tỷ USD năm 2014).Trong đó:

+ Đầu tư vào các lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tăng hơn 65% so với năm 2014, lên mức trên 11 tỷ USD.

+ Đầu tư vào lĩnh vực chế tạo tăng 7,6%, lên hơn 9 tỷ USD.

+ Đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng tăng hơn 19%, lên gần 5 tỷ USD.

+ Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm trên 35%, xuống còn gần 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Hàn Quốc nhận định, năm 2016, đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc có thể sụt giảm hoặc chững lại do đầu tư trực tiếp trên toàn cầu có xu hướng giảm khi các thị trường tài chính thế giới bất ổn, tình trạng trì trệ tại các thị trường mới nổi, các rủi ro địa chính trị đang gia tăng.

(Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 12/02)

- Ngày 17/02, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố một loạt các biện pháp nhằm tăng cường đầu tư của các công ty vào các ngành công nghiệp mới để tạo ra các sản phẩm mới trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu - động lực chính của tăng trưởng kinh tế.Dự kiến kế hoạch này sẽ giúp tăng doanh thu từ xuất khẩu thêm 65 tỷ USD và tạo thêm 415.000 việc làm mới.

+ Khuyến khích khối tư nhân đầu tư 44.000 tỷ won (khoảng 36,4 tỷ USD) vào các lĩnh vực như ô tô điện và công nghệ mới trong 3 năm tới.

+ Đơn giản hóa các quá trình pháp lý và hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm và giấy phép xuất khẩu, cũng như loại bỏ nhiều quy định về phân phối sản phẩm, nhằm giúp các công ty nhanh chóng tiến vào các thị trường nước ngoài.

- Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 17/02 cũng đã công bố kế hoạch tạo lập môi trường thân thiện với các doanh nghiệp, khuyến khích tăng cường đầu tư thông qua việc xây dựng một cụm các cơ sở nghiên cứu và phát triển ở phía Nam Seoul, đơn giản hóa các quy định về xây dựng và thuận lợi hóa việc cấp thị thực để giúp các công ty tập trung hơn vào việc đầu tư cho công việc nghiên cứu và phát triển.

Philippines

ADB sẽ cho Philippines vay thêm một khoản tiền 400 triệu USD để mở rộng chương trình Philippine Pantawid Pamilyang (4Ps) của Chính phủ nước này nhằm hỗ trợ thêm nhiều gia đình cho trẻ tới trường và được thực hiện trong vòng 4 năm, đến năm 2019. Ngoài ra, ADB cũng đã cung cấp khoản hỗ trợ kỹ thuật 1 triệu USD cho xây dựng chính sách theo nhu cầu và các dịch vụ tư vấn.Từ khi triển khai chương trình 4Ps năm 2008, số lượng người hưởng lợi từ chương trình đã tăng từ 340.000 lên hơn 4,4 triệu người vào cuối năm 2015.(Theo Truyền thông Philippines ngày 10/02)

Iran

Iran nhất trí với quyết định đã đưa ra tại Qatar ngày 16/02, theo đó, các nước thành viên OPEC và ngoài OPEC duy trì mức trần sản lượng nhằm ổn định thị trường và hỗ trợ giá dầu. Trước đó, ngày 16/02, tại cuộc họp ở Doha (Qatar), các bộ trưởng năng lượng Nga, Saudi Arabia, Venezuela và Qatar đã nhất trí duy trì sản lượng khai thác dầu mỏ trong năm 2016 tương tự như các mức của tháng 01/2016 nếu các nước khác cũng tham gia việc duy trì sản lượng này. (Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namadar Zanganeh ngày 17/02)

Palestine

WB ngày 12/02 đã phê chuẩn khoản hỗ trợ 40 triệu USD cho Palestine nhằm cải thiện khả năng tài chính, trong đó chú trọng lĩnh vực tài chính công và cải thiện môi trường kinh doanh, do tình hình tài chính của nước này vẫn bất ổn khi: (i) Nguồn viện trợ giảm 60%; (ii) Chính trị bất ổn; (iii) Israel hoãn chuyển giao tiền thuế thu hộ Palestine. Trong năm 2015, WB đã cấp cho Palestine 125 triệu USD thông qua Quỹ ủy thác thuộc Dự án phát triển và tái thiết Palestine.

Châu Âu

EU

ECB đang đàm phán với Chính phủ Italy về việc mua lại các khoản nợ xấu của nước này, nằm trong chương trình mua trái phiếu trị giá 1.500 tỷ euro (1.691 tỷ USD), có thể giúp hệ thống ngân hàng của Italy giảm bớt phần nào khoản nợ xấu lên đến 200 tỷ euro (225 tỷ USD) và cho phép tạo ra những khoản vay mới. Tuy nhiên, chương trình mua lại chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (ABS) có thể khiến ECB gặp nhiều rủi ro khi tổ chức này mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng tại các nước thành viên. Đồng thời, kế hoạch này cũng gặp khó khăn do các quy định hiện hành chỉ cho phép ECB mua chứng khoán bảo đảm bằng tài sản nếu xếp hạng tín dụng của các ABS ở trên một ngưỡng nhất định.

Anh

Ngân hàng HSBC ngày 14/02 đã quyết định tiếp tục chọn London là nơi đặt trụ sở chính, bỏ qua kế hoạch chuyển cơ quan đầu não về Hong Kong (Trung Quốc) - trung tâm tài chính tạo ra nhiều lợi nhuận nhất cho HSBC, do: (i) Chi phí chuyển trụ sở từ London sang Hong Kong ở mức từ 1,5 - 2,5 tỷ USD, là gánh nặng lớn đối với HSBC nếu không được hưởng ưu đãi về chính sách và thuế quan; (ii) Bất ổn trên thị trường tài chính Trung Quốc.

Italy

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này ở Italy vẫn tiếp tục chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008, dù những dấu hiệu của sự phục hồi đã xuất hiện trong năm 2015. Trong năm 2015, có 21.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, là năm có nhiều doanh nghiệp phá sản nhất kể từ năm 2008. Lũy kế từ năm 2008 đến cuối năm 2015, có tổng cộng 116.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động vì gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các doanh nghiệp ngành nghề trong lĩnh vực xây dựng và giao thông bị ảnh hưởng nhiều nhất với tổng cộng lần lượt 65.000 doanh nghiệp và 17.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. (Theo Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ về ngành nghề thủ công Italy - CGIA)

Châu Mỹ

Mỹ La-tinh

Trong năm 2015, Mỹ La-tinh tiếp nhận 65 tỷ USD kiều hối, tăng 6,0% so với năm 2014 và là mức cao nhất trong vòng 16 năm, do sự đóng góp của kiều dân Colombia, Guatemala, Haiti và Mexico đang sinh sống tại Hoa Kỳ.

- Mexico dẫn đầu với 24,77 tỷ USD.

- Guatemala là nước có mức tăng cao nhất với 15,2%; tiếp theo là Honduras với gần 11%.

(Theo Tổ chức Đối thoại Khu vực Mỹ La-tinh ngày 16/02)

Brazil

Tỷ lệ lạm phát trong tháng 01/2016 của nước này đã tăng 10,71% so với cùng kỳ năm 2015, do giá lương thực tăng cao, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 11/2003 và vượt xa mục tiêu 6,5% mà NHTW nước này đề ra.

IMF cho biết, kinh tế Brazil đã suy giảm 3,8% trong năm 2015 và dự báo sẽ tăng trưởng âm 3,5% cả năm 2016. Trong khi đó, hai hãng đánh giá tín nhiệm Fitch và Standard & Poor’s đều hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Brazil với lập luận rằng, Chính phủ đã không tuân thủ kỷ luật tài chính công.

(Cơ quan Thống kê quốc gia Brazil - IBGE)

Argentina

Argentina ngày 16/02 đã đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ với nhóm nhà đầu tư mang tên Henry Brecher với việc sẽ thanh toán toàn bộ tiền gốc và 50% tiền lãi của các khoản nợ trong những tuần tới. Đây là nhà đầu tư thứ 4 đồng ý với đề xuất nói trên của Argentina.

Hoa Kỳ

Nợ quốc gia của nước này tính tới ngày 29/01/2016 đã vượt mốc 19.012 tỷ USD, tương đương 103% GDP, ghi nhận mức tăng kỷ lục trong lịch sử, trong đó 13.700 tỷ USD là nợ công, còn lại hơn 5.300 tỷ USD là nợ chính phủ. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, mặc dù trong tháng 11/2015, Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu nâng trần nợ công của Chính phủ, có hiệu lực tới tháng 3/2017, nhưng tốc độ tăng nợ liên bang có thể vẫn tiếp tục tăng. (Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 09/02)

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 16/02 đã công bố gói biện pháp nhằm thúc đẩy các nền kinh tế khối ASEAN. Đây được coi là hành động thể hiện kỳ vọng khu vực ASEAN có thể trở thành đối tác thương mại quan trọng hơn đối với Hoa Kỳ. Cụ thể:

- Thiết lập 3 văn phòng tại Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan) và Singapore.

- Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp các quốc gia như Indonesia và Philippines có thể sẵn sàng tham gia Hiệp định TPP trong tương lai.

- Cải thiện các mối quan hệ thương mại trong lĩnh vực viễn thông và cơ sở hạ tầng.

- Tham gia vào khu vực năng lượng tại Đông Nam Á - lĩnh vực Trung Quốc đang tích cực tham gia với các dự án xây đập dọc thượng nguồn sông Mekong.

Hiện nay, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 đối với Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều Hoa Kỳ - ASEAN đã tăng gấp 3 lần kể từ những năm 90 của thế kỷ XX, lên mức 254 tỷ USD năm 2014, đồng thời góp phần tạo ra khoảng 500.000 việc làm tại Hoa Kỳ.

Trung Quốc

Ngày 15/02, NHTW Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ lên mức 6,57 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, sau khi Thống đốc PBoC lên tiếng hỗ trợ tỷ giá và tỷ giá tham chiếu được đặt ở mức cao nhất trong 1 tháng.

Trung Quốc sẽ thực hiện các hoạt động thị trường mở hàng ngày, thay vì thực hiện hoạt động này 2 lần mỗi tuần (thứ 3 và thứ 6) như trước, nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Quyết định này sẽ cho phép PBoC linh hoạt hơn trong việc bơm tiền vào hệ thống tài chính. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PboC ngày 18/02)

Trong tháng 01/2016:

- CPI của Trung Quốc đã tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015, cao nhất trong 5 tháng gần đây do giá thực phẩm tăng cao (4,1%).

- PPI giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn so với mức dự báo -5,4% và mức -5,9% trong tháng 12/2015, là tháng giảm thứ 47 liên tiếp, do giá dầu lao dốc và nhu cầu yếu, qua đó làm gia tăng những quan ngại về nguy cơ kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát.

(Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - NBS)

Hoạt động ngoại thương của Trung Quốc đã sụt giảm trong tháng 01/2016, cho thấy nhu cầu thị trường thế giới vẫn yếu.

- Xuất khẩu giảm 11,2%, xuống mức 177,5 tỷ USD, giảm mạnh so với mức giảm 1,4% trong tháng 12/2015, giảm tháng thứ 7 liên tiếp.

- Nhập khẩu giảm 18,8%, xuống còn 114,2 tỷ USD, mạnh hơn mức giảm 7,6% của tháng 12/2015, giảm tháng thứ 15 liên tiếp.

(Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc)

Doanh thu từ các ngành bán lẻ và thực phẩm của nước này trong tuần từ ngày 7 - 13/02 đạt 754 tỷ nhân dân tệ (gần 115 tỷ USD), tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ tăng doanh thu từ các mặt hàng truyền thống trong dịp Tết như đồ trang sức, vàng bạc, đồ điện tử…, đặc biệt là thực phẩm và các hoạt động thể thao, giải trí, du lịch.

NHTW Trung Quốc (PBOC) cho biết, tính đến cuối tháng 01/2016, dự trữ ngoại tệ của nước này tiếp tục giảm 99,47 tỷ USD xuống còn 3.230 tỷ USD, một phần là do PBOC liên tục rót thêm tiền vào nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2016. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 13/02)

Nợ xấu tại các ngân hàng thương mại tại Trung Quốc tính đến tháng 12/2015 đã tăng 51% so với cùng kỳ năm 2014, lên mức 1,27 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 196 tỷ USD.

- Tỷ lê nợ xấu tăng từ mức 1,25% lên mức 1,67% tổng dư nợ.

- Tỷ lệ dự phòng nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc - thước đo về khả năng hấp thụ thua lỗ có thể xảy ra do nợ xấu, đã giảm từ mức 200% xuống mức 181% vào tháng 12/2015.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu hệ thống ngân hàng Trung Quốc mất 10% tài sản vì nợ xấu, thì số vốn tổn thất sẽ lên tới 3,5 nghìn tỷ USD. Năm 2015, lợi nhuận của ngành ngân hàng Trung Quốc tăng 2,43% so với năm 2014, đạt mức 1,59 nghìn tỷ USD. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011 khi cơ quan chức năng Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu này.

(Theo Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc - CBRC ngày 15/02)

Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong tháng 01/2016 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng nhanh.

- Đầu tư trực tiếp phi tài chính đạt 12,02 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2015.

- Đầu tư của các địa phương đạt 11,12 tỷ USD, tăng 175,2%, chiếm 92,5% tổng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.Tỷ trọng đầu tư phi tài chính ra nước ngoài của các địa phương trong năm 2014 và 2015 lần lượt là 51% và 66,4%.

- Đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ đạt 1,56 tỷ USD, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Những năm gần đây, đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển từ các thị trường truyền thống như châu Phi sang các khu vực phát triển châu Âu và Hoa Kỳ.

(Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/02)

Nhật Bản

Trong tháng 01/2016, Nhật Bản đã thâm hụt thương mại 645,94 tỷ yên (5,7 tỷ USD) do hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác giảm sút. Trong đó:

- Kim ngạch xuất giảm 12,9% xuống 5.350 tỷ yên, ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2009.

- Kim ngạch nhập khẩu giảm 18%, xuống 6.000 tỷ yên, là tháng giảm thứ 13 liên tiếp.

Số liệu trên làm gia tăng lo ngại nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang gặp khó khăn dù BoJ bất ngờ áp dụng chính sách lãi suất âm, nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

(Theo Bộ Tài chính Nhật Bản)

Lợi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm của Nhật Bản ngày 09/02 giảm xuống -0,005%, nối tiếp đà đi xuống sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) bất ngờ quyết định áp dụng mức lãi suất -0,1% đối với các tài khoản vãng lai mà các tổ chức tài chính gửi tại BoJ vào tháng 01/2016. Trước khi BoJ đưa ra chính sách lãi suất âm, lãi suất trái phiếu 10 năm của Nhật Bản vào khoảng 0,2%, tương đương lợi suất trái phiếu quốc gia 10 năm do Đức phát hành; tại Hoa Kỳ là 1,7%; còn tại Hy Lạp là gần 10%.

Theo Tập đoàn Ngân hàng Credit Agricole SA, quyết định áp dụng lãi suất âm đối với một phần dự trữ của BoJ sẽ buộc Quỹ Đầu tư hưu trí Quốc gia Nhật Bản (GPIF) phải hạ tỷ lệ trái phiếu trong nước đang nắm giữ trong danh mục xuống còn 25%, thấp hơn 10% so với mục tiêu hiện tại. Để phân bổ 25% danh mục này, Bank of America Corp. cho rằng, GPIF sẽ phải mua 6,2 ngàn tỷ JPY (tương đương 54 tỷ USD).

Đàm phán - Ký kết

ADB và Trung Quốc

ADB ngày 16/02 cho biết, tổ chức này và Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác tài chính song phương bằng một chiến lược đối tác 5 năm (2016 - 2020), cho phép hai bên thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực:

- ADB sẽ đẩy mạnh hỗ trợ những nỗ lực hội nhập và hợp tác khu vực của Trung Quốc, tập trung hỗ trợ sự phát triển toàn diện và bền vững của quốc gia này trong 5 năm tới.

- ADB hỗ trợ cho những giải pháp trong các vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường.

Giai đoạn 2011 - 2015, khoản vay trung bình mỗi năm mà ADB dành cho Trung Quốc khoảng hơn 1,5 tỷ USD. Khoản vay thường niên này cũng sẽ tăng lên, tương ứng với quy mô hoạt động của ADB tại châu Á - Thái Bình Dương hướng tới năm 2020.

Qatar và Pakistan

Công ty khí hóa lỏng của Qatar sẽ bán khí hóa lỏng cho Công ty dầu mỏ quốc gia Pakistan trong thời gian từ năm 2016 - 2031 với trị giá 1 tỷ USD mỗi năm.Nhờ thỏa thuận này, Pakistan sẽ có ít nhất 35 triệu tấn khí hóa lỏng để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng ở quốc gia Nam Á này.

Chính sách

Nhật Bản

NHTW Nhật Bản (BOJ) ngày 16/02 đã quyết định áp dụng mức lãi suất âm 0,1% đối với một số khoản tiền gửi của các thể chế tài chính gửi tại BOJ, nhằm khuyến khích đưa lượng tiền này trở lại nền kinh tế thông qua chi tiêu hoặc tái đầu tư, trong nỗ lực chống giảm phát khi nền kinh tế nước này đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và kinh tế toàn cầu bất ổn.

- Trong thời gian đầu, mức lãi suất âm 0,1% sẽ được áp dụng đối với khoảng 10.000 tỷ yên (88 tỷ USD), tương đương 4% tổng số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Dự kiến, BOJ sẽ giữ con số này ở mức từ 10.000 - 30.000 tỷ yên.

- Ngoài ra, áp dụng mức lãi suất 0,1% đối với 210.000 tỷ yên tiền gửi trong năm 2015 thông qua việc mua trái phiếu chính phủ theo chính sách nới lỏng tiền tệ.

- Áp dụng mức lãi suất 0% đối với 40.000 tỷ yên tiền dự trữ bắt buộc cũng như các khoản tiền cung cấp cho các thể chế tài chính theo chương trình của BOJ thúc đẩy cho vay đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng và các dự án phục hồi sau thiên tai. Hàng tháng, BOJ sẽ tăng lượng tiền được hưởng lãi suất 0% nhằm tránh các tác động tiêu cực lên các ngân hàng khi áp dụng lãi suất âm quy mô lớn.

- Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết, chính sách tiền tệ mới sẽ tác động tích cực tới tiêu dùng và đầu tư, đem lại những thay đổi trong cách quản lý quỹ, vốn đang theo một chiều là tiền gửi và tiết kiệm, sang hướng sử dụng tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn theo Bộ trưởng về Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Nobuteru Ishihara, biện pháp lãi suất âm sẽ củng cố một chu kỳ tích cực của nền kinh tế thông qua tăng lương và tạo việc làm.

Hàn Quốc

NHTW Hàn Quốc (BOK) ngày 16/02 đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5% tháng thứ 8 liên tiếp, trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn tăng trưởng chậm.

- Xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Hàn Quốc - trong tháng 01/2016 đã giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2015, là mức giảm lớn nhất trong vòng 6 năm qua.

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015, ở mức thấp nhất trong 3 tháng vừa qua.

Lãi suất cơ bản của Hàn Quốc đã hạ xuống mức 1,5% từ tháng 7/2015, sau 4 lần cắt giảm liên tiếp trong vòng 1 năm.

Venezuela

Ngày 18/02 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết, Venezuela sẽ chỉ áp dụng 2 tỷ giá hối đoái chính thức: Một tỷ giá do Nhà nước quản lý sẽ ở mức 10 bolivar/1 USD nhằm phục vụ nhập khẩu những nhu yếu phẩm ưu tiên và một tỷ giá hối đoái thả nổi mang tên Simandi.

Ngoài ra, Venezuela cũng có một loạt các động thái nhằm vực dậy nền kinh tế:

- Kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí, chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu và hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu thế giới lao dốc.

- Tăng 20% lương tối thiểu cho người lao động từ ngày 01/3/2016.

- Tăng giá xăng lần đầu tiên sau 20 năm từ mức 0,01 USD/lít lên 0,95 USD/lít. Việc tăng giá xăng là một trong những giải pháp góp phần khắc phục khủng hoảng kinh tế.

Từ tháng 02/2015, Venezuela áp dụng 3 tỷ giá chính thức, gồm Cencoex (6,3 bolivar/1 USD, dành cho việc nhập khẩu các nhu yếu phẩm của doanh nghiệp nhà nước), SICAD (13 bolivar/1 USD) và SIMADI (200 bolivar/1 USD) nhằm “cạnh tranh” với thị trường ngoại tệ chợ đen. Tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen hiện lên tới hơn 900 bolivar/1 USD.

Nhận định
chuyên gia

Ngân hàng Đầu tư Jefferies:

Các chỉ số kinh thế thế giới năm 2016 hiện đang quay trở về giống với thời điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bao gồm những điểm chính sau:

- Chỉ số lạc quan tại các thị trường: -14 điểm, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

- Lãi suất trái phiếu của các công ty trong ngành năng lượng, đặc biệt là chỉ số S&P 500 đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2008.

- Các thị trường Hoa Kỳ rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 52 tuần kể từ giai đoạn 2008 - 2009.

- Sự khác biệt hay mở rộng của lợi suất cổ tức S&P và lãi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ đang quay về gần mức của năm 2008 - 2009.

- Tỷ lệ cổ phiếu đóng cửa trên ngưỡng trung bình động 200 ngày trên sàn NYSE là 15% - mức thấp nhất kể từ năm 2011 và bằng với thời điểm trước năm 2008.

- Số lượng giám đốc mua cổ phiếu của chính công ty mình so với số người bán đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011 và bằng với thời điểm trước năm 2009.

- Trái phiếu lãi suất cao đang được đánh giá là tài sản có rủi ro cao nhất, giống như trong giai đoạn 2008 - 2009.

Chủ tịch FED ngày 16/02:

Cần phải cải cách lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn, nhằm giảm thiểu thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống tài chính toàn cầu, theo đó:

- Chia các ngân hàng lớn thành những ngân hàng nhỏ hơn, kém quan trọng hơn và ít liên quan đến nhau hơn.

- Buộc các ngân hàng phải nắm giữ một số vốn lớn đến mức gần như không thể phá sản và phải tuân thủ quy định khắt khe.

Etsuro Honda, Cố vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe:

Trung Quốc có khả năng cao hạ cánh cứng (nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, sau đó là suy thoái), do nền kinh tế này đang dư thừa quá mức và điều chỉnh cung cầu sẽ gây ra một cú sốc. Vấn đề cấp bách hơn là Trung Quốc không thể sử dụng chính sách tiền tệ để nới lỏng như cách nước này đang dùng để bình ổn nội tệ. Do vậy, nước này nên áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ:

Nga có thể trở thành nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới trong năm 2016, với 23,5 triệu tấn lúa mỳ, cao hơn 3% so với năm 2015, trong khi Hoa Kỳ chỉ có thể cung cấp cho các thị trường nước ngoài khoảng 21,8 triệu tấn. Nguyên nhân là do sự suy yếu của đồng ruble góp phần đẩy mạnh xuất khẩu ngũ cốc, giúp Nga chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trên thị trường.

Việc Anh rời khỏi EU có thể để gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế nước này:

- Trong báo cáo của nhóm CEEMET - đại diện cho 200.000 nhà sản xuất ở châu Âu, thương mại và năng suất công nghiệp giảm có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Anh giảm 0,5%/năm trong vòng 15 năm tới nếu quốc gia này rời khỏi EU.

- Giáo sư Frederic Gonand tại trường đại học Paris-Dauphine cho biết, việc rời khỏi EU có thể khiến sản lượng kinh tế của Anh giảm hơn 7% trong vòng 15 năm tới. Tác động còn có thể mạnh hơn nếu tập trung phân tích ngành công nghiệp và bỏ qua ảnh hưởng của ngành tài chính và dịch vụ. Trong đó, dịch vụ chiếm 80% tỷ trọng kinh tế Anh.

- Ngân hàng Societe Generale của Pháp ước tính nếu Anh rời EU, tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này sẽ giảm từ 0,5 - 1%/năm trong hơn 10 năm tới.