Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 16-21/11/2015

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Tín dụng

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:

- Dư nợ tín dụng 11 tháng năm 2015 tăng 14,5 - 15%, dự báo cả năm tăng trên 17%.

- Mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định.

- Xuất khẩu 11 tháng năm 2015 đạt khoảng 149 tỷ USD, tăng 8,5%.

- Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 13,2 tỷ USD, tăng 17,9%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 4,4 tỷ USD.

- Thu NSNN ước đạt 94,1% dự toán, tăng 8,3%; chi ngân sách đạt 88,4% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Sau gần 9 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã đạt một số kết quả cụ thể:

- Tổng nguồn vốn đến nay là trên 25.000 tỷ đồng.

- Tổng doanh số cho vay đạt gần 55.000 tỷ đồng.

- Cho vay hơn 3,2 triệu lượt học sinh, sinh viên.

- Hỗ trợ cho vay 1,1 triệu hộ gia đình và trên 1,3 triệu học sinh, sinh viên vay vốn đi học.

(Theo NHCSXH).

Khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng hiện đang khá tốt, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%; những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản. (Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia).

Nguyên nhân: (i) NHNN đã cơ cấu lại triệt để các TCTD yếu kém, kiên quyết áp dụng các biện pháp mạnh, bao gồm cả biện pháp can thiệp bắt buộc của Nhà nước để xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém; (ii) Đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện các TCTD, trong đó nâng cao vai trò của các NHTM nhà nước trong quá trình xử lý các TCTD yếu kém và sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD khác; khuyến khích, tạo điều kiện cho các TCTD nước ngoài tham gia cơ cấu lại các TCTD Việt Nam.

Hệ quả: Các ngân hàng đã bảo đảm chi trả đầy đủ các khoản tiền gửi đến hạn, từ đó dóp phần ổn định tâm lý người gửi tiền, giảm dần tình trạng rút tiền ròng và tạo điều kiện huy động trở lại tiền gửi. Với việc sáp nhập, hợp nhất, các ngân hàng như PGBank, MHB, Southern Bank, MDB… đã giúp loại bỏ một số ngân hàng yếu kém, trong đó có những ngân hàng yếu nhất trong hệ thống.

Theo Ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB: thanh khoản cuối năm sẽ ổn định bởi dù gần cuối năm, nhưng kênh OMO vẫn có số dư bằng 0, NHNN không phải bơm tiền ra hệ thống. Tất nhiên, tháng 12/2015 và tháng 1/2016, nhu cầu thanh toán sẽ cao hơn, nhưng NHNN sẽ hỗ trợ thị trường nên thanh khoản cuối năm sẽ không gặp khó khăn.

Hiện nay, vốn huy động kỳ hạn dưới 6 tháng chiếm khoảng 56% tổng vốn huy động của các ngân hàng, trong khi kỳ hạn cho vay phải luôn từ 6 tháng trở lên và phải phù hợp với chu kỳ sản xuất, lưu thông hàng hóa. Các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, tập trung ở các kỳ hạn dài để phù hợp với kỳ hạn cho vay.

(Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh).

Sản xuất công nghiệp

Thị trường thép của Việt Nam đang có nhiều biến động, chịu ảnh hưởngtừ tình hình thế giới. Trong quý 3/2015, sức mua giảm sút, cạnh tranh gay gắt đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành và các nhà đầu tư. Nhiều đơn vị sản xuất trong nước tiếp tục đối mặt với kho khăn do thép nhập khẩu giá rẻ, kém chất lượng. Lượng thép nhập khẩu về Việt Nam liên tục tăng cao trong những năm gần đây. (Theo Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA):

- Năm 2013, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là hơn 1,7 triệu tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 37%;

- Năm 2014, con số làgần 1,8 triệutấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 43%;

- 8 tháng đầu năm 2015: Tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ là 1,73 triệu tấn. Trong đó thị phần của tôn mạ nhập khẩu chiếm 57% và các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ còn chiếm 43%.

Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá rẻ gây nhiễu loạn thị trường.

Trong tháng 10/2015, lượng xe ô tô tiêu thụ của toàn thị trường đạt 22.368 xe, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung trong 10 tháng năm 2015, doanh số bán hàng của toàn thị trường Việt Nam đạt 185.811 xe, tăng 53% so với cùng kỳ 2014. Trong đó: Xe ôtô du lịch tăng 40%; xe thương mại tăng 71%; xe chuyên dụng tăng 109%.

(Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA).

Doanh nghiệp

Tính từ ngày 01/01 - 10/11/2015, cả nước đã có 175 doanh nghiệp được sắp xếp. Trong đó, 159 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa; 16 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác (bán, sáp nhập, giải thể, chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên). Lũy kế từ năm đầu thực hiện kế hoạch (2011) tới nay, cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp (bằng 79,37% tổng số doanh nghiệp phải cổ phần hóa). Dự kiến năm 2015, sẽ cổ phần hóa được khoảng 210 doanh nghiệp. Như vậy, số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 sẽ là 459 doanh nghiệp, đạt 90% kế hoạch.

(Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp).

Trong 10 tháng năm 2015:

- Có 77.542 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn đăng ký là 486.088 tỷ đồng, tăng 29% về số doanh nghiệp và tăng 38% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014.

- Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới hơn 1,15 triệu lao động, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2014.

- Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 1.223.903 tỷ đồng.

(Theo Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tổng cầu

Đầu tư

Theo Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam, tính đến ngày 20/10/2015:

- Vương quốc Anh có 222 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4,44 tỷ USD, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với 8 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 2,06 tỷ USD, chỉ chiếm 3,6% về số dự án nhưng chiếm đến 46,43% tổng vốn đầu tư đăng ký.

- Đã có 8 nước ASEAN có đầu tư FDI tại Việt Nam (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia), với 2.705 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 56,85 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Các nhà đầu tư ASEAN đã đầu tư vào 18/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân.

Chính phủ Canada sẽ cung cấp 12,9 triệu USD để hỗ trợ dự án Phát triển doanh nghiệp hợp tác xã Việt Nam (VCID). Dự án sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm (từ 2015 - 2020) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất cho các hợp tác xã nông nghiệp, góp phần giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ước tính, khoảng 10.000 hộ nông dân tại 5 tỉnh của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ dự án này.

(Theo Văn phòng Thủ tướng Canada).

Xuất nhập khẩu

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan:

- Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2015 ước tính thâm hụt 3,58 tỷ USD, tương đương 2,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong đó: (i) Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 134,41 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014; (ii) Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 137,99 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2014.

- Trong tháng 10/2015, Việt Nam nhập khẩu 799.617 tấn than, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014 nhưng giảm 25% so với tháng 9/2015. Than được nhập chủ yếu từ các nước: Indonesia (306.679 tấn, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2014), Trung Quốc (248.954 tấn, tăng 842% so với mức 29.579 tấn cùng kỳ năm 2014) và Nga (129.700 tấn, tăng 61%). Tính chung trong 10 tháng, Việt Nam nhập hơn 5 triệu tấn than, trị giá 418 triệu USD. Khối lượng than nhập khẩu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014.

- Trong tháng 10/2015, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tiếp tục tăng về lượng và giá trị, lần lượt tăng 12% và tăng 7,6% so với tháng 9, đây là tháng tăng thứ 3 liên tiếp kể từ tháng 8/2015, nâng lượng sắn xuất khẩu kể từ đầu năm cho đến hết tháng 10 lên 3,4 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 25,98% về lượng và tăng 22,08% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014.

- Trong tháng 10/2015, tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của cả nước đạt 761.000 tấn, tương ứng 276 triệu USD, tăng 10% về lượng và 11% về giá trị so với tháng 9. Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu đạt 3,3 tỷ USD, giảm mạnh 48% so cùng kỳ năm 2014, do đơn giá xuất khẩu bình quân trong 10 tháng năm 2015 giảm 49% so với cùng kỳ năm 2014. Phần lớn dầu thô của Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường:

(i) Trung Quốc: Đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014; (ii) Singapore: đạt 1,36 triệu tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2014; (iii) Nhật Bản: đạt 1,23 triệu tấn, giảm 27%; (iv) Malaixia: đạt 1,29 triệu tấn, tăng 54%.

- Lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc các loại đạt gần 14.000 chiếc (tăng 62,7%), trị giá 230 triệu USD (tăng 17,1%) so với tháng 9/2015. Tính chung 10 tháng năm 2015, lượng xe ôtô nguyên chiếc cả nước nhập về là 97.320 chiếc (tăng 88,1%), trị giá 2,33 tỷ USD (tăng 101,8%) so với cùng kỳ năm 2014.

Cân đối vĩ mô

Lao động

Theo báo cáo từ Viện Kinh tế Việt Nam ngày 19/11, mặc dù vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, tuy nhiên, thực tế tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã sụt giảm trong những năm vừa qua. Lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam thì năng suất lao động nông nghiệp cũng chỉ bằng 1% của Singapore, 1 - 4% của Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước OECD; bằng khoảng 50% các nước thu nhập trung bình. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và làm gia tăng nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Thực trạng lao động Việt Nam hiện nay: Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay là phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và vốn theo hướng tăng xuất khẩu và thu hút FDI. Trong khi năng suất lao động tăng rất chậm, có xu hướng tụt hậu. (Theo tiến sỹ Vũ Tuấn Anh, chuyên gia kinh tế cao cấp - Viện Kinh tế Việt Nam). Nguyên nhân năng suất lao động thấp: (i) Do lao động giá rẻ, dẫn đến chất lượng thấp, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng công nghệ trong sản xuất và quản lý ngày càng cao của doanh nghiệp; (ii) Việt Nam chưa chú trọng vào khoa học công nghệ. Phát triển công nghiệp của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn phụ thuộc phần lớn vào vốn và kỹ thuật nước ngoài; năng lực nội sinh cho công nghiệp hóa yếu.

Định hướng nhằm cải thiện năng suất lao động

+ Cần có sự liên kết giữa đào tạo - người lao động - doanh nghiệp - quản lý nhà nước. Từ đó tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, năng suất cao, góp phần giúp đất nước phát triển, vươn lên.

+ Cần phải thực sự coi khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu; để từ đó tập trung nguồn lực cho những phát minh, sáng chế đem lại nhiều lợi ích, hiệu quả hơn.

+ Về mặt thể chế, những năm tới, Việt Nam cần phải có kế hoạch đổi mới cụ thể để giảm thiểu tụt hậu so với các nước; phải đổi mới từ tư duy, thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập...

+ Hướng đi tới là cổ phần hóa, giảm bớt khu vực doanh nghiệp nhà nước trong GDP còn 15% vào năm 2020; hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp.

+ Vực dậy nhanh chóng khu vực tư nhân để đóng vai trò nền tảng và động lực chủ yếu trong nền kinh tế...

(Theo báo cáo từ Viện Kinh tế Việt Nam).

Giá xăng

- Theo quyết định liên Bộ Công Thương - Tài chính, kể từ 15 giờ ngày 18/11, giá xăng đầu được điều chỉnh giảm. Cụ thể:

+ Xăng R​on 92 giảm 178 đồng/lít, xuống còn 17.054 đồng/lít;

+ Xăng E5 giảm 178 đồng/lít, xuống còn 16.559 đồng/lít;

+ Giá dầu diesel 0,05S được giữ nguyên ở mức 13.513 đồng/lít;

+ Giá dầu hỏa tăng 124 đồng/lít, lên 12.640 đồng/lít.

Đây là lần điều chỉnh giá xăng dầu thứ 20 trong năm 2015. Với mức giảm lần này, hiện giá xăng dầu đã thấp hơn khoảng 700 đồng/lít so với giá xăng thời điểm đầu năm, trong khi giá dầu diesel thấp hơn gần 5.000 đồng/lít.

- Theo văn bản số11858/BCT - TTTNcủa Bộ Công Thương về việc điều hành kinh doanh xăng dầu, mức trích sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) từ 15 giờ ngày 18/11 cụ thể là:

+ Mức trích lập cho xăng các loại, dầu hỏa, dầu mazút được giữ nguyên ở mức 300 đồng/lít;

+ Mức trích lập đối với dầu điêzen các loại ở mức 208 đồng/lít, giảm 92 đồng so với kỳ điều chỉnh trước (ngày 3/11).

Tiêu thụ vàng

Trong quý 3/2015, lượng vàng tiêu thụ trên toàn cầu đạt 1.120,9 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014.

Tại Việt Nam, vàng tiêu thụ trong quý 3/2015 đạt 15 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó: (i) Vàng trang sức là 3,5 tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng thấp hơn so với mức 4,4 tấn của quý 1 và 3,7 tấn của quý 2; (ii) Vàng miếng là 11,5 tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung 9 tháng năm 2015, tiêu thụ vàng của Việt Nam đạt 48,4 tấn. Trong đó: (i) Tiêu thụ vàng trang sức là 11,2 tấn, so với cả năm 2014 là 12,5 tấn; (ii) Tiêu thụ vàng miếng đạt 44,4 tấn, so với cả năm 2014 là 54,2 tấn.

(Theo Báo cáo về nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu của Hội đồng Vàng Thế giới - WGC).

Giá vàng

Trong tuần, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm từ 20 đến 30 nghìn đồng/lượng. Trong ngày giao dịch cuối tuần (ngày 21/11), giá vàng được niêm yết tại các doanh nghiệp ở mức:

+ Công tySJClúc tại Hà Nội: 33,16 - 33,41 triệu đồng/lượng, tại thành phố Hồ Chí Minh: 33,16 - 33,39 triệu đồng/lượng.

+ Tập đoàn DOJI: 33,31 - 33,35 triệu đồng/lượng.

+ Công ty Bảo Tín Minh Châu: 33,32 - 33,36 triệu đồng/lượng.

Lãi suất

Lãi suất huy động và cho vay của các TCTD tiếp tục ổn định. (Theo NHNN)

- Mặt bằng lãi suất huy động VND vẫn phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm.

- Lãi suất huy động bằng USD của các TCTD phổ biến ở mức 0,25%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức.

Tỷ giá

Tính chung cả tuần, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 65 đồng/USD. Phiên giao dịch cuối tuần (ngày 21/11), các ngân hàng niêm yết tỷ giá ở mức:

+ Vietcombank: 22.430 - 22.510 đồng/USD.

+ Vietinbank, BIDV, ACB và DongABank: 22.440 - 22.510 đồng/USD.

+ Eximbank: 22.440 - 22.510 đồng/USD.

+ Techcombank: 33.400 - 22.510 đồng/USD.

Nợ xấu

Tính đến ngày 30/9, lợi nhuận của các ngân hàng tăng, song nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng mạnh. Cụ thể:

- BIDV tỷ lệ nợ xấu là 2,16%, tăng nhẹ so với đầu năm, nhưng nợ nhóm 5 lại tăng 72%, lên 5.631 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu;

- Vietcombank, tổng số nợ xấu đã tăng thêm 2.869 tỷ đồng sau 9 tháng, nhưng nợ nhóm 5 tăng mạnh nhất với mức tăng 72%, lên 5.631 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu. Tính đến cuối tháng 9, Vietcombank có hơn 7.100 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 69% là nợ nhóm 5;

- Sacombank đang có 2.345 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,6% tổng dư nợ, tại thời điểm đầu năm 2015 tỷ lệ này ở mức 1,18%, nợ nhóm 5 chiếm đến 1.794 tỷ đồng, tương đương 3/4 tổng số nợ xấu.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, nhiều ngân hàng (đặc biệt là Techcombank, Vietcombank, VPBank, LienVietPostBank, VIB, ABBank) đã mất hơn phân nửa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ năm 2014, tỷ lệ này đa phần ở dưới mức 50%. Trong đó:

- LienVietPostBank: Tăng chi phí dự phòng từ 26 tỷ lên 404 tỷ đồng.

- Techcombank: Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 78% so với cùng kỳ năm trước lên mức gần 2.790 tỷ đồng.

- VPBank: Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao gấp 4,5 lần cùng kỳ với hơn 2.450 tỷ đồng.

Theo thống kê mới nhất, từ cuối năm 2013 đến nay, VAMC mới chỉ xử lý được 7,2% nợ xấu, tương đương khoảng 16.270 tỷ đồng, số còn lại vẫn chưa xử lý được.

Thị trường tài sản

Trái phiếu

Trong tuần, đã có 3 phiên đấu thầu TPCP do các tổ chức phát hành, cụ thể:

- Ngày 16/11, NHCSXH phát hành tổng khối lượng 1.500 tỷ đồng gồm 3 loại kỳ hạn: 3 năm (500 tỷ đồng), 5 năm (800 tỷ đồng) và 15 năm (200 tỷ đồng). Kết quả cụ thể:

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,38%/năm (bằng lãi suất trúng thầu phiên ngày 9/11/2015).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 700 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,3%/năm (cao hơn 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 9/11/2015).

+ Kỳ hạn 15 năm: Không trúng thầu.

- Ngày 18/11, KBNN phát hành, với tổng khối lượng gọi thầu 7.500 tỷ đồng gồm 2 loại kỳ hạn 3 năm (7.000 tỷ đồng) và 10 năm (500 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 7.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,9%/năm.

+ Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 100 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,95%/năm (thấp hơn 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 21/10/2015).

- Ngày 19/11, KBNN phát hành tổng khối lượng gọi thầu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm. Kết thúc đầu thầu, đã huy động được 2.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,45%/năm (cao hơn 0,25%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 28/8/2015).

Cổ phiếu

Trong tuần từ 16 - 20/11, thị trường chứng khoán tăng, giảm trái chiều trên cả 02 sàn, cụ thể:

+ VN-Index: Giảm 1,11%, xuống 604,46 điểm. Tổng khối lượng hơn 695 triệu cổ phiếu, trị giá trên 12,1 tỷ đồng.

+ HNX-Index: Tăng 0,02%, lên 81,59 điểm. Tổng khối lượng hơn 251 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2,5 tỷ đồng.

Trong tuần từ 16 - 20/11, khối ngoại bán ròng 128 tỷ đồng trên cả 02 sàn. Cụ thể:

+ HOSE:Khối ngoại bán ròng hơn 140 tỷ đồng, tuy nhiên, xét về khối lượng thì mua ròng hơn 6,7 triệu cổ phiếu.

+ HNX:Khối ngoại mua ròng 13 tỷ đồng.

Bất động sản

Thị trường căn hộ và văn phòng cho thuê ở cả hai miền Nam - Bắc đang tiếp tục đón nhiều tín hiệu tích cực về giá và sức hấp thụ. (Theo Công ty Savills). Cụ thể, trong quý 3/2015:

- Chỉ số giá nhà tại Hà Nội đã tăng thêm 6% so với cùng kỳ 2014;

- Tỷ lệ hàng tồn kho tại Hà Nội cũng giảm mạnh xuống 11% theo quý và 7% theo năm;

- Giá bán sơ cấp trung bình tại thị trường Hà Nội hiện đạt mức 26 triệu/m2, tăng 6% theo quý. Giá bán thứ cấp trung bình lại giảm 2,3%.

Nguyên nhân khiến giá sơ cấp tăng còn thứ cấp giảm là do nguồn cung mới của thị trường sơ cấp đang đa dạng hơn. Các dự án mới có chất lượng và tiện ích nâng cấp hơn, kèm theo đó là giá bán được điều chỉnh ít nhiều so với quý trước.

Tính đến ngày 31/10/2015, tổng số tiền các ngân hàng cam kết giải ngân gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng đạt 21.518 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nguồn vốn hỗ trợ. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân cho các đối tượng mua nhà vay là 13.499 tỷ đồng (đạt 45%) vốn ưu đãi. (Theo Bộ Xây dựng).

Nguyên nhân:

- Nghị quyết số 02/NQ-CP không đặt ra thời hạn cụ thể phải hoàn thành việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng.

- Có rất ít dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá bán thấp để chuyển sang nhà ở xã hội.

- Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không phải do ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp mà được thực hiện theo nguyên tắc NHNN tái cấp vốn nên khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng điều kiện vay.

- Quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn ngân hàng liên quan đến năng lực, khả năng trả nợ của khách hàng nên cần nhiều thời gian.

Nhận định chuyên gia

Theo Tiến sỹ Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương:

Những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt con số khá cao, tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu theo xu hướng giảm dần và năm 2015 Việt Nam sẽ rất khó khăn để đạt tốc độ tăng trưởng 10% (tương đương 165 tỷ USD).

- Nhận định trên được đưa ra dựa trên một số căn cứ: (i) Kinh tế thế giới đang giảm tốc, nên nhu cầu nhập khẩu tiêu thụ hàng hóa giảm. Trong khi đó, Việt Nam có mức độ phụ thuộc quá lớn vào một số ít thị trường; trong đó có Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam); (ii) Giá dầu thô, than đá giảm, do nhu cầu thế giới giảm, trong khi 3 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam, thì 2 nhóm là nhóm nguyên nhiên liệu khoáng sản giảm, nông sản giảm mạnh (cả về lượng và giá); (iii) Hàn Quốc giảm đầu tư mặt hàng điện thoại di động vào Việt Nam; (iv) Tăng trưởng xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước đang ngày càng yếu thế trước các doanh nghiệp FDI xét cả về tỷ trọng trong xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và cán cân thương mại. Các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn nhập siêu lớn, góp phần làm thâm hụt cán cân thương mại.

- Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu:

+ Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Xuất Nhập khẩu chủ trì phối hợp với các Vụ Thị trường ngoài nước tổ chức làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để trao đổi về tình hình xuất khẩu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp hỗ trợ tăng cường tiêu thụ nông sản, các biện pháp tháo gỡ khó khăn để góp phần thúc đẩy xuất khẩu.

+ Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi biến động của tình hình tỷ gía và lãi suất trong nước và trên thế giới, đánh gía tác động ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam và đề xuất các giải pháp, trao đổi đề nghị NHNN Việt Nam về những vấn đề tỷ giá góp phần hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và cơ chế hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận vốn để phát triển sản xuất.

+ Yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh, Vụ Thị trường ngoài nước, các thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài rà soát đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại các nước hiện đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như việc Indonesia, Thái Lan, Malaysia áp thuế chống bán phá gía với mặt hàng tôn thép lạnh của Việt Nam đồng thời, chủ động làm việc với các cơ quan nước sở tại giải quyết khắc phục tháo gỡ các rào cản và kịp thời thông tin về chính sách, các rào cản mới của thị trường nhập khẩu tới các Hiệp hội, doanh nghiệp và phối hợp đề xuất các biện pháp ứng phó.

Chính sách

Nghị định số 114/2015/NĐ-CP

Ngày 09/11, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2015/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

- Cho phép doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại.

- Cho phép doanh nghiệp chế xuất, người bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam.

- Từ ngày 25/12/2015, không bắt buộc doanh nghiệp chế xuất được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài, khu chế xuất.

- Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/12/2015.

Thông tư số 163/2015/TT-BTC

Ngày 05/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 163/2015/TT-BTCsửa đổi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa nhóm 87.04 và bộ linh kiện ô tô, khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi được ban hành ngày 05/11/2015.

Thông tư số 21/2015/TT-NHNN

Ngày 16/11/2015, NHNN ban hành Thông tư số 21/2015/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng, cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần; vay vốn để khai thác hải sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản.

- Hạn mức, lãi suất cho vay được thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 1, điểm c, điểm d khoản 3 và điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

- Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ thực hiện theo điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định 67/2014/NĐ-CP.