"Cú hích" cho phục hồi kinh tế nhìn từ Nghị quyết 128

Theo Thanh Bình/diendandoanhnghiep.vn

Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là "cú hích" quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội khi dịch COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị quyết “mở cửa”

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với 4 cấp độ dịch. Quy định này được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Nghị quyết đang tạo được không khí hưởng ứng tích cực của xã hội trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, Nghị quyết số 128/NQ-CP yêu cầu tạm thời không áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cấp bách cũng như tạm thời không thực hiện các Chỉ thị 15,16, 19 - những giải pháp mạnh theo quan điểm “zero COVID”.

Thay vào đó là Chủ tịch UBND tỉnh, thành dựa vào 4 cấp độ dịch được nêu trong Nghị quyết để đưa ra các quyết định cách ly y tế vùng nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất có thể.

Cụ thể, 4 cấp độ dịch: Cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

Ở cấp độ 1, 2 và 3, việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau sẽ không bị hạn chế. Tuy nhiên, ở cấp độ 3 thì cần tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế…. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch. 

Cấp độ dịch được phân loại dựa trên 3 tiêu chí, gồm tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).

Nghị quyết mới cũng chỉ rõ, ngoài các biện pháp được nêu trong quy định, các tỉnh, thành phố có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.

Thực tế cho thấy, từ thời điểm đầu tháng 10, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong cả nước. Trước hậu quả nặng nề của dịch bệnh cùng với tình hình mới này, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi”.

Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn

Như chúng ta đã biết, trước sự tấn công của biến chủng delta, hàng loạt tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội một thời gian dài, trong đó có đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành (Bình Dương, Đồng Nai…) vốn tập trung số lượng lớn khu công nghiệp, khu kinh tế.

Một cú sốc kinh tế dây chuyền, gây nên sự đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội. Hậu quả là tăng trưởng GDP quý III âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước; hàng triệu lao động mất việc làm…

Câu chuyện hàng ngàn lao động trở về quê và con số thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội là minh chứng rõ nhất. Đợt đại dịch COVID-19 bùng phát vừa qua đã khiến 2,5 triệu lao động ở các tỉnh phía Nam phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc trên cả nước. Hàng chục vạn lao động từ các thành phố lớn đã tìm mọi cách về quê tránh dịch.

Nay, đại dịch lắng dần, hàng ngàn doanh nghiệp trở lại hoạt động, nhận được nhiều đơn hàng nhưng lại đang thiếu lao động trầm trọng. Tuy nhiên, việc kêu gọi lao động quay trở lại làm việc lại không dễ, đơn giản như ra một “mệnh lệnh hành chính”.

Để đưa cả nước quay lại bình thường mới góp phần ổn định dân sinh và phục hồi sản xuất, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc lưu thông và giao thông vận tải phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo ấy, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho thí điểm hoạt động vận tải hành khách đường bộ từ ngày 13/10. Thế nhưng, điều mà người tham gia giao thông lẫn các dịch vụ xe khách cảm thấy ái ngại nhất là những rào cản do các địa phương thiết lập trên từng tuyến quốc lộ.

Bên cạnh đó, để cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nhân dân trở lại hoạt động ở trạng thái “bình thường mới” thì vẫn còn một vướng mắc duy nhất cần phải giải quyết là hoạt động xét nghiệm.

Có thể nói, công tác phòng chống COVID-19 đã chuyển sang giai đoạn khác, tích cực hơn và hiệu quả hơn. Và khi đã xác định mở cửa nền kinh tế trở lại, thì cách quản lý của chính quyền địa phương cần theo hướng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định đã được thống nhất, thay vì tư duy cát cứ, tạo ra các quy định riêng để cấp phép riêng, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Nghị quyết số 128/NQ-CP thực sự là một chuyển biến mới cho quá trình bình thường mới. Các quy định nêu trong Nghị quyết được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc sẽ giống như “liều thuốc” chữa được căn bệnh cát cứ, cục bộ, mỗi nơi thực hiện một kiểu như thời gian qua.

Chính những “điểm mở” trong Nghị quyết số 128/NQ-CP cũng sẽ góp phần quan trọng khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường để tái thiết nền kinh tế sau giai đoạn dài giãn cách diện rộng.

Đây là sự cần thiết, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thể hiện sự linh hoạt, tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng và Chính phủ.