Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giải đáp về thủ tục hải quan, chính sách thuế


Lĩnh vực xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ là 2 lĩnh vực mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần phải nắm thật chắc luật lệ của các quốc gia trong khối liên minh châu Âu. Hiện nay ngành Hải quan đã có văn bản phổ biến về các phương thức, thủ đoạn giả mạo xuất xứ, gian lận sở hữu trí tuệ.

Đó là chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp tại Hội nghị đối thoại với DN châu Âu được tổ chức mới đây.

Chia sẻ về cơ hội và thách thức nhập khẩu của các DN châu Âu vào Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, hiện nay, Việt Nam ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Đặc biệt, đối với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với liên minh châu Âu EU.

Theo đó, lĩnh vực xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ là 2 lĩnh vực mà DN Việt Nam cần phải nắm thật chắc luật lệ của các quốc gia trong khối liên minh châu Âu. Hiện nay ngành Hải quan đã có văn bản phổ biến về các phương thức, thủ đoạn giả mạo xuất xứ, gian lận sở hữu trí tuệ …. DN cần phải nghiên cứu kỹ các quy định về xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ để không mắc các sai phạm khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu cũng như nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho biết, hiệp định EVFTA bao gồm một chương khá toàn diện về Phát triển Bền vững Thương mại, Việt Nam nên được tán dương vì đã luôn đi đầu trong các nước đang phát triển trong việc tham gia vào sự phát triển bền vững. Cả Việt Nam và châu Âu sẽ cùng cam kết thúc đẩy và khuyến khích việc duy trì, bảo vệ môi trường, chống các hành vi buôn lậu, đảm bảo xuất xứ và tính định dạng của sản phẩm trong quy trình sản xuất, chế biết; bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ…

Các DN Việt Nam cần đảm bảo tăng cường nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đảm bảo tính hiệu quả, thực thi các cam kết theo EVFTA - phê duyệt các Công ước ILO, đảm bảo sức khỏe, ăn toàn, các điều kiện lao động, chính sách cho người lao động.

Bên cạnh đó, Hiệp hội DN châu Âu cũng có nhiều câu hỏi, kiến nghị, đề xuất về công tác tạo thuận lợi, đơn giản thủ tục hải quan. Như câu hỏi của một số DN về thuế nhà thầu nước ngoài có áp dụng cho hàng hóa mua qua Kho ngoại quan tại Việt Nam.

Giải đáp về  vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu- Cục Hải quanTP. Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến đối tượng áp dụng thuế nhà thầu, đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu, công ty tham khảo Điều 1, Điều 2 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Thu thuế nhà thầu thuộc quản lý của cơ quan thuế nội địa. Trong trường hợp còn vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ cơ quan thuế địa phương để được hướng dẫn cụ thể.

Hướng dẫn về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa được đặt gia công ở nước ngoài hoặc tại khu phi thuế quan nhập khẩu trở lại Việt Nam, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, sản phẩm đặt gia công ở nước ngoài, khi nhập khẩu trở lại Việt Nam, đã nộp thuế theo quy định tại khoản d, Điều 11, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ được quy định như sau:

Đối với trường hợp sản phẩm gia công đã nhập khẩu phải tái xuất thì việc xem xét hoàn lại số thuế đã nộp thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH-13, Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP; Trường hợp sản phẩm gia công đã nhập khẩu được sử dụng làm bán thành phẩm cho mục đích gia công, sản xuất hàng hoá được xuất khẩu thì không được xem xét hoàn lại số thuế đã nộp do không đáp ứng quy định tại  khoản 2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Tại Hội nghị, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết nhằm tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp trong năm 2019, đơn vị đã ban hành kế hoạch số 1010/KH-HQHCM ngày 18/4/2019 tăng cường tạo thuận lợi thương mại trong nghiệp vụ tham vấn giá tính thuế 1 lần, sử dụng nhiều lần cho 500 DN có đóng góp số thu lớn, chấp hành tốt pháp luật hải quan.

Áp dụng hình thức này, DN chỉ thực hiện tham vấn 1 lần cho lô hàng đầu tiên thực hiện tham vấn 1 lần. Các lô hàng tương tự, giống hệt tiếp theo có mức giá và điều kiện giao dịch ổn định, DN có quyền yêu cầu áp dụng kết quả tham vấn 1 lần trước đó.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh,  khi vận dụng kết quả tham vấn 1 lần cho các lần nhập khẩu tiếp theo, DN sẽ tiết kiệm thời gian, công sức phải chứng minh mức giá giao dịch nhiều lần, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Cùng với đó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2318/QĐ-HQHCM ngày 10/9/2019 về thí điểm Đề án tạo thuận lợi thương mại trong hoạt động Logistic và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hy vọng với 2 đề án này sẽ góp phần vào việc tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN trong thời gian tới.