Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô cho phát triển nhanh và bền vững

Hoa Sơn

Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể hóa và triển khai nhiệm vụ, giải pháp này, năm 2020, Chính phủ tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”. Phê duyệt và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, kỷ cương, công khai minh bạch. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý NSNN. Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu NSNN; cơ cấu lại các khoản thu, quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN. Điều hành chi NSNN theo dự toán được giao; bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hóa.

Đồng thời, quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công; nghiên cứu huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, bảo đảm thanh toán nợ đúng hạn, không để ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia trong năm 2020. Cân đối đủ nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Trung ương. Thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với giá điện và giá các dịch vụ công thiết yếu…

Năm 2020, Chính phủ đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực như: Tỷ lệ động viên vào NSNN 22,2%; tỷ lệ nợ đọng thuế thấp hơn 5%; tăng thu so với dự toán NSNN 3 %; tỷ trọng chi thường xuyên (không bao gồm chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế) 60,5%; tỷ trọng chi đầu tư phát triển 27-27,5%; bội chi NSNN so GDP 3,44%; dư nợ công trên GDP 54,3%; nợ Chính phủ trên GDP 48,5%; nợ nước ngoài trên GDP 45,5%...

Tiếp tục duy trì cán cân thương mại tích cực, đóng góp cho tăng trưởng. Tăng cường xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là hàng nông sản; phòng ngừa rủi ro do mất cân đối xuất khẩu, nhập khẩu ở một số địa bàn; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường.

Chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn. Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Thực hiện nghiêm Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước. Hoàn tất phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam - EU; tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới; nghiên cứu, xây dựng kịch bản phù hợp tham gia các FTA mới.

Ban hành và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2030. Trong bối cảnh đó, Chính phủ phấn đấu mục tiêu tốc độ tăng GDP 6,8%; tốc độ tăng CPI bình quân thấp hơn 4%; Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP từ 33-34%; Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn 4%...

Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực năm 2020 được nêu rõ như sau: Tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%; tỷ lệ động viên vào NSNN 22,2%; tỷ lệ nợ đọng thuế thấp hơn 5%; tăng thu so với dự toán NSNN 3 %; tỷ trọng chi thường xuyên (không bao gồm chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế) 60,5%; tỷ trọng chi đầu tư phát triển 27-27,5%; bội chi NSNN so GDP 3,44%; dư nợ công trên GDP 54,3%; nợ Chính phủ trên GDP 48,5%; nợ nước ngoài trên GDP 45,5%...