Điều hành giá cả, thị trường năm 2018: Chủ động, linh hoạt, hiệu quả


Năm 2018, công tác quản lý, điều hành giá cả thị trường gặp nhiều khó khăn, thách thức khi mặt bằng giá cả trong nước chịu những áp lực lớn từ các yếu tố khách quan như giá thịt lợn trên đà hồi phục và tăng cao, giá lương thực tăng theo nhu cầu xuất khẩu...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả, điều hành, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đề xuất các giải pháp, tổ chức thực hiện linh hoạt, bám sát tín hiệu thị trường. Năm 2019, công tác quản lý giá tiếp tục được Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành quản lý, điều hành giá sát với diễn biến thị trường, đảm bảo mục tiêu Quốc hội thông qua (kiểm soát lạm phát ở mức 4%).

Diễn biến giá cả thị trường năm 2018 luôn trong tầm kiểm soát

Kết thúc năm 2018, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính, công tác quản lý, điều hành thị trường giá cả đã đạt được những kết quả tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 sát với các dự báo, kịch bản điều hành giá đã được vạch ra ngay từ đầu năm. Diễn biến giá cả thị trường luôn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Điều hành giá cả, thị trường năm 2018: Chủ động, linh hoạt, hiệu quả - Ảnh 1

CPI các tháng đầu năm biến động theo hướng tăng dần qua các tháng, từ mức 2,65% (tháng 1) tăng dần đến mức 3,01% (bình quân 5 tháng), tăng với tốc độ nhanh hơn trong 2 tháng tiếp theo lên mức 3,45% (bình quân 7 tháng) và dần ổn định trong khoảng 3,5 - 3,6% trong các tháng cuối năm; CPI bình quân cả năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.

Thực tế cho thấy, diễn biến CPI trong năm 2018 chịu tác động từ một số yếu tố làm gia tăng sức ép lên mặt bằng giá mang tính quy luật hàng năm như: Giá cả một số mặt hàng tăng cao vào dịp lễ, Tết và nhanh chóng giảm trở lại mức bình thường trong thời gian sau Tết; biến động tăng cao của giá xăng dầu thế giới trong quý III/2018; giá thịt lợn hồi phục trong quý II và ổn định ở mức cao trong quý III; giá khí dầu hóa lỏng tăng theo diễn biến giá thế giới; giá vật liệu xây dựng tăng trong quý III và quý IV/2018.

Cùng với các yếu tố trên, năm 2018, diễn biến thị trường giá cả được thể hiện rõ nét ở các chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa. Cụ thể, tính chung năm 2018, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,98% so với năm 2017; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 3,09% so với năm trước; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,98% so với năm 2017; chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá tăng 0,9% so với năm 2017; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 1,82% so với năm 2017.

Riêng tỷ giá thương mại hàng hóa năm 2018 giảm 0,9% so với năm 2017, trong đó tỷ giá thương mại hàng hóa của xăng dầu tăng 12,96%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,3%; thủy sản tăng 6,34%; rau quả giảm 6,14%; hóa chất giảm 5,42%; cao su giảm 3,37%.

Bộ Tài chính triển khai nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả

Trong điều kiện tình hình kinh tế quốc tế có nhiều biến động tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới và trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu Chính phủ các biện pháp điều hành phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong năm 2018, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt công tác quản lý, điều hành giá, cụ thể: Ngày 04/01/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 16/QĐ-BTC ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ”, trong đó, yêu cầu công tác quản lý giá phải tập trung chú trọng xây dựng lộ trình và phạm vi điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý trong năm 2018; Đồng thời, tổ chức triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, điều hành giá nhằm bình ổn thị trường giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Bên cạnh đó, để chủ động điều hành giá năm 2018, ngày 22/12/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý, điều hành, bình ổn giá cả thị trường và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo trong dịp Tết Nguyên đán.

Tiếp đó, ngày 1/3/2018, Bộ Tài chính, ban hành Công văn số 2323/BTC-QLG gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Chủ động theo dõi, phối hợp với các bộ, ngành trong xây dựng nội dung và tài liệu phục vụ Ban Chỉ đạo điều hành giá; chủ động phối hợp với các bộ, ngành tổ chức triển khai kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo trong công tác dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá.

Điều hành giá cả, thị trường năm 2018: Chủ động, linh hoạt, hiệu quả - Ảnh 2

Bộ Tài chính đẩy mạnh kiểm tra giá cả các mặt hàng, góp phần phát hiện và kịp thời xử lý, chấn chỉnh hành vi vi phạm pháp luật về giá; Công tác thông tin tuyên truyền, công khai minh bạch về giá cũng được chú trọng nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội...

Nhìn chung, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan, trong năm 2018, công tác quản lý, điều hành giá của Bộ Tài chính đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:

- Về mặt hàng xăng, dầu: Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện việc điều hành giá xăng, dầu trong nước theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng, dầu và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Tại các kỳ điều hành, khi giá xăng dầu thế giới tăng, Liên Bộ đã sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá (BOG) để hạn chế mức tăng giá các mặt hàng xăng, dầu; thường xuyên công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ BOG của từng thương nhân kinh doanh xăng, dầu đầu mối hàng quý trên trang thông tin điện tử liên bộ. Tính đến cuối năm 2018, giá xăng, dầu trong nước đã thực hiện điều chỉnh 23 lần. Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định chi sử dụng Quỹ BOG xăng, dầu tại các đợt điều hành trong năm 2018 với mức chi sử dụng từ 31-1.563 đồng/lít,kg (tùy mặt hàng, tùy từng thời điểm điều hành) để hạn chế mức độ tăng giá các mặt hàng xăng, dầu.

- Về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế rà soát mức giá của từng dịch vụ khám chữa bệnh để điều chỉnh kịp thời theo lộ trình. Đồng thời, trong quá trình triển khai kịp thời nắm bắt một số vướng mắc phát sinh để đề xuất giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng tháo gỡ.

- Về các mặt hàng khác (như khí LPG, thuốc và vật tư y tế, dịch vụ giáo dục, vật liệu xây dựng, cước bưu chính, viễn thông, các dịch vụ vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải): Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ quản lý ngành trong việc đôn đốc triển khai các giải pháp.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá CPI đạt khoảng 4%. Đặt ra mục tiêu trên, Quốc hội dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong năm 2019 như: Sự biến động phức tạp của giá xăng dầu và các hàng hóa cơ bản khác trên thị trường thế giới, xu hướng tăng giá của đồng USD tác động đến tỷ giá trong nước...

Nhìn chung, công tác chỉ đạo điều hành giá năm 2018 đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Lạm phát năm 2018 đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4% và ổn định ở mức thấp, cung cầu thị trường được đảm bảo; điều hành giá nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Dự báo lạm phát và kiến nghị biện pháp quản lý, điều hành giá năm 2019

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá CPI khoảng 4%. Đặt ra mục tiêu trên, Quốc hội dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong năm 2019 như: Sự biến động phức tạp của giá xăng dầu và các hàng hóa cơ bản khác trên thị trường thế giới, xu hướng tăng giá của đồng USD tác động đến tỷ giá trong nước...

Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2019 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong các dịp lễ, Tết, thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công…

Thứ ba, đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, giảm thiểu tối đa những hạn chế tác động chi phí đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.
Thứ tư, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Thứ năm, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang quản lý theo cơ chế giá.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá.
Thứ bảy, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Chỉ thị số 48/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ;
2. Quyết định số 16/QĐ-BTC ban hành “Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ”;
3. Công văn số 2323/BTC-QLG ngày 01/3/2018 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
4. Báo cáo tổng quan thị trường và giá cả (kèm theo công bố chỉ số CPI) - Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.