Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được tiếp thu, cụ thể tối đa các nội dung


Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại phiên họp sáng ngày 24/5/2019 của Quốc hội về dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được rà soát, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cụ thể hóa tối đa các nội dung.

Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Nguồn: quochoi.vn
Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Nguồn: quochoi.vn

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV và ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Bao quát các nguồn thu ngân sách

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã sửa lại phạm vi điều chỉnh theo hướng bao quát tất cả các nguồn thu ngân sách nhà nước, không tách bạch nguồn thu do cơ quan quản lý thuế thu và nguồn thu không do cơ quan quản lý thuế thu.

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung giải thích từ ngữ về cơ sở dữ liệu thương mại; các bên có quan hệ liên kết, giao dịch độc lập, giao dịch liên kết, Công ty mẹ tối cao của tập đoàn; bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết của những doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục gồm 17 chương với 151 điều, quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Bổ sung nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan Trung ương

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã rà soát và bổ sung nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương trong việc quản lý thuế của 11 bộ, ngành có liên quan, chủ yếu là các bộ, ngành có liên quan trực tiếp, thường xuyên đến công tác quản lý thuế.

Đồng thời, để bảo đảm tính bao quát, dự thảo Luật quy định: “Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý thuế theo quy định của Chính phủ”.

Cùng với đó, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể quyền của người nộp thuế; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý thuế; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra nhà nước.

Bỏ nguyên tắc giao dịch điện tử trong quản lý thuế

Liên quan đến nguyên tắc quản lý thuế, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung việc “áp dụng nguyên tắc giao dịch độc lập” vào nguyên tắc ấn định thuế để đảm bảo tăng cường công tác quản lý và chống xói mòn thuế; bỏ nguyên tắc giao dịch điện tử vì đây là phương thức, hình thức quản lý, không phải là nguyên tắc quản lý thuế.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, quy định “Giao dịch liên kết” và “Giao dịch độc lập” đã được tiếp thu trong phần giải thích từ ngữ tại dự thảo Luật và đây là các hình thức giao dịch, không phải là nguyên tắc quản lý thuế. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã rà soát hoàn chỉnh và bỏ nguyên tắc giao dịch điện tử trong quản lý thuế.

Làm rõ các trường hợp khoanh nợ, xóa nợ thuế

Làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến nội dung khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các trường hợp khoanh nợ tại dự thảo Luật hầu hết là các doanh nghiệp đã đóng cửa, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cá nhân đã chết, mất tích. Dự thảo Luật không quy định khoanh nợ cho người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm pháp luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu về các trường hợp xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, dự thảo Luật bỏ cụm từ “Chủ doanh nghiệp tư nhân” ra khỏi quy định về các trường hợp được xoá nợ và quy định về thẩm quyền xóa nợ.

Theo đó, trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết, mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc xoá nợ thuế đối với doanh nghiệp tư nhân được thực hiện theo quy định chung. Bỏ quy định xóa nợ đối với trường hợp cá nhân được pháp luật coi là đã mất tích. Đồng thời, bổ sung quy định về không còn tài sản phải bao gồm cả tài sản được thừa kế trong dự thảo Luật.

Mở rộng thẩm quyền xóa nợ thuế

Về việc phân cấp thẩm quyền quyết định về xóa nợ thuế, dự thảo Luật quy định, đối với trường hợp người nộp thuế là cá nhân đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà vẫn không có khả năng thu hồi thì thẩm quyền xóa nợ là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, nội dung này là kế thừa Luật Quản lý thuế hiện hành.

Đối với các trường hợp khác còn lại, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng cục Hải quan. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình xóa nợ thuế tại phiên họp đầu năm.

Đối với các khoản nợ thuế từ 5 tỷ đồng trở lên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ quyết định xoá nợ đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội về chỉnh lý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản, bảo đảm thống nhất nội dung giữa các điều, khoản, phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan.