Giảm thuế thu nhập giúp doanh nghiệp đứng vững

Theo Hương Thuỷ/hanoimoi.com.vn

Ngày 19/6, tại kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết, song cần kết hợp với chính sách khác nhằm giúp doanh nghiệp đứng vững và vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính bổ sung vào nguồn vốn, tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh. Nguồn: internet
Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính bổ sung vào nguồn vốn, tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh. Nguồn: internet

Theo Nghị quyết trên, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Việc áp dụng Nghị quyết dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng.

Trước đó, theo tờ trình dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ - đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế, sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tại buổi thảo luận tại kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng giảm thuế ra toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi loại hình doanh nghiệp này chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế. Ngày 16/6, Bộ Tài chính cũng đã có Văn bản số 7282/BTC-CST tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Nghị quyết gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp với cả doanh nghiệp có quy mô vừa.

Đồng tình với chính sách thuế mới trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính bổ sung vào nguồn vốn, tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển và các cam kết, thông lệ quốc tế; qua đó, góp phần tăng thêm việc làm cho người lao động.

Hơn nữa, theo vị chuyên gia này, chính sách thuế mới nếu được thông qua còn tạo động lực tích cực, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, qua các kênh huy động vốn chính thức, tham gia hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng toàn cầu. “Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp”, ông Nguyễn Minh Phong nhận định.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân nhìn nhận, giảm thuế luôn có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ khi doanh nghiệp có lãi thì việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mới có tác dụng thực sự. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, rất ít doanh nghiệp có lãi. Vì thế, doanh nghiệp rất khó tiếp cận được ưu đãi này. “Nên chăng những doanh nghiệp có lãi được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, còn những doanh nghiệp chỉ có doanh thu, không có lãi thì cần được giảm thuế giá trị gia tăng”, ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị.

Là doanh nghiệp nằm trong đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện N.V.H (quận Hoàng Mai) chia sẻ: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thể hiện sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Cùng với giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ít nhất 1 năm, bởi thuế giá trị gia tăng giảm thì giá thành và giá bán sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm hơn, qua đó giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.