Khi FDI “đổ bộ” vào năng lượng xanh

Theo Trương Khắc Trà/enternews.vn

Ngành năng lượng xanh Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp ngoại. Đây là tín hiệu mừng hay lo?

Làn sóng doanh nghiệp ngoại thâu tóm lĩnh vực điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam bắt đầu rầm rộ từ giữa năm 2020.
Làn sóng doanh nghiệp ngoại thâu tóm lĩnh vực điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam bắt đầu rầm rộ từ giữa năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm nay, nhiều dự án FDI lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, như dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD, dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn 1,31 tỷ USD…

“Miếng bánh béo bở”

Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển, mỗi năm đón hai luồng gió Đông Bắc và Tây Nam thổi rất mạnh. Điều này giúp các nhà máy sản xuất điện gió, mặt trời hoạt động hết công suất.

Với lợi thế sẵn có, Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA) dự báo, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 5 trung tâm năng lượng tái tạo của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, công suất điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 400 GW, với suất đầu tư 2,3-3 tỷ USD/GW. Việt Nam có cơ sở để nhận hàng trăm tỷ USD từ bất kỳ nhà đầu tư nào.

Hiện tại, các nhà đầu tư vào năng lượng “xanh” ở Việt Nam đến từ nhiều châu lục; ngoài một số nhà đầu tư đến từ Mỹ, Saudi Arabia, Australia, Pháp, các nhà đầu tư còn lại chủ yếu đến từ Trung Quốc và Đông Nam Á, như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với vốn đăng ký 4 tỷ USD của nhà đầu tư Singapore; Dự án phát triển điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) với vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD (Đan Mạch)...

Nên "mở toang" hay "hé cửa"?

Làn sóng doanh nghiệp ngoại thâu tóm lĩnh vực điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam bắt đầu rầm rộ từ giữa năm 2020. Điều này từng gây ra mối lo ngại về an ninh năng lượng, quốc phòng. Tuy nhiên xét dưới góc độ kinh tế, điều này hoàn toàn phù hợp với triết lý “đất lành chim đậu”.

Nếu quá thận trọng, Việt Nam khó trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo toàn cầu, cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, cũng như việc tích lũy kinh nghiệm quản lý và công nghệ trong lĩnh vực này.

Nhiều chuyên gia dự báo trong 10 năm tới, nhu cầu điện năng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi hiện nay- khoảng 600 tỷ kWh do quy mô dân số tăng và tốc độ phát triển kinh tế. Điều này có thể khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Bởi tỷ lệ giữa nhu cầu tiêu thụ năng lượng so với GDP của Việt Nam hiện hơn 2 lần, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển dưới một lần.

Bởi vậy, chủ động nguồn năng lượng và không quá phụ thuộc vào các dự án FDI trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là yếu tố sống còn.

Tuy nhiên, đối với các dự án có “mùi” ở khu vực biên giới miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, trên Biển Đông phải có sự kiểm soát chặt chẽ, cẩn trọng về lý lịch nhà đầu tư.