Phát triển tín dụng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 03/2021

Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng về năng lượng để phát triển năng lượng tái tạo. Các dự án năng lượng tái tạo cần vốn đầu tư lớn trong thời gian dài nên tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong tài trợ vốn để thực hiện các dự án này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phát triển tín dụng là cần thiết để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tuy nhiên, thực tế cho thấy, tín dụng cho năng lượng tái tạo trong những năm gần đây còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Bài viết này nghiên cứu thực trạng, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển tín dụng đối với năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Sự cần thiết của tín dụng đối với phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Thời gian gần đây, năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng và phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo của toàn cầu tăng từ khoảng 50 triệu USD năm 2004 lên 2,6 tỷ USD trong năm 2019. Tuy nhiên, số vốn đầu tư này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với nhu cầu dịch chuyển cơ cấu kinh tế để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo, đến năm 2030, nhu cầu đầu tư cho năng lượng tái tạo khoảng 30 tỷ USD mỗi năm.

Về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, theo đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện. Theo tính toán, tiềm năng kỹ thuật điện gió trên bờ của Việt Nam là 217 GW ở độ cao khoảng 80m, điện gió xa bờ khoảng 160 GW, điện mặt trời mặt đất khoảng 309 GW, mặt nước khoảng 77 GW và áp mái khoảng 48 GW. Tuy nhiên, hiện nay, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 25.000 MW) trong tổng năng lượng cung ứng (Hình 1).

Phát triển tín dụng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam - Ảnh 1

Hình 1 cho thấy, tiềm năng để khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo cần vốn đầu tư lớn trong thời gian dài. Do vậy, tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu thiếu hụt cầu vốn của các dự án năng lượng tái tạo hiện nay.

Việc phát triển tín dụng cho năng lượng tái tạo đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư, ngân hàng thương mại (NHTM) và toàn xã hội. Đối với các nhà đầu tư, tín dụng cho năng lượng tái tạo giúp các nhà đầu     tư có đủ vốn để triển khai dự án và có lợi nhuận      từ việc bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đối với NHTM, phát triển tín dụng cho năng lượng tái tạo giúp NHTM đa dạng hóa danh mục

đầu tư, phát triển các sản phẩm liên quan. Đối với xã hội, phát triển tín dụng cho năng lượng tái tạo giúp nhiều dự án được thực hiện, tăng lượng điện cung ứng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo  vệ môi trường.

Thực trạng chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam 

Chính sách đối với năng lượng tái tạo

 Để khai thác tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030.

Năm 2016, khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện cam kết về chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động thực thi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu, trong đó giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các bộ, ngành thực hiện “Đẩy nhanh việc áp dụng các công cụ tài chính như chương trình tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh và theo đó có bộ tiêu chí về dự án xanh”.

Năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo đó, phấn đấu đạt tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15%-20% năm 2030; 25%-30% năm 2045.

Trong từng loại năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như: Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và  Quyết  định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời; Quyết  định số 37/2011/QĐ-TTg ban hành ngày 29/6/2011 và Quyết định số 39/2018/QĐ - TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió; Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014; Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối.

Chính sách tín dụng cho năng lượng tái tạo trong hệ thống ngân hàng

Trên cơ sở hành lang pháp lý trong lĩnh vực năng lượng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống ngân hàng với vai trò cung cấp vốn cho các dự án đã ban hành một số văn bản, chính sách phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể như sau: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 về kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định  số 1731/QĐ-NHNN ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Thực hiện chiến lược của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, trước năm 2017, các NHTM chủ yếu thực hiện giải ngân vốn cho các dự án năng lượng tái tạo từ các nguồn của các tổ chức quốc tế như: World Bank, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn viện trợ không hoàn lại...

Từ năm 2017, sau khi Chính phủ ban hành các quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, các NHTM bắt đầu xây dựng chính sách tín dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo. Tính đến tháng 9/2020, có 17/35 NHTM trong nước đã xây dựng chính sách cho vay  với  năng lượng tái tạo. Đối tượng là khách hàng, doanh nghiệp đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.

Ngoài  ra, HDBank, BIDV cho vay đối với hộ gia đình lắp   hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của mình; Mức tài trợ, tối đa 70% tổng giá trị đầu tư. Riêng VPBank, áp dụng mức tối đa 80% nhưng không vượt quá 12  tỷ đồng; Lãi suất, ưu đãi hơn so với lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường (thấp hơn không quá 2%/ năm); Tài sản bảo đảm, hệ thống điện năng lượng tái tạo của dự án.

Cùng với việc triển khai các chính sách tín dụng dành cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, một số NHTM cũng đưa ra các cam kết về các gói tín dụng hỗ trợ như: VCB và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản ký kết hợp đồng tín dụng 200 triệu USD (tương đương 4.600 tỷ đồng) với kỳ hạn 14 năm để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo; TPBank hợp tác với Tập đoàn Bamboo Capital tài trợ 11.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo; HDBank cung cấp gói tín dụng 7.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng sạch; VPBank cho vay tín dụng xanh trị giá 212,5 triệu USD (tương đương 4.800 tỷ đồng), trong đó 1/3 gói tài chính này sẽ dành cho năng lượng tái tạo. Điều này cho thấy, sự quan tâm và chuyển hướng đầu tư của các NHTM đã tạo tiền đề cho sự phát triển năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thực trạng cấp tín dụng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam

 Với chính sách tín dụng cho năng lượng tái tạo, nhiều dự án năng lượng tái tạo lớn đã được các ngân hàng hỗ trợ về vốn như: Vietcombank đã giải ngân 1.200 tỷ đồng cho 3 dự án năng lượng tái tạo tại Đắc Lắk, Ninh Thuận; TPBank đã giải ngân 2.200 tỷ đồng cho các dự án điện mặt trời ở Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận; VietinBank tài trợ 1.000 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời ở Tây Ninh; Agribank tài trợ 1.440  tỷ đồng cho 2 dự án điện mặt trời ở Đắc Lắk, Thừa Thiên Huế; BIDV tài trợ 1.430 tỷ đồng cho dự án điện gió tại Ninh Thuận...

Ngoài các dự án năng lượng tái tạo lớn, các NHTM cũng mở rộng hoạt động cho vay  đối với các dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà nhỏ với công suất từ 1MW trở xuống. Cùng với đó, nhiều NHTM liên kết với các đối tác uy tín trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và lắp đặt hệ thống điện mặt trời   để có giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp, cá nhân trong đầu tư dự án điện mặt trời, đảm bảo hiệu quả của dự án.

Mặc dù duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2018-2020, nhưng tỷ trọng dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo còn chiếm tỷ trọng khá thấp (từ 0,6%-1%) trong tổng dư nợ mà hệ thống ngân hàng cấp cho nền kinh tế. Khảo sát thực tế cho thấy, chỉ có 17/35 NHTM tham gia cho vay đối với năng lượng tái tạo và dư nợ dành cho lĩnh vực này chưa cao, do những vướng mắc sau:

Phát triển tín dụng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam - Ảnh 2

i) Theo Luật Điện lực, Nhà nước giữ vai trò độc quyền về truyền tải điện nên hạn chế xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này. Sự thiếu đồng bộ của hệ thống truyền tải điện, gây khó khăn trong việc đấu nối, không giải tỏa hết công suất sản xuất điện của các dự án. Doanh thu từ bán điện của các dự án giảm làm giảm khả năng trả nợ cho ngân hàng. Đây là một trong những rủi ro mà các NHTM phải đối mặt khi cho vay đối với các dự  án năng lượng tái tạo.

ii) Trong hợp đồng mẫu về mua bán điện của EVN, EVN có quyền từ chối mua điện từ các doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án và tính toán hiệu quả trên công suất phát thiết kế. Như vậy, rủi ro thuộc về phía doanh nghiệp nếu EVN không mua hết công suất phát. Doanh thu bán điện giảm và làm giảm khả năng trả nợ cho ngân hàng. Đây là một trong những điều khoản khiến các NHTM gặp khó khăn khi thẩm định dự án.

iii) Các quyết định về mức giá mua điện có thời hạn, hiệu lực quá ngắn (trong khoảng 2 năm) nên các nhà đầu tư, cũng như NHTM gặp khó khăn trong việc tính toán hiệu quả đầu tư khi lập dự án, cũng như lập kế hoạch trả nợ cho ngân hàng. Chẳng hạn như: Tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định giá mua điện mặt trời là 9,35 cent/kWh (FIT 1) có hiệu lực đến ngày 30/6/2019. Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ với biểu giá FIT 2 có hiệu lực từ ngày 22/5/2020 và thời hạn áp dụng đến hết ngày 31/12/2020. Như vậy, chính sách giá điện mặt trời từ ngày 1/1/2021 là bao nhiêu còn bỏ ngỏ. Do vậy, các NHTM còn e ngại trong việc cấp tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo khi chưa xác định được nguồn trả nợ từ các dự án này.

iv) Các dự án đầu tư năng lượng tái tạo có thời gian hoàn vốn đầu tư dài (khoảng 10 năm - 15 năm), trong khi đó, ngoài nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế cho vay ủy thác qua NHTM, nguồn vốn cho vay mà các NHTM cho vay đối với các dự án này là nguồn vốn thông thường, bị khống chế tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Do vậy, nguồn vốn mà các NHTM cân đối đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo còn khá hạn chế. Chưa kể, do sử dụng nguồn vốn thương mại thông thường nên lãi suất cho vay trung dài hạn đối với năng lượng tái tạo tương đương với lãi suất cho vay thương mại thông thường, nên làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án, gây khó khăn cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo.

v) Các dự án năng lượng tái tạo được định nghĩa là dự án tài trợ chuyên biệt nên hệ số rủi ro (RWA) khi tính an toàn vốn được đánh giá ở mức 160%. Đây là mức khá cao nên các NHTM cũng hạn chế nguồn vốn cấp cho lĩnh vực này để đảm bảo hệ số an toàn vốn.

vi) Năng lượng tái tạo là một lĩnh vực mới, yêu cầu phải hiểu sâu về kỹ thuật đặc thù, trong khi đó cán bộ thẩm định tín dụng chưa có nhiều kiến thức, hiểu biết thực tế về kỹ thuật và vận hành của hệ thống điện năng lượng tái tạo nên có thể chưa đánh giá được đầy đủ các loại rủi ro của dự án.

Giải pháp phát triển tín dụng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam

 Từ những hạn chế trên, để phát triển tín dụng cho năng lượng tái tạo, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp sau:

Đối với Chính phủ

Xem xét cho phép xã hội hóa một phần đầu tư lĩnh vực truyền tải điện để đồng bộ hệ thống truyền tải điện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất điện năng lượng tái tạo được đấu nối và giải tỏa hết công suất điện của dự án.

Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, hoàn thiện và vận hành thị trường điện cạnh tranh đầy đủ để có tín hiệu giá điện cạnh tranh, công khai và minh bạch theo cơ chế thị trường. Chính phủ cân nhắc cho phép xã hội hóa một phần khâu phân phối điện (các đường truyền tải phụ, đường ..).

Ban hành chính sách giá mua điện năng lượng tái tạo trong dài hạn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất điện năng lượng tái tạo, cũng như các NHTM tính toán hiệu quả của dự án.

Đối với NHNN

Tiếp tục tìm kiếm nguồn lực tài trợ, vốn ODA từ các tổ chức quốc tế như: ADB, World Bank, IMF và các nhà tài trợ khác, các tổ chức phát triển năng lượng tái tạo quốc tế uy tín cả về vốn và trợ giúp     kỹ thuật.

NHNN cân nhắc xây dựng các chính sách khuyến khích tín dụng dành cho năng lượng tái tạo như: Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng cho vay tái cấp vốn đối với các NHTM có tỷ lệ dư nợ tín dụng năng lượng tái tạo cao; điều chỉnh trọng số RWA đối với dư nợ tín dụng năng lượng tái tạo thấp hơn so với tín dụng thương mại khi tính hệ số an toàn vốn

Đối với EVN

 Xem xét lại hợp đồng mua bán điện, không đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án và tính toán hiệu quả trên công suất thiết kế, khi phát điện, EVN phải mua hết công suất phát, không để quyền từ chối mua điện trên hợp đồng.

Đối với các NHTM 

Các NHTM xem xét phát triển trái phiếu xanh phục vụ cho năng lượng tái tạo. Đây là giải pháp đã được các định chế tài chính quốc tế lớn (WB, IFC, ADB...) thực hiện thành công trong thời gian qua. Việc phát hành trái phiếu xanh giúp NHTM gia tăng nguồn vốn trung dài hạn phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo.

Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng, chuyên môn sâu trong lĩnh vực thẩm định, đánh giá rủi ro các dự án năng lượng tái tạo.

Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm ngân hàng như: vay vốn ngắn hạn, dài hạn, bảo lãnh, bảo thanh toán, L/C, quản lý tiền tệ...                                                       

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị (2020), Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 37/2011/QĐ - TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam;
  3. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 24/2014/QĐ - TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam;
  4. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 2068/QĐ - TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
  5. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2053/QĐ - TTg về Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu;
  6. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 11/2017/QĐ - TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam;
  7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chỉ thị số 03/CT- NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng;
  8. Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Hiện trạng về các phân ngành năng lượng Việt