Kho bạc Nhà nước với trọng trách tổng hợp, lập quyết toán ngân sách nhà nước


Qua 30 năm xây dựng, phát triển, Kho bạc Nhà nước ngày càng lớn mạnh và khẳng định vị trí, vai trò của mình trong bộ máy quản lý tài chính công của Nhà nước, đặc biệt là triển khai chức năng tổng kế toán nhà nước, đóng góp trực tiếp vào công cuộc thực hiện minh bạch hóa tình hình tài chính - ngân sách quốc gia.

Với Quyết định số 26/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước đã được giao thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu của khâu thứ ba trong chu trình quản lý ngân sách nhà nước, đó là kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước. Nhiệm vụ mới này, đã giúp Kho bạc Nhà nước thực sự tham gia vào quá trình quản lý ngân sách nhà nước ngay từ khâu xây dựng cơ chế quản lý, lập dự toán, chấp hành dự toán, kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước: đó là vai trò, trách nhiệm tham mưu tổng hợp về công tác quản lý ngân sách nhà nước.

Tầm quan trọng của công tác quyết toán ngân sách nhà nước

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội.
Đồng chí Nguyễn Đức Hải,
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách
của Quốc hội.

Quyết toán ngân sách nhà nước là khâu cuối cùng trong một chu trình ngân sách nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện ngân sách cũng như các chính sách ngân sách của năm ngân sách đã qua. Với hàm nghĩa đó, quyết toán ngân sách nhà nước trở thành một khâu quan trọng, là nhiệm vụ của nhiều cơ quan, đơn vị từ đơn vị sử dụng đến các cơ quan quản lý ngân sách các cấp, từ cơ quan kiểm tra kiểm soát ngân sách cho đến cơ quan quyền lực tối cao của mỗi quốc gia là Quốc hội.

Công tác quyết toán ngân sách nhà nước là việc: tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quyết toán của các Bộ, cơ quan trung ương, lập quyết toán ngân sách nhà nước và thuyết minh, giải trình quyết toán ngân sách nhà nước với các cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội. Việc giao cho Kho bạc Nhà nước thực hiện công tác quyết toán ngân sách nhà nước cũng có thể coi là biện pháp tăng cường chất lượng thông tin, báo cáo về ngân sách nhà nước và nâng cao năng lực tham mưu của Kho bạc Nhà nước đối với công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, công tác quản lý điều hành ngân sách nhà nước của Chính phủ, chính quyền địa phương, của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Qua công tác quyết toán ngân sách nhà nước sẽ thấy ưu điểm, hạn chế của các chế độ chính sách thu, chi ngân sách nhà nước, nhất là những chính sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Tình hình triển khai công tác quyết toán ngân sách nhà nước của Kho bạc Nhà nước

Qua công tác thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của Chính phủ, cho thấy phía các cơ quan tham mưu của Chính phủ như Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) đã tích cực triển khai các công tác liên quan, tổng hợp đầy đủ thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm, tuân thủ đúng các quy định về quản lý ngân sách nhà nước, số liệu quyết toán cơ bản chính xác, trung thực, đầy đủ. Kho bạc Nhà nước đã từng bước thực hiện và làm tốt nhiệm vụ quyết toán ngân sách nhà nước ngay từ năm ngân sách 2014 theo đúng thời hạn quy định. Do đặc điểm đặc thù ngân sách Việt Nam là ngân sách lồng ghép, công tác quyết toán ngân sách phải tổng hợp quyết toán của các Bộ, ngành, địa phương, nên tương đối phức tạp, cần nhiều thời gian. Việc đánh giá phải khách quan, tổng hợp số liệu phải chính xác và đòi hỏi áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Từ năm đầu lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Kho bạc Nhà nước đã tổng hợp báo cáo quyết toán, trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định và đã được Quốc hội nhất trí thông qua với tỷ lệ 82,59% đại biểu tán thành. Các năm sau, Quốc hội đã đánh giá báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước được lập đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định và phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các năm với tỷ lệ tán thành cao (năm 2015 là 92,46%, năm 2016 là 95,48%, năm 2017 là 91,53%).

Kết quả trên cho thấy công tác chuẩn bị quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Kho bạc Nhà nước từng bước đã được tăng cường. Cần lưu ý rằng khi triển khai công tác quyết toán ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước cần đảm bảo các nguyên tắc: tuân thủ các quy định về quản lý ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước, lập báo cáo quyết toán theo đúng các quy định, các mẫu biểu tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước phải theo đúng các nội dung ghi trong dự toán ngân sách nhà nước được giao và kèm theo thuyết minh đánh giá kết quả, hiệu quả chi ngân sách gắn với nhiệm vụ được giao.

Quan hệ 3 cơ quan Ủy ban Tài chính - Ngân sách với Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) trong công tác quyết toán ngân sách nhà nước

Quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội xem xét, thông qua trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và số liệu báo cáo kiểm toán quyết toán của Kiểm toán Nhà nước. Khâu lập, thẩm định và thẩm tra để trình Quốc hội do nhiều cơ quan thực hiện, trong đó:

- Kho bạc Nhà nước tổng hợp, lập quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.

- Kiểm toán Nhà nước kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước nhằm đánh giá báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm được kiểm toán; việc tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, văn bản pháp lý trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách nhà nước năm được kiểm toán; tồn tại hạn chế trong điều hành ngân sách nhà nước để kiến nghị khắc phục, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn.  

- Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định, thông qua tại Kỳ họp.

Trong quá trình làm việc giữa 3 cơ quan là Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước đôi khi còn có sự khác nhau giữa các số liệu, đây là việc bình thường. Tuy nhiên, qua quá trình trao đổi, làm việc và phối hợp công tác giữa các cơ quan đều đi đến sự thống nhất về các số liệu quyết toán để báo cáo Quốc hội. Để làm tốt công tác quyết toán ngân sách nhà nước, cần tăng cường phối hợp nhằm đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, chính xác, tiết kiệm, hiệu quả, quyết toán ngân sách nhà nước phải báo cáo được tính hiệu lực, hiệu quả của các khoản thu, chi ngân sách. Quyết toán ngân sách nhà nước không chỉ là quyết toán những số liệu “chi đã chi rồi”, mà còn phải phản ánh chính xác số liệu, công khai, minh bạch; từ đó, đánh giá được những hiệu quả của các khoản thu, chi, cũng như những bất cập của chính sách để kiến nghị sửa đổi, rút kinh nghiệm trong quản lý ngân sách nhà nước trong các năm tiếp theo. Qua công tác quyết toán cũng nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách.

Một số nhiệm vụ Kho bạc Nhà nước cần tiếp tục thực hiện để hoàn thành tốt trọng trách tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm

Để làm tốt công tác quyết toán ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước cần lưu ý một số nhiệm vụ sau đây:

- Tích cực tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 như văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (phần quy định về công tác lập, trình, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước); đồng thời, tích cực tham gia hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, nhất là cán bộ Tài chính, Kho bạc để Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đi vào cuộc sống.

- Trên cơ sở quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật, Kho bạc Nhà nước nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống mục lục ngân sách nhà nước, bảo đảm phù hợp yêu cầu mới về quản lý ngân sách nhà nước, bảo đảm công tác kế toán, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước được đầy đủ, kịp thời, chính xác, tiết kiệm, hiệu quả.

- Tăng cường kiểm soát chi ngân sách nhà nước và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật.

- Nghiên cứu, rà soát để rút ngắn thời gian quyết toán để phản ánh tính kịp thời, tránh tình trạng quyết toán là việc hợp pháp hóa của việc “chi đã chi rồi”. Theo dõi, tham mưu với các cơ quan có thẩm quyền, báo cáo Quốc hội xử lý các tồn đọng qua công tác quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.

- Nghiên cứu theo thông lệ quốc tế, đẩy mạnh công khai tài chính, minh bạch, tài liệu quyết toán, cung cấp các thông tin đến các cơ quan của Quốc hội để giám sát, theo dõi. Tăng cường phối hợp với các cơ quan tài chính để đẩy mạnh việc trao đổi thông tin tài chính giữa các cơ quan Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

- Tiếp tục củng cố số lượng và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác kế toán, quyết toán ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tập trung nhân lực thực hiện tốt công tác tổng kế toán.

- Chủ động, tích cực chuẩn bị để các Kho bạc Nhà nước trở thành trung tâm kế toán tài chính - ngân sách quốc gia, tổng hợp lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo quyết toán ngân sách và tài chính các cấp chính quyền trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật theo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi thăm và làm việc với Kho bạc Nhà nước ngày 03/3/2017.

Tôi tin rằng, Kho bạc Nhà nước với chức năng kế toán thu, chi ngân sách nhà nước, kiểm soát các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và với đội ngũ cán bộ chuyên môn được thành lập và phát triển 30 năm qua, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách tổng hợp, lập quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo tài chính nhà nước hàng năm trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Bài viết đăng lại từ Kỷ yếu 30 năm Kho bạc Nhà nước Việt Nam (1990-2020): Tiếp nối truyền thống - Phát triển bền vững - Hướng tới tương lai