Mục tiêu kiểm soát CPI năm 2019 dưới 4% là khả thi

Thái Hằng

“Mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 dưới 4% là khả thi”, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định như vậy tại Hội thảo diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2019 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức tại Hà Nội.

Theo thống kê, CPI tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2/2019 tăng 0,8%, tháng 3 giảm 0,21%, tháng 4 tăng 0,31%, tháng 5 tăng 0,49%, tháng 6 giảm 0,09% so với tháng trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so cùng kỳ năm 2018.

Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 2019 cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có các diễn biến quá bất thường, CPI bình quân năm 2019 ở mức khoảng từ 3,3% - 3,9%. Như vậy, việc thực hiện mục tiêu CPI năm 2019 dưới 4% là khả thi.

“CPI của Việt Nam bình quân năm 2019 so với năm 2018 sẽ tăng ở mức 3,0 – 3,5%”, đưa ra dự báo này, PGS., TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho hay: Tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều dấu hiệu bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có khả năng sẽ tiếp tục giảm tốc và làm cho giá cả, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới khó phục hồi như kỳ vọng. Do vậy, nhiều khả năng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá học phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình; mức lương cơ sở tăng lên mức 1,49 triệu đồng… là những yếu tố gây áp lực làm tăng CPI cuối năm.

Một số ý kiến còn cho rằng, CPI năm 2019 có thể ở mức dưới 3%. TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết: Giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ khó tăng mạnh; tỷ giá cũng sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng ổn định, cho nên lạm phát tổng thể từ nay đến cuối năm dự báo sẽ dao động trong khoảng 1,2% - 2,5%, nghĩa là xoay quanh mức lạm phát cơ bản. Lạm phát trung bình cả năm 2019, bởi vậy sẽ xoay quanh mức 2,5%.

“Sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm ở mức 2,64%, có thể thấy rằng nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ theo kịch bản thấp”, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Dự báo từ nay đến cuối năm, CPI sẽ không thuận lợi như những tháng đầu năm, vì một số áp lực tăng giá đã xuất hiện như: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; dịch tả lợn châu Phi chưa được ngăn chặn; việc tiếp tục điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình… do đó Chính phủ cần có các biện pháp đồng bộ, quyết liệt để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá.

Nêu quan điểm tại Hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị: Bộ Tài chính cần tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.

Cùng với đó, cần tập trung chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường để có giải pháp phù hợp, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu đang có nhiều biến động khó lường và chịu tác động lớn từ giá thế giới như thịt lợn, lương thực, xăng dầu, giá gas, các mặt hàng có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng…