Nhìn lại 15 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Hà Ngọc Son

Đến nay, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã có 27 tổ chức thành viên (bao gồm: 10 Hội Kế toán tỉnh, thành phố; 02 Hội Kế toán, kiểm toán chuyên ngành; 06 Phân hội kế toán chuyên ngành; 06 Chi hội Kế toán trực thuộc Trung ương Hội; 02 Hội viên tập thể và 01 Hội viên liên kết) với tổng số hơn 12.000 hội viên.

 

Hội Kế toán Việt Nam nay là Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 12/TTg, ngày 10/01/1994 của Thủ tướng Chính phủ, là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và Hiệp hội Kế toán Đông Nam Á (AFA). Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, là ngôi nhà chung tập hợp những người hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ở Việt Nam để đồng tâm hợp lực cùng chung sức phấn đấu vì sự nghiệp duy trì và phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, nâng cao chất lượng chuyên môn, giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu tăng cường quản lý kinh tế, tài chính của đất nước, hội nhập với các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán khu vực và thế giới.

Từ ngày đầu thành lập (10/01/1994) với tổ chức tiền thân là Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc chỉ có gần 300 hội viên, đến nay Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã có 27 tổ chức thành viên (bao gồm: 10 Hội Kế toán tỉnh, thành phố; 02 Hội Kế toán, kiểm toán chuyên ngành; 06 Phân hội kế toán chuyên ngành; 06 Chi hội Kế toán trực thuộc Trung ương Hội; 02 Hội viên tập thể và 01 Hội viên liên kết) với tổng số hơn 12.000 hội viên. Cơ quan Trung ương Hội có 5 đơn vị trực thuộc (Văn phòng, Tạp chí Kế toán, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Khoa học Kế toán, Ban Quản lý hành nghề kế toán, Trường trực CLB Kế toán trưởng toàn quốc) làm việc theo chế độ chuyên trách.

Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị và Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật nói chung và hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội nói riêng. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã đóng góp tích cực, có hiệu quả trong việc tham gia với các cơ quan chức năng nhà nước xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ và pháp luật về tài chính, kế toán và kiểm toán, như: Luật Kế toán, Luật Thống kê, Luật Kiểm toán Nhà nước, các Luật Thuế, Chương trình cải cách chế độ kế toán doanh nghiệp và chế độ kế toán nhà nước, Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước, hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán độc lập, chuẩn mực kiểm toán nhà nước. Đề án về việc chuyển giao cho Hội nghề nghiệp thực hiện một số nội dung công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán v.v… Thực hiện việc tư vấn về chế độ tài chính, kế toán, pháp luật (miễn phí) cho hàng nghìn lượt/người.

Thông tin cập nhật kiến thức, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là các lĩnh vực hoạt động được Trung ương hội và các Hội thành viên đặc biệt quan tâm. Hội đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về tài chính, kế toán, kiểm toán, biên soạn các bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn như: tài liệu bồi dưỡng kế toán trưởng, tài liệu ôn thi kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề, tài liệu bồi dưỡng kiến thức kế toán căn bản cho cán bộ quản lý… Hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học có sự tham gia của các cán bộ Hội đã được Hội đồng khoa học cấp nhà nước cũng như cấp Bộ đánh giá cao. Các đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Khoa học Kế toán thành phố Hà Nội, Hội Kế toán thành phố Cần Thơ, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Hội Kế toán Kho bạc Nhà nước Việt Nam, một số Phân hội kế toán chuyên ngành đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo khoa học, các buổi giao lưu để cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên và những người hành nghề kế toán, kiểm toán. Các lớp bồi dưỡng kế toán trưởng, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp do các cấp Hội tổ chức đã thu hút hàng vạn người tham gia mỗi năm. Ngoài ra, ở những Hội có điều kiện còn cử cán bộ hội viên tham gia các khóa học ở trong nước và nước ngoài để lấy chứng chỉ kế toán chứng chỉ kiểm toán quốc tế.

Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc- tổ chức tiền thân và là hạt nhân của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, được thành lập từ năm 1989, đến nay trải qua 20 năm, Câu lạc bộ đã tập hợp đông đảo đội ngũ kế toán trưởng, kiểm toán viên, các nhà khoa học kế toán trong phạm vi cả nước và đã tổ chức được 32 kỳ sinh hoạt tập trung. Tại các kỳ sinh hoạt, ngoài phần nội dung chính là phổ biến, thảo luận chủ trương chính sách, Câu lạc bộ đã dành nhiều thời gian để hội viên tọa đàm, trao đổi nghề nghiệp giữa các kế toán trưởng, giữa người làm thực tế với cán bộ quản lý, nhà khoa học. Mỗi lần sinh hoạt là một kỳ hội ngộ giao lưu tình cảm, chia sẻ vui buồn, vướng mắc nghề nghiệp tạo ra mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau giữa các hội viên. Sau  mỗi kỳ sinh hoạt, CLB đã đưa ra được những căn cứ pháp lý, những cơ sở thực tiễn và những giải pháp để đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách có liên quan.

Tạp chí Kế toán- cơ quan ngôn luận của Hội, ra đời từ năm 2002, cho đến nay đã xuất bản được 76 số với sự đổi mới và chất lượng ngày càng cao cả về nội dung, hình thức và số lượng phát hành đạt trên 40 vạn cuốn. Tạp chí Kế toán đã thực sự trở thành diễn đàn để thông tin, trao đổi nghề nghiệp cũng như là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đội ngũ những người làm nghề tài chính, kế toán, kiểm toán.

Ngày 14 tháng 7 năm 2005, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hoạt động của Hội, đó là việc Nhà nước chuyển giao cho Hội thực hiện một số nội dung công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán bằng Quyết định số 47/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Sự kiện này một mặt thể hiện sự đánh giá đúng và tin tưởng của Nhà nước đối với tổ chức hội nghề nghiệp, mặt khác cũng thể hiện sự vững mạnh của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Trên thực tế, nhất là từ năm 2006 đến nay, Hội đã đảm đương tốt các nhiệm vụ do Nhà nước chuyển giao, đã đưa việc đăng ký và quản lý hành nghề kiểm toán vào nề nếp và bước đầu triển khai có kết quả việc đăng ký và quản lý hành nghề kế toán. Việc kiểm tra kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của các kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề và của các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán đã được Hội triển khai tích cực và đang ngày càng được đẩy mạnh.

Với tư cách là thành viên của Liên đoàn Kế toán Thế giới (IFAC), của Hiệp hội Kế toán các nước Đông Nam Á (AFA), Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã làm tròn nghĩa vụ và nỗ lực tham gia có hiệu quả các hoạt động của IFAC và AFA. Hội thường xuyên tham dự và có báo cáo trình bày tại các kỳ họp của Hội đồng AFA được tổ chức định kỳ mỗi năm 3 lần, tại các kỳ Đại hội của Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN được tổ chức 2 năm 1 lần. Đặc biệt, việc phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Kế toán quốc tế tại Hà Nội năm 1996 và với vai trò Chủ tịch Hội đồng AFA nhiệm kỳ 2004- 2005 tổ chức thành công Đại hội lần thứ 14 Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN vào tháng 12 năm 2005, qua đó, nâng cao vị thế của Hội và hình ảnh của kế toán, kiểm toán Việt Nam trên trường quốc tế. Trong 15 năm qua, Hội cũng đã thường xuyên và ngày càng phát triển quan hệ hợp tác với các thành viên, nhất là Hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), Hội Kế toán công chứng Úc (CPAA), Liên đoàn Kế toán Thái Lan (FAT), Hội Kế toán công chứng Singapore…, thông qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác, các cuộc trao đổi thảo luận, các hội thảo khoa học về chuyên môn… Sự hợp tác chặt chẽ này đã đem đến cho Hội nhiều cơ hội để được tiếp cận với thị trường thế giới, vừa được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lại vừa nhận được sự hỗ trợ cả về kinh nghiệm lại vừa nhận được sự hỗ trợ cả về kinh nghiệm và nguồn lực từ các nước bạn, đồng thời, có cơ hội để giới thiệu và quảng bá về tổ chức Hội, về đất nước, con người và đường lối chính sách của Việt Nam nhằm tranh thủ sự đồng tình của bạn bè trên thế giới.

Nhìn lại 15 năm hoạt động kể từ này thành lập đến nay, có thể khẳng định, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và vững chắc; hoạt động của Hội đã thực hiện tốt mục tiêu vì sự nghiệp duy trì và phát triển nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nghiệp vụ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý kinh tế tài chính của đất nước, được xã hội thừa nhận, được các tổ chức nghề nghiệp khu vực và thế giới ngày càng tín nhiệm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nghề nghiệp kế toán và kiểm toán, sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước và công cuộc hội nhập với khu vực và thế giới. Bên cạnh những kết quả và thành tựu đã đạt được, trong quá trình xây dựng và phát triển Hội, vẫn còn những yếu kém và tồn tại do những nguyên nhân chủ quan và khách quan mà Hội phải phấn đấu vươn lên để khắc phục. Đó là những yếu kém và tồn tại trong việc tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế của Hội nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; là những yếu kém và tồn tại trong việc xây dựng và phát triển tổ chức và quản lý hội viên, trong việc tổ chức sinh hoạt hội và đáp ứng các quyền lợi của hội viên. Đó là những yếu kém và tồn tại trong giai đoạn đầu, tiếp nhận và triển khai thực hiện chức năng quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán được nhà nước chuyển giao, trong việc tổ chức hoạt động nghề nghiệp và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động Hội v.v… Những yếu kém và tồn tại nêu trên đã được Hội nhận diện, phân tích và tìm ra các giải pháp từng bước được khắc phục.

Trong 15 năm xây dựng và phát triển Hội luôn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ có hiệu quả của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, sự hợp tác giúp đỡ vô tư của các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp cũng như đông đảo đội ngũ những người làm kế toán, kiểm toán trong cả nước. Sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ đó là nguồn động viên cổ vũ lớn lao và là nhân tố quan trọng đưa đến những thành công của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam trong suốt 15 năm qua.

Lãnh đạo và toàn thể Hội viên Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam luôn ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm, giúp đỡ quý báu đó của các cơ quan chức năng nhà nước, của các ngành, các cấp và của mọi người, nguyện ra sức phấn đấu rèn luyện và đóng góp cho sự phát triển và vững mạnh của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam nói chung và của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nói riêng, nâng cao vai trò và vị thế của Hội tương xứng với yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.