Phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay


Trên cơ sở tìm hiểu các yếu tố cấu thành của nông nghiệp xanh, cơ chế, chính sách và thực trạng phát triển nông nghiệp xanh Việt Nam hiện nay, bài viết nhận diện những “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển nền nông nghiệp Việt Nam tiến tới nông nghiệp xanh. Từ đó, bài viết đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh bền vững.

Nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai
Nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai

Chủ trương và thực trạng phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam

Hiện nay, có nhiều khái niệm khác nhau về nông nghiệp xanh. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) (2010), nông nghiệp xanh là cách thức phát triển ngành Nông nghiệp, trong đó tối đa hóa cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên sạch, dẫn đến một mô hình nông nghiệp tăng trưởng bền vững gắn hơn với bảo vệ môi trường. Nông nghiệp xanh hay cụ thể hơn là nông nghiệp hữu cơ đảm bảo 4 nguyên tắc: Sức khỏe, sinh thái, công bằng, cẩn trọng dần trở thành hướng đi mới nhằm xây dựng một nền nông nghiệp văn minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ (NNHC) để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Đến năm 2020, Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030 được phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án được xây dựng trên cơ sở từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong những năm qua và ngành Nông nghiệp đã và đang tích cực triển khai chủ trương này. Bên cạnh đó, NNHC đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới, do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019; có khoảng 46/63 tỉnh, thành phố đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ; số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người; số lượng DN sản xuất hữu cơ là 97 DN; tham gia xuất khẩu là 60 DN với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm NNHC Việt Nam được tiêu thụ trong nước và đã xuất khẩu sang 180 nước trên thế giới, trong đó: có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italy... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới (Theo điều tra công bố năm 2020 của Tổ chức Nông nghiệp Quốc tế) (Đỗ Hương, 2020).

Tại Việt Nam, ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Đến năm 2020, Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030 được phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, đã có nhiều mô hình canh tác tiên tiến được thực hiện, ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ, quy trình nuôi trồng quy chuẩn, thân thiện với môi trường và cho năng suất, chất lượng môi trường cao. Chẳng hạn như: Mô hình sản xuất rau an toàn tại tỉnh Lâm Đồng thu hút nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất và ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất hoa; Hay tại tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng mô hình trồng nấm sạch với hơn 100 trang trại tham gia, sản lượng đạt 500 tạ/năm, mô hình 130 ha rau an toàn cho sản lượng 25.000 tấn/năm.

Vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam hiện nay

Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc từ năm 1986 đến nay. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể an ninh lương thực, góp phần giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và trở thành một trong 5 nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và tính bền vững. Đặc biệt, tăng trưởng trong ngành Nông nghiệp hiện nay phần nào nhờ vào sự hy sinh về môi trường.

Do đó, nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai. Tuy nhiên, để nông nghiệp Việt Nam có thể tiệm cận với nông nghiệp xanh vẫn còn một khoảng cách khá xa và nhiều “điểm nghẽn”. Cụ thể:

Thứ nhất, nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ, khó áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung lớn của nông nghiệp xanh.

Muốn nông nghiệp xanh thành công phải dựa trên điều kiện diện tích canh tác lớn để tận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ, do đó yêu cầu về tích tụ ruộng đất là một việc làm rất cần thiết. Thực tiễn cho thấy, Chính phủ đã đề ra mục tiêu giảm mức độ manh mún đất đai thông qua chương trình dồn điền, đổi thửa (Điều 78 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai) khuyến khích các hộ nông dân đổi ruộng cho nhau để có các mảnh liền thửa và gia nhập hợp tác xã hoặc nông hộ có thể cho DN thuê đất. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương trong cả nước, thị trường cho thuê đất nông nghiệp vẫn chưa phát triển, do hạn chế về quy mô thửa ruộng, giá trị đất nông nghiệp cho thuê không cao, chi phí giao dịch cao và công tác định giá đất của chính quyền tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Hiện nay, Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu miếng ruộng nhỏ (Nguyễn Xuân Cường, 2018) - đó là một thách thức vô cùng lớn khi tổ chức lại một nền sản xuất theo hướng lớn, tập trung. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến năng suất sinh học nước ta rất cao, nhưng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất rất thấp. Diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, chỉ bằng khoảng một nửa (0,6 - 0,8 lần) so với Campuchia, Myanmar hay Philippines (World Bank, 2016). Thực trạng manh mún đất đai là cản trở đáng kể đối với quá trình hiện đại hóa ngành Nông nghiệp, tiến tới nông nghiệp xanh trong tương lai ở nước ta.

Thứ hai, yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu là rào cản lớn trong quá trình xanh hóa ngành Nông nghiệp.

Có thể thấy, điểm nhấn quan trọng trong nông nghiệp xanh chính là nhận thức về vai trò của môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Ô nhiễm nông nghiệp nhìn chung ít nhận được sự quan tâm. Sự khan hiếm dữ liệu thu thập ô nhiễm nông nghiệp đãlàm hạn chế khả năng nghiên cứu của các nhànghiên cứu về những ảnh hưởng của nóđối với sức khoẻ con người và động vật, đa dạng sinh học, khả năng sinh lời của nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác và tổng giá trị xã hội của sản xuất nông nghiệp. Ước tính 80 triệu tấn chất thải gia súc phát sinh mỗi năm làcác chất dinh dưỡng, chất gây bệnh và các hợp chất dễ bay hơi làm ảnh hưởng đến chất lượng nước, không khí và làm hư hại đất (World Bank, 2017). Cùng với đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông lớn (Trần Kiên, 2019) trong đó 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nhất. Do đó, để hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề môi trường khác cần có sự hành động quyết liệt từ Chính phủ thông qua các chính sách, các cam kết; chung tay của DN thông qua đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường và hành động của mỗi cá nhân đổi suy nghĩ và thói quen sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Thứ ba, trình độ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, chi phí để mua công nghệ mới quá lớn.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi chi phí ban đầu lớn, trong khi đó, năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế. DN trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, khả năng hiện đại hóa các thiết bị phục vụ nông nghiệp xanh là vô cùng khó khăn.

Việt Nam đang thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp, nông thôn. Việc các thông tin về chi phí đầu vào, giá cả đầu ra vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thương lái, chưa có kênh truyền dẫn chính thống từ các nhà làm chính sách, cơ quan quản lý đến người nông dân trong việc tiếp cận thị trường thế giới và hạn chế những rủi ro trong quá trình thích ứng với các thay đổi ngoại vi đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, thiếu nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp xanh.

Thị trường tài chính Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng từ đầu những năm 1990 nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Phần lớn các khoản cho vay, đặc biệt từ các ngân hàng thương mại quốc doanh được dành cho doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp tư nhân có quan hệ thân hữu, lấn át nguồn tín dụng cho những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong khu vực tưnhân trong nước. Độ bao phủ về tài chính đã tăng lên từ đầu những năm 1990, nhưng vẫn còn là một vấn đề đối với những người yếu thế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Thiếu một khu vực tài chính hiện đại và vận hành tốt là một khiếm khuyết nghiêm trọng để theo đuổi tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.

Một số khuyến nghị trong phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam

Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển nền nông nghiệp Việt Nam tiến tới nông nghiệp xanh, hướng đến phát triển lâu dài và bền vững, các giải pháp cần thực hiện gồm:

Một là, đối với đất đai:

Hoạt động dồn điền đổi thửa và sử dụng đất theo định hướng thị trường có ýnghĩa rất quan trọng để thúc đẩy cơ giới hóa và đa dạng hóa cây trồng, từ đó dẫn đến tăng năng suất. Tạo điều kiện cho các DN, nhà đầu tư nông nghiệp bằng cách mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ đất đai nhiều hơn, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách thông thoáng, linh hoạt hơn; nghiên cứu thêm các mô hình liên kết khác trong nông nghiệp ngoài việc tổ chức lại các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hiện nay để người nông dân tự liên kết, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hai là, đối với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường:

Với nhận thức ngày càng tăng về tác động của biến đổi khí hậu đến việc thực hiện các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong phát triển nông nghiệp, Việt Nam và các DN cần chuyển sang định hướng nông nghiệp thông minh với khí hậu. Theo định nghĩa của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc, nông nghiệp thông minh với khí hậu “hướng đến việc hỗ trợ các nước đề ra những chính sách, các công cụ kỹ thuật, tài chính cần thiết để lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào ngành nông nghiệp, tạo cơ sở để thực hiện phát triển nông nghiệp bền vững trong tình hình mới” (FAO, 2013).

Ba là, về khoa học công nghệ và nguồn lực tài chính trong phát triển nông nghiệp xanh

Nông nghiệp Việt Nam đang ở bước ngoặt mà một số động lực tăng trưởng truyền thống đang dần suy yếu (như tài nguyên, đất đai), trong khi các động lực mới chưa được hình thành đầy đủ (khoa học công nghệ). Do đó, làm chủ khoa học công nghệ chính là điểm mấu chốt giúp nông nghiệp Việt Nam bứt phá và tiệm cận với nông nghiệp xanh. Nhà nước cần giữ vai trò “đầu tàu” trong việc tái cấp vốn, hỗ trợ cho các DN trong việc tiếp cận tín dụng đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, DN là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, HTX để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Thế giới (2016), Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào, Báo cáo Phát triển Việt Nam. Washington, D.C. Ngân hàng Thế giới;

2. Hồng Quang, Nông nghiệp 4.0: Phải làm công nghệ trước, https://baomoi.com;

3. Trần Kiên, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, http:// baodauthau.vn;

4. World Bank (2017), Báo cáo tóm tắt: Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam, trang 5;

5. OECD (2010a), Interim Report on the Green Growth Strategy: Implementing our Commitment for a Sustainable Future, OECD: Paris;

6. UNEP (2011), Hướng tới nền kinh tế xanh - Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, Bản dịch của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, NXB Nông nghiệp, Hà Nội 2011, tr.13;

7. Jaffee, S., K. S. Dang, D.A. T. Nguyen, E. Cassou, T. T. T. Truong, T. T. Nguyen, M. Ambrosio, and D. Larson (2016). Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016: Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Thu được nhiều hơn từ ít hơn. Washington, DC: Ngân hàng Thế giới.

(*) TS. Võ Hữu Phước, ThS. Trương Thị Thu Hương - Học viện Chính trị khu vực II.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2021.