Thông qua dự thảo Nghị quyết mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn

Việt Hoàng

Sáng ngày 6/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí thông qua Dự thảo Nghị quyết mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề nghị của Chính phủ trong việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Đây là một trong những giải pháp kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.

Bên cạnh đó, còn có một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần chủ động hơn trong các biện pháp điều hành giá xăng dầu trong nước theo thẩm quyền, trong đó đặc biệt là các biện pháp điều chỉnh về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mà cho đến nay vẫn chưa được Chính phủ thực hiện.

Về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, căn cứ tình hình giá xăng dầu trên thị trường trong nước và để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhất trí giảm thuế về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ.

Việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết này là đúng thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Luật Thuế bảo vệ môi trường. Hồ sơ dự án Nghị quyết trình tại Phiên họp đã cơ bản đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra.

Chia sẻ thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay, hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), trong đó dự kiến giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng từ mức 20% xuống 12%. Việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN này sẽ hỗ trợ tích cực, góp phần làm giảm giá xăng trên thị trường trong nước bên cạnh các biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định để ban hành và kịp thời đưa vào áp dụng trước khi tiếp tục trình Quốc hội các đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng như dự kiến của Chính phủ.

Tại phiên họp, với tỷ lệ tán thành đạt 100%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ, cụ thể: Xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là mức giảm “kịch khung” mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định theo sự ủy quyền của Quốc hội.

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách phối hợp chặt chẽ, rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành chính thức. Nghị quyết này sẽ thay thế cho Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời hạn áp dụng Nghị quyết đến ngày 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023 sẽ áp dụng biểu thuế BVMT theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về biểu thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết phải gia hạn thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi MFN; khẩn trương nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, neo ở mức cao tác động tiêu cực đến chỉ số lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế thì Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét có quy định phù hợp.

Ngoài giảm thuế, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giảm giá xăng mà vẫn gặp khó khăn như ngư dân đánh bắt thuỷ sản xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp... Chính phủ cần chủ động để có giải pháp phù hợp, kịp thời. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát các yếu tố cấu thành cơ cấu giá xăng dầu theo đúng yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua.

Phát biểu tại Phiên họp, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trân trọng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong thời gian rất ngắn, triệu tập Phiên họp bất thường để xem xét, quyết định thông qua Nghị quyết. Phiên họp đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với công tác điều hành của Chính phủ. Trong điều kiện nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đang đứng trước áp lực rất lớn về lạm phát như hiện nay thì các quyết sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ sớm được thực hiện sẽ tạo thuận lợi cho nền kinh tế và cho người dân.