Không để giá xăng dầu ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Việt Hoàng

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, không để ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Nghị quyết số 77/NQ-CP 2022 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết này; kịp thời xử lý, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề mới phát sinh trong các lĩnh vực.

Cụ thể, các bộ, cơ quan, địa phương đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là các nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Chính phủ lưu ý, các bộ, ngành, địa phương cần bảo đảm chất lượng, thực hiện đầy đủ trách nhiệm tham mưu, nêu rõ chính kiến và đúng thời hạn quy định. Khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII và của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngay sau khi được ban hành.

Các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách nhiệm tham dự đầy đủ các buổi họp, thảo luận tại hội trường Quốc hội theo Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV; chủ động tham gia báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri, xã hội quan tâm; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan liên quan để xử lý các vấn đề phát sinh, nhất là các vấn đề cần báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ưu tiên nguồn lực, sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; trong đó khẩn trương trình ban hành các văn bản quy định chi tiết các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Cần Thơ và tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Các bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, diễn biến xung đột tại Ukraine, dịch bệnh COVID-19, việc điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất, triển khai các giải pháp phù hợp, ứng phó với các vấn đề phát sinh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, không để ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, thực hiện tích cực, quyết liệt theo thẩm quyền các giải pháp, biện pháp đồng bộ, điều hành để bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và quy định của pháp luật về giá, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, cước phí vận tải, chi phí logistics...