Thực trạng và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn FDI tại TP. Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 7/2020

Trong những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một phần quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh phát triển hài hòa về chiều rộng và chiều sâu, đồng thời, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, đưa Thành phố giữ vững vai trò trung tâm tài chính, công nghiệp, dịch vụ, thương mại của cả nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Với nhiều giải pháp mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn vốn FDI, TP. Hồ Chí Minh đang là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Để tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về thu hút FDI, thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Thực trạng thu hút vốn FDI tại TP. Hồ Chí Minh

Với ưu thế có nhiều trường đại học hàng đầu, kết nối thuận tiện về logistics và cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư nghiên cứu và phát triển, lao động lành nghề, các nhà cung ứng chất lượng cao… trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn giữ vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, ngoài lợi thế sẵn có, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách có tác động mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố; tiếp tục khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo nguồn đầu ra cho hoạt động sản xuất. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh tập trung hoàn thiện môi trường đầu tư và chủ động mời gọi doanh nghiệp nước ngoài để tạo sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Đây là lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế Thành phố.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hiệu quả nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước thông qua các sự kiện hội chợ - triển lãm thương mại và đầu tư, khảo sát thị trường; tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp; các hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần sang các tỉnh, thành lân cận và cả nước.

Đồng thời, cổng thông tin điện tử thương mại và đầu tư đã cập nhật 120 bản tin tiếng Việt và 185 bản tin tiếng Anh về ngành hàng, thị trường xuất khẩu, các thông tin về dự án và môi trường đầu tư. UBND TP. Hồ Chí Minh cam kết đảm bảo sự ổn định, nhất quán các cơ chế, chính sách đã đề ra, luôn cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào Thành phố.

Theo số liệu của UBND TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2018, tổng vốn FDI thu hút được đạt 7,39 tỷ USD (tăng 11,8% so với cùng kỳ), đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh, với 8.112 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 44,94 tỷ USD. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Năm 2019, TP. Hồ Chí Minh thu hút FDI đạt hơn 8 tỷ USD và trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút nguồn vốn này. Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 8,3 tỷ USD (tăng 39,45% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2018).

Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 1.320 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 1,84 tỷ USD (bằng 128,28% số dự án cấp mới và 234,62% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Trong số các dự án được điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có 309 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 858,73 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn).

Ngoài ra, Thành phố cũng chấp thuận cho 5.720 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 5,59 tỷ USD. Trong năm 2019, thu hút FDI đạt được con số nêu trên là do Thành phố tổ chức các hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng niềm tin của doanh nghiệp; Đã làm việc với 310 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh và trao đổi kinh nghiệm xúc tiến thương mại và đầu tư tại Thành phố.

Những tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thu hút FDI vào TP. Hồ Chí Minh cũng có những tín hiệu tích cực. Một số nước như: Nhật, EU, Mỹ đang có xu hướng tìm kiếm các địa điểm đầu tư mới để giảm rủi ro và đa dạng hóa thị trường đầu tư, trong đó Nhật Bản đang khuyến khích các doanh nghiệp của mình chuyển dịch hoạt động đầu tư sang các nước Đông Nam Á.

Từ đầu năm 2020 đến nay, một số nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu thông tin về việc thuê các khu đất có diện tích lớn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) tại TP. Hồ Chí Minh để chuẩn bị mặt bằng cho các dự án đầu tư trong thời gian sắp tới. Một số quỹ đầu tư nước ngoài có vốn lớn cũng có những động thái quan tâm đến hoạt động này. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong khu công nghệ cao cũng có xu hướng đầu tư các nhà xưởng cao tầng tại các KCN, KCX để phục vụ cho hoạt động của các DN công nghiệp hỗ trợ. Các yếu tố này sẽ tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư của các KCN, KCX tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Hiện nay, hình thức thu hút nguồn vốn FDI của Thành phố rất đa dạng: ngoài 3 hình thức là hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, các hình thức như mua vốn, đóng góp cổ phần, BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành), BT (xây dựng - chuyển giao)... cho thấy sự gia tăng nguồn vốn FDI vào TP. Hồ Chí Minh.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, TP. Hồ Chí Minh thu hút vốn FDI đạt 1,6 tỷ USD, trong đó có 450 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng lý là hơn 248 triệu USD. Trong đó, FDI phân theo ngành nghề, lĩnh vực như sau: bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô... chiếm 52,9%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 17,76%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 8,6 %; thông tin và truyền thông chiếm 6,68%; xây dựng chiếm 3,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 3,83%. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào TP. Hồ Chí Minh với 44 dự án với tổng số vốn đầu tư là 80,5 triệu USD, chiếm 32,4% trong tổng vốn cấp mới; Tiếp theo là Singapore với 70 dự án với tổng số vốn đầu tư là số vốn 50,8 triệu USD, chiếm 20,4%; Hồng Kông 37 dự án với tổng số vốn đầu tư là 31,5 triệu USD...

Ngoài ra, Thành phố có 80 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 122 triệu USD. Thành phố cũng chấp thuận cho 1.923 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước.

 Mặc dù có kết quả thu hút vốn FDI khá tích cực, nhưng hoạt động thu hút FDI của Thành phố chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, tác động lan tỏa từ doanh nghiệp nước ngoài sang các doanh nghiệp trong nước còn thấp; việc chuyển giao và tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài đã đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng kết quả rất hạn chế; luỹ kế giải ngân vốn đầu tư nước ngoài còn thấp, chỉ đạt khoảng 46% tổng vốn đăng ký; trong cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài vẫn ưu tiên đầu tư lĩnh vực bất động sản, chiếm 29% tổng nguồn vốn đăng ký; một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, những công nghệ rác, công nghệ lạc hậu vẫn thâm nhập, len lỏi vào Thành phố để lại những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, sáp nhập vẫn chiếm tới trên 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài, điều này không tạo nên giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Giải pháp thu hút vốn FDI tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới

Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI trong thời gian tới, đồng thời vẫn bảo đảm tăng trưởng nguồn vốn này. Để đạt được mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động để tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài và giúp phát triển các ngành quan trọng. Đồng thời, tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền Thành phố, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức các chuỗi hội nghị xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư. Các sở, ngành, đơn vị phải tập trung các giải pháp trọng tâm về cải cách hành chính; thủ tục đầu tư; cơ sở hạ tầng kỹ thuật; cơ chế chính sách thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với việc giữ vững môi trường kinh tế - xã hội ổn định, nhằm tạo môi trường an ninh, an toàn cho các hoạt động FDI thông qua việc tăng cường công tác quốc phòng và an ninh, Thành phố cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, bao gồm chính sách đầu tư và cơ sở hạ tầng, nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới. Trong đó, các chính sách về FDI; minh bạch hóa chính sách đầu tư; hoàn thiện hệ thống pháp luật về FDI cần được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba là, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến, doanh nghiệp thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ.

Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo và chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố cần có giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng và thay thế lao động nước ngoài cũng như bảo đảm giá nhân công thấp hơn so với các nước trong khu vực; khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động hợp tác giáo dục đào tạo nhằm trang bị những kiến thức, trình độ khoa học - kĩ thuật cho người lao động. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư nói riêng và quản lý đầu tư nói chung cần được tăng cường qua hình thức như vận động và phối hợp với các tổ chức quốc tế mở các lớp đào tạo về xúc tiến và quản lý đầu tư nước ngoài, tiếp tục quảng bá môi trường đầu tư của TP. Hồ Chí Minh; khẩn trương triển khai việc thành lập các bộ phận xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng điểm.

Năm là, các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh thực hiện chương trình đột phá của Thành phố về cải cách hành chính và nâng cao chỉ số Cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó chú trọng đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử; hoàn tất việc rà soát, phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính; triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính điện tử đối với lĩnh vực xây dựng, đất đai, dịch vụ công thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục; tuyên truyền rộng rãi các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư đối với các công trình trọng điểm, các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư của Thành phố; tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích đầu tư vào những ngành, những lĩnh vực kinh tế có lợi thế so sánh, có tiềm năng phát triển nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường…

 

Tài liệu tham khảo:

1. UBND TP. Hồ Chí Minh (2018, 2019), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2018, 2019;

2. UBND TP. Hồ Chí Minh (2020), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh 5 tháng năm 2020;

3. TNN (2020), TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, https://vpub.hochiminhcity.gov.vn/portal/pages/2020-6-23/TPHCM-Day-manh-xuc-tien-thuong-mai-theo-nhu-cauth3c388186cxgs.aspx.