Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực chuyển phát nhanh

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Chiều ngày 28/10/2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có buổi tiếp và làm việc với Hiệp hội chuyển phát nhanh Châu Á-Thái Bình Dương (CAPEC) do bà Sharon Tan, Giám đốc điều hành CAPEC làm trưởng đoàn tập trung vào các nội dung liên quan đến lĩnh vực chuyển phát nhanh. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế.

Toàn cảnh buổi làm việc. Nguồn: mof.gov.vn
Toàn cảnh buổi làm việc. Nguồn: mof.gov.vn
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn Hiệp hội CAPEC tại cơ quan Bộ Tài chính và mong muốn CAPEC đóng góp ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi Luật Hải quan Việt Nam. Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính luôn mong muốn tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp chuyển phát nhanh.

Bà Sharon Tan cho biết, CAPEC hoan nghênh các nỗ lực cải thiện quy trình thông quan hiệu quả, thuận lợi của Hải quan Việt Nam và đặc biệt quan tâm chủ trương thông quan hải quan 24/7 bao gồm thời hạn thanh tra hải quan, áp dụng quản lý rủi ro vào qui trình thông quan hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa, để đảm bảo quá trình thông quan hải quan nhanh chóng hiệu quả.
Hiệp hội CAPEC mong muốn được cộng tác với Bộ Tài chính và Hải quan Việt Nam trong việc xem xét sửa đổi Luật Hải quan cũng như mong muốn được cùng chia sẻ các kinh nghiệm của hoạt động chuyển phát nhanh ở các nước để hỗ trợ nỗ lực cải cách của Hải quan Việt Nam, bà Sharon Tan nhấn mạnh.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng đã trả lời cụ thể những vấn đề mà Hiệp hội CAPEC đưa ra như: Trị giá miễn thuế và đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng trị giá thấp; thông quan trước khi hàng đến; hủy bỏ phân biệt mậu dịch và phi mậu dịch; địa điểm kiểm tra hải quan; thời hạn cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa; thời hạn nộp hồ sơ hải quan đối với hàng xuất; quản lý rủi ro và kiểm hóa thực tế; chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp; địa điểm làm thủ tục hải quan; giám sát hải quan trong việc vận chuyển hàng hóa…Đây là những vấn đề sẽ được giải quyết trong dự thảo sửa đổi Luật Hải quan tới đây.
 
Hiện nay, việc xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển, cảng hàng không, kho ngoại quan hiện đang được điểu chỉnh ở nhiu văn bản khác nhau (Thông tư số 33/2004/TT-BTC ngày 15/4/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa, hành lý, tài sản tồn đọng không có người nhận tại các cảng hàng không Việt Nam; Thông tư số 179/2011/TT-BTC ngày 08/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan tại cảng biển mà chưa có người đến nhận và hàng hóa không người nhận khác; Thông tư số 195/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng tồn đọng trong kho ngoại quan).
 
Bộ Tài chính đang Dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển, cảng hàng không, kho ngoại quan và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh.

So với các văn bản đang áp dụng, dự thảo Thông tư bổ sung thêm việc xử lý đối với hàng hóa tồn đọng tại các doanh nghiệp CPN; Đối với hàng hóa tồn đọng tại cảng biển, dự thảo sửa đổi quy định về đăng tải thông tin về hàng hóa tồn đọng trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đối với hàng hóa tồn đọng tại cảng hàng không, dự thảo rút ngắn thời hạn để chủ hàng đến nhận là 60 ngày; Đối với hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan, bổ sung quy định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng trong kho ngoại quan để đảm bảo tính pháp lý trong việc Nhà nước tổ chức xử lý loại hàng hóa này; Đối với hàng hóa tồn đọng tại doanh nghiệp CPN, đây là nội dung mới; vì vậy, dự thảo quy định rõ trình tự, thủ tục thông báo, xử lý hàng hóa tồn đọng tại doanh nghiệp CPN.

Với những nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên, việc xử lý đối với các loại hàng hóa tồn đọng sẽ được thống nhất về cơ chế, hình thức xử lý, quy trình xử lý, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan và các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan trong việc thông báo, kiểm kê, phân loại, lập, phê duyệt phương án xử lý và tổ chức xử lý hàng hóa, từ đó đẩy nhanh tiến độ xử lý và nâng cao hiệu quả xử lý đối với các loại hàng hóa này.