Sự “mất phanh” của chứng khoán châu Á


Tất cả các thị trường chứng khoán châu Á khác đều mất điểm ở mức “không thể tưởng tượng”. Các chỉ số của Hang Seng của Hong Kong, Singapore Straits Times của Singapore và chỉ số Topix tầm rộng tại Nhật tính tới 14h chiều 8/10 (giờ Việt Nam) đồng loạt tuột dốc, tương ứng 6,78%; 6,04% và 8,04%. Các chỉ số tại Trung Quốc (tính tới 14h15 ngày 8/10) đều giảm từ 3% đến gần 6%. Các chỉ số Đài Loan đồng loạt giảm gần 6%. Các chỉ số Hàn Quốc giảm từ 5 tới gần 9%. Australia giảm đều 5%. Thái Lan giảm 6-7%. Ấn Độ giảm 6-7,3%.

Sự sụt giảm của các chỉ số chứng khoán châu chịu tác động trực tiếp từ việc châu Âu thất bại trong việc tìm kiếm giải pháp kiềm chế sự lan sâu và rộng của cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ. Trong khi đó, cho dù đã thông qua kế hoạch chi 700 tỷ USD nhằm cứu một loạt các tập đoàn tài chính đang đứng bên bờ vực phá sản nhưng Mỹ vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất.
Giới quan sát đang lo ngại sẽ có thêm nhiều ngân hàng sẽ sụp đổ. Ngân hàng trung ương các nước đang nỗ lực bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính và cắt giảm lãi suất ở mức rất mạnh với hy vọng sẽ phần nào ngăn chặn cơn bão tài chính. Ngày 7/10, Nhật và Australia bơm hơn 10 tỷ USD. Tới sáng 8/10, Anh cho biết sẽ bơm tối thiểu 87 tỷ USD để ngăn chặn sự đổ vỡ hàng loạt của hệ thống ngân hàng. Trước đó, Australia đã cắt giảm lãi từ 7% xuống 6% - lần cắt giảm mạnh nhất trong 20 năm qua. Hồng Kông cũng vừa tuyên bố giảm lãi suất cơ bản từ 3,5% xuống 2,5% bắt đầu từ 9/10. Trong khi đó, các nhà đầu tư Mỹ đang la ó đòi Cục dự trữ liêng bang (Fed) phải ngay lập tức cắt giảm lãi suất. Hiện tại lãi suất cơ bản của Mỹ đang ở mức thấp là 2%. Với sự sụt giảm cổ phiếu châu Á chiều nay, tổng mức vốn hoá của các thị trường chứng khoán thế giới tính từ cuối tuần trước đã bị xoá bay mất hơn 5.000 tỷ USD. Tại Indonesia, đây là lần đầu tiên thị trường chứng khoán phải đóng cửa kể từ tháng 9/2002 khi mà một quả bom phát nổ và giết chết 15 người tại sàn chứng khoán này.
Trước những diễn biến bất thường vừa qua, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm tới sẽ chỉ còn 3%, so với mức dự báo 3,7% hồi tháng 4 trước đó.
“Chúng ta đang đối mặt với một đợt suy thoái toàn cầu. Và hiện thực sự không có nơi nào có thể đầu tư an toàn” Jason Chong, Giám đốc đầu tư của Quỹ UOB-OSK Asset Management tại Kuala Lumpur nói.
Theo Hà Linh (vnn.vn)