Sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam và một số rủi ro tiềm ẩn
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp với khối lượng phát hành đạt trên 623.616 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, còn lại là trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng chiếm 5,5% tổng khối lượng phát hành. Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp bất động sản là các nhà phát hành lớn nhất trên thị trường. Điều này gây ra những rủi ro tiềm ẩn cho các nhà đầu tư, cần giám sát chặt chẽ để thị trường phát triển lành mạnh.
Bài viết phân tích sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2021 và cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn cho các nhà đầu tư.
1. Sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2021
Quy mô thị trường TPDN ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng quy mô dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Cụ thể, tính đến hết quý 2/2021, dư nợ TPDN chiếm khoảng 11% tổng dư nợ cả nền kinh tế, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2020. (Hình 1)
Tổng khối lượng phát hành trái phiếu trong quý III/2021 đạt 159,670 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ phát hành riêng lẻ chiếm 98.7%, chỉ có 1 đợt phát hành ra công chúng của CTCP Masan Meatlife (giá trị ~2000 tỷ đồng). Trong quý III/2021, có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Nova (300 triệu USD) và Công ty Vinpearl (425 triệu USD).
Trong 9 tháng năm 2021, tổng khối lượng phát hành TPDN trong nước đạt 385,035 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ phát hành ra công chúng đạt 3.01%, thấp hơn rất nhiều so với 9 tháng đầu năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2019. Nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết) ưu tiên lựa chọn kênh phát hành riêng lẻ, do những vướng mắc trong quy định phát hành trái phiếu ra công chúng. Có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế trong 9 tháng năm 2021, với tổng giá trị 1.425 tỷ USD, cụ thể: Vingroup (500 triệu USD), BIMLand (200 triệu USD trái phiếu xanh), Novaland (300 triệu USD) và Vinpearl (425 triệu USD). (Hình 2)
Theo Báo cáo thị trường trái phiếu quý IV/2021, tổng giá trị TPDN phát hành đạt mức 189.652 tỷ đồng, giảm nhẹ 7,6% so với quý trước, tỷ lệ phát hành thành công đạt 105,1%. Trong đó, tỷ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ và công chúng lần lượt là 91,2% và 8,8%. Trong quý 4, có 122 doanh nghiệp (DN) phát hành tổng cộng 172.898 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, giảm 14,2% so với quý trước. Các DN có giá trị phát hành (GTPH) trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý đều thuộc nhóm ngân hàng, như: Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (12.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (10.220 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (9.970 tỷ đồng).
2. Một số rủi ro tiềm ẩn
Thứ nhất, các ngân hàng thương mại vừa là những nhà phát hành trái phiếu lớn nhất, đồng thời cũng vừa là những nhà đầu tư trái phiếu lớn nhất thị trường. Theo số liệu thống kê thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, phần lớn các lô trái phiếu doanh nghiệp đều được phát hành và mua bởi các ngân hàng, các công ty chứng khoán.
Trong quý III/2021, mặc dù tổng khối lượng phát hành (KLPH) có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020, nhưng quy mô trung bình mỗi đợt phát hành khoảng 609 tỷ đồng/đợt phát hành (-2.1% Q/Q), tăng gấp 3.12 lần so với quý III/2020, khoảng thời gian mà nhiều TCPH phải chia nhỏ lô trái phiếu thành nhiều đợt phát hành để đảm bảo tuân thủ quy định về số lượng nhà đầu tư.
Trong quý III/2021, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu về KLPH, tổng giá trị đạt 67,717 tỷ đồng với sự tăng lên nhanh chóng trong việc phát hành bổ sung vốn ngắn hạn và tăng vốn cấp 2 đảm bảo các tiêu chuẩn theo Basel II của các ngân hàng thương mại. Nhóm các doanh nghiệp bất động sản xếp vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành là 56,551 tỷ đồng. (Hình 4)
Trong quý IV, Tài chính - Ngân hàng tiếp tục là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 47,7% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 82.418 tỷ đồng (tăng 5,4% so với quý trước). Ngoài 3 ngân hàng có giá trị phát hành lớn nhất kể trên, các tổ chức tài chính khác có giá trị phát hành lớn nhất, bao gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư IPA (2.000 tỷ đồng), Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (1.450 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (510 tỷ đồng),…
Xét trong cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu, 41% nhà đầu tư trái phiếu trong quý III/2021 là Tổ chức tín dụng. Tỷ trọng nhà đầu tư trái phiếu cá nhân chiếm khoảng 5% tổng giá trị phát hành trái phiếu trong quý III 2021. Về cơ cấu nhà đầu tư tổ chức, 73% nhà đầu tư là tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán. Tuy nhiên, đã có sự chuyển dịch trong cơ cấu nhà đầu tư khi tỷ trọng nhà đầu tư sơ cấp là TCTD tăng mạnh trong quý III, trong khi các công ty chứng khoán giảm mua trái phiếu sơ cấp từ TCPH, phần lớn do việc Thông tư số 01/2021/TT-NHNN có hiệu lực cuối tháng 5/2021 cho phép TCTD được mua trái phiếu của TCTD khác phát hành.
Số liệu từ Hình 5 cho thấy một số điểm sau.
Thứ nhất, các công ty chứng khoán và các ngân hàng là nhà đầu tư lớn chủ yếu, nhưng đây lại không phải là người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cuối cùng. Sau khi mua, họ sẽ bán lại cho các nhà đầu tư, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân thông qua mạng lưới giao dịch với nhiều hình thức. Bên cạnh đó, họ còn đóng vai trò tư vấn, quản lý tài sản,... cho nhà đầu tư. Thông qua hệ thống mạng lưới rộng khắp, số lượng khách hàng lớn, các ngân hàng và công ty chứng khoán dễ dàng thuyết phục nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất hấp dẫn hơn rất nhiều lãi suất ngân hàng cùng các điều kiện mua lại, thế chấp vay vốn khi cần thiết.
Thứ hai, hiện tượng đảo nợ, bơm vốn được thực hiện thông qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp đặc biệt là của các doanh nghiệp bất động sản được phát hành và mua lại bởi các công ty chứng khoán, các ngân hàng. Thậm chí, hiện có khoảng 50 công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép tham gia các hoạt động liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có hơn 50% thị phần tính theo giá trị phát hành thuộc về các công ty chứng khoán là công ty con hoặc dưới sự hỗ trợ của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, các chủ ngân hàng ít nhiều có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu đó. Điều này dẫn đến việc các ngân hàng đã trực tiếp hoặc thông qua công ty chứng khoán để cơ cấu nợ, đảo nợ, bơm vốn cho doanh nghiệp bất động sản “sân sau” thông qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, sau đó, chuyển nhượng cho các nhà đầu tư cá nhân. Ví dụ điển hình, Công ty CP Bông Sen - doanh nghiệp hiện nắm quyền chi phối khách sạn Daewoo Hà Nội, đã thu hút sự chú ý của thị trường khi huy động thành công 4.800 tỷ đồng từ một số nhà đầu tư tổ chức, thông qua 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhằm tái cơ cấu các khoản nợ gắn với trái phiếu doanh nghiệp, do doanh nghiệp này đã phát hành riêng lẻ vào năm 2019.
Hầu hết các trái phiếu do nhóm doanh nghiệp này phát hành đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và khá mơ hồ thông tin về tình hình sử dụng vốn từ trái phiếu đã phát hành. Doanh nghiệp huy động cả trăm, ngàn tỷ đồng qua trái phiếu, nhưng không ai giám sát tiền này đi về đâu, đầu tư thế nào, có sử dụng sai mục đích không. Trong hồ sơ phát hành ghi huy động tiền từ trái phiếu để đầu tư dự án A, nhưng có khi doanh nghiệp lại đem tiền đổ vào dự án B, hoặc thậm chí có khả năng tất cả dự án đều là ảo. Chưa kể, nhiều khi khoản tiền đi vay từ trái phiếu còn lớn hơn nhiều so với tài sản công ty.
Thứ ba, các doanh nghiệp gọi vốn đánh vào tâm lý nhà đầu tư cá nhân bằng cách thuê ngân hàng hoặc các công ty chứng khoán đứng ra phát hành. Nhà đầu tư thậm chí không biết đến doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhưng biết tới ngân hàng hoặc công ty chứng khoán là công ty con của ngân hàng nên đã tin tưởng mua. Song trên thực tế, các tổ chức trên chỉ cung cấp dịch vụ, hưởng phí hoa hồng, không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ. Do đó, nếu doanh nghiệp phá sản, thì nhà đầu tư cá nhân sẽ mất vốn và không thể đòi tiền từ ngân hàng hoặc công ty chứng khoán.
Tóm lại, năm 2021 tiếp tục là một năm thăng hoa của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, qua đó từng bước trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng đối với nền kinh tế. Tổng giá trị TPDN phát hành đạt 623.616 tỷ đồng, tăng 34,9% so với năm 2020; trong đó là 583.371 tỷ đồng phát hành riêng lẻ và 40.246 tỷ đồng phát hành ra công chúng. Trong đó, Tài chính - Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về GTPH năm 2021, chiếm 42,0% tổng GTPH, tăng 83,8% so với cùng kỳ.
Nhóm ngành Bất động sản chiếm 34,8% tổng GTPH, tăng 36,2% so với năm 2020. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng hàm chứa những rủi ro đến từ việc đảo nợ, cơ cấu nợ của các doanh nghiệp, việc doanh nghiệp ít tên tuổi với vốn tự có mỏng, nhưng lại gọi được vốn nợ lớn thông qua trái phiếu doanh nghiệp và sự thiếu hiểu biết, ngộ nhận từ các nhà đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, cần giám sát chặt chẽ để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- VBMA (2021), Báo cáo thị trường trái phiếu Việt Nam quý III/2021.
- Vũ Hồng Thanh (2021), Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam: Mô hình quản lý rủi ro và một số khuyến nghị, Tạp chí Ngân hàng, https://tapchinganhang.gov.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-tai-viet-nam-mo-hinh-quan-ly-rui-ro-va-mot-so-khuyen-nghi.htm
- Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (2022). Các báo cáo về thị trường trái phiếu Việt Nam.