Sự tương đồng, khác biệt giữa tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nguyễn Thị An - Trường Đại học Tài chính Kế toán

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều là hai tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hai tội danh này cùng nhóm tội phạm nhưng độc lập với nhau, vì vậy ngoài những điểm tương đồng còn có những điểm khác biệt. Tuy nhiên, trên thực tế việc phân định hai tội danh này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần có các giải pháp để việc thực hiện pháp luật trên thực tế có hiệu quả.

Cơ sở pháp lý

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (LDTNCĐTS) được quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo khoản 1 Điều 175, chủ thể thực hiện hành vi LDTNCĐTS phải thông qua việc vay, mượn, thuê tài sản người khác bằng hình thức hợp đồng. Thông qua hợp đồng để chủ sở hữu tài sản tin tưởng giao tài sản cho mình rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản (CĐTS). Như vậy, mục đích chiếm đoạt phải có sau hành vi vay, mượn, thuê tài sản.

Việc quy định hành vi “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” (điểm a khoản 1) là LDTNCĐTS là chưa phù hợp. Thực tế, đây có thể là một cách thức lừa đảo trong trường hợp có thủ đoạn gian dối. Nhiều trường hợp chủ thể có mục đích chiếm đoạt, nhưng việc để người khác giao tài sản cho mình một cách dễ dàng trong khi họ hầu như không được hưởng phần lợi ích nào là tương đối khó. Vì thế, để có thể nhận được tài sản của người khác các chủ thể vẫn có thể thực hiện mục đích chiếm đoạt trên cơ sở có ý định gian dối từ trước, thông qua việc vay, mượn, thuê tài sản…

Đối với quy định việc “bỏ trốn” nêu trên có thể là hệ quả của các hành vi gian dối CĐTS trước đó và cũng có thể là sự vắng mặt hợp pháp để đi nơi khác làm ăn, kiếm tiền trả nợ hoặc nhiều lý do cá nhân khác của người đã vay hoặc mượn tài sản nhưng chưa thể hiện rõ mục đích CĐTS. Trong trường hợp này, hành vi có thể chỉ vi phạm nghĩa vụ hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế. Việc khởi tố người nhận được tài sản theo Điều 175 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là hình sự hóa quan hệ dân sự. Đối với những trường hợp này cần xác định rõ mục đích của việc “bỏ trốn” để đảm bảo việc định tội trên tinh thần đúng người, đúng tội.

Đối với quy định hành vi “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” (điểm b khoản 1) là LDTNCĐTS. Trong trường hợp này cần xác định mục đích sử dụng tài sản có trước hay có sau hành vi, nếu mục đích sử dụng bất hợp pháp tài sản có trước thì hành vi phải xác định là lừa đảo CĐTS. Nếu mục đích sử dụng bất hợp pháp tài sản có sau, trường hợp này chưa hẳn là hành vi CĐTS, bởi trường hợp này chủ thể vi phạm không cố ý chiếm đoạt mà chỉ cố ý sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản.

Thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp vay, mượn tiền, tài sản với số lượng hoặc giá trị lớn sau đó sử dụng vào việc ăn chơi, tiêu xài hoang phí dẫn đến không có khả năng trả nợ lại không thể truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS), vì việc chi tiêu như vậy không được coi là hành vi bất hợp pháp. Đối với những quy định trên, nếu dựa vào “sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” để xác định hành vi phạm tội LDTNCĐTS thì rất khó để phân biệt hành vi phạm pháp luật hình sự với hành vi vi phạm pháp luật dân sự.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) được quy định tại Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo khoản 1 Điều 174, CĐTS là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để CĐTS của người khác. “Hành vi, thủ đoạn gian dối” là dấu hiệu định tội của tội LĐCĐTS quy định trong BLHS 2015. Trường hợp này cần xác định hành vi, thủ đoạn gian dối phải có sau mục đích CĐTS. Nghĩa là để thực hiện mục đích chiếm đoạt chủ thể vi phạm đã sử dụng hành vi, thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu tài sản giao tài sản cho mình. Tuy nhiên, quy định này chưa thực sự rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật bởi trên thực tế hành vi này có thể nhầm lẫn với với hành vi lừa dối khách hàng. Đối với hành vi lừa dối khách hàng thì nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hóa để CĐTS của khách hàng đã dùng hành vi, thủ đoạn gian dối nhằm tạo niềm tin của khách hàng, để họ mua, trao đổi hàng hóa với mình.

Đối với quy định “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm" là tình tiết định tội, quy định này chưa phù hợp vì vi phạm nguyên tắc một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần. Việc quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” làm cơ sở định tội sẽ lấy yếu tố thuộc nhân thân người phạm tội để xử lý người vi phạm pháp luật và như vậy một hành vi vi phạm pháp luật đã bị xử lý 2 lần (vừa bị xử lý hành chính, vừa bị cộng dồn để xử lý hình sự). Theo đó, chỉ nên quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm” là tình tiết tăng nặng TNHS sẽ phù hợp hơn.

Đối với quy định tình tiết “Đã bị kết án về tội CĐTS”, đối với tội LĐCĐTS cũng chưa hợp lý, chưa công bằng, chưa mang tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 174 BLHS 2015, sửa đổi , bổ sung 2017: Hành vi CĐTS nếu có giá trị dưới mức định lượng tối thiểu 2 triệu đồng, để truy cứ tội LĐCĐTS cần phải có thêm tình tiết “Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” mới cấu thành tội phạm, nên trong thực tế có người thực hiện hành vi LĐCĐTS có giá trị dưới 2.000.000 đồng, tuy chưa có lần nào bị kết án về tội chiếm đoạt nhưng lại có nhiều tiền án về các tội đặc biệt nghiêm trọng khác thì không bị truy cứu TNHS về tội LĐCĐTS. Ngược lại, người có hành vi LĐCĐTS có giá trị dưới 2.000.000 đồng và chỉ có một tiền án về tội CĐTS (mặc dù thuộc loại ít nghiêm trọng) vẫn bị truy cứu TNHS về tội LĐCĐTS .

Điểm tương đồng và khác biệt giữa tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Điểm tương đồng

Giữa tội LDTNCĐTS và tội LĐCĐTS có các điểm tương đồng nhất định thể hiện ở các dấu hiệu sau:

Một là, dấu hiệu về chủ thể. Chủ thể thực hiện cả 2 tội danh trên đều là cá nhân, phải có năng lực chịu TNHS và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên. Đây là một trong các điểm mới của BLHS 2015 so với BLHS 1999, bộ luật mới đã có sự tách bạch rõ ràng hơn về độ tuổi chịu TNHS đối với người phạm tội.

Hai là, dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm. Khách thể của tội LDTNCĐTS cũng tương tự như các tội LĐCĐTS là xâm hại quan hệ sở hữu nhưng cả 2 tội danh này đều không xâm phạm đến quan hệ nhân thân, đây cũng là một điểm khác với các tội CĐTS khác như cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm CĐTS, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội LDTNCĐTS và tội LĐCĐTS. Cụ thể ở cả 2 tội danh này đều không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu TNHS về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Ba là, dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm. Tội LDTNCĐTS và LĐCĐTS đều được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội đối với 2 tội danh này đều mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích CĐTS là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội LDTNCĐTS và tội LĐCĐTS. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng bị truy cứu TNHS về tội LDTNCĐTS hoặc tội LĐCĐTS.

Điểm khác biệt

Một là, về mặt chủ quan của tội phạm, ý chí của người phạm tội LĐCĐTS khác biệt với tội LDTNCĐTS. Cụ thể ý định chiếm đoạt trọng tội LĐCĐTS luôn nảy sinh trước thủ đoạn gian dối và hành vi CĐTS, thủ đoạn gian dối phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội.

Ví dụ: Vì muốn có tiền tiêu xài, A nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe máy của B. A đến gặp B ( là người quen) ngỏ ý mượn xe để đón người thân từ quê lên chơi. B tin tưởng và giao xe máy cho A. A đem xe ra tiệm cầm đồ bán với số tiền 30.000.000 đồng. Trong tình huống này, ý định LĐCĐTS của A trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của B. Vì muốn chiếm đoạt chiếc xe máy nên A đã dùng thủ đoạn nói dối mục đích mượn xe để B giao xe cho mình.

Còn phạm tội LDTNCĐTS thì ý định CĐTS cũng phát sinh sau khi nhận tài sản thông qua một hình thức giao dịch nhất định. Nghĩa là sau khi có được tài sản hợp pháp mới phát sinh thủ đoạn gian dối để CĐTS.

Ví dụ: Ngày 20/3/2022 bạn của A (A là sinh viên) từ dưới quê lên chơi. Do xe máy của A đã bị hỏng nên A đã đến nhà anh H (chuyên cho thuê xe máy) ký hợp đồng thuê xe của H với thời gian 3 ngày và số tiền thuê xe là 500.000 đồng/ngày. Ngày 25/3/2022 không thấy A đem xe đến trả như thỏa thuận, H gọi điện cho A thì A cho biết xe hỏng nên A đang sửa. Hai ngày sau H tiếp tục gọi điện cho A nhưng thuê bao không liên lạc được. H đến phòng trọ của A tìm nhưng không gặp được A. Ngày 10/4/2023 qua thông tin của bạn bè và người quen H được biết A đã đem xe của mình cầm cố cho 1 tiệm cầm đồ trên địa bàn để lấy số tiền 10.000.000 đồng. Trong tình huống này, ý định LĐCĐTS của A có sau thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của B. Thông qua hợp đồng thuê xe của B, A có được tài sản hợp pháp sau đó phát sinh thủ đoạn chiếm đoạt chiếc xe máy đã thuê của B.

Hai là, dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm. Đối với tội LDTNCĐTS, người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua các hợp đồng vay, mượn thuê tài sản của người khác hoặc bằng hình thức khác. Sau khi có được tài sản người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để CĐTS đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Nếu người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là LDTNCĐTS.

Hành vi LDTNCĐTS được cấu thành khi thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Giá trị của tài sản chiếm đoạt của người khác từ 4.000.000 đồng trở lên; (ii) Giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý phạt vi phạm hành chính về hành vi CĐTS hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của BLHS 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (iii) Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống của chính người bị hại hoặc gia đình họ hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Đối với LĐCĐTS, dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để CĐTS.

Hành vi CĐTS được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối. Hành vi LĐCĐTS được cấu thành khi thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên; (ii) Nếu giá trị tài sản chiếm đoạt dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi dã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của BLHS 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu TNHS về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Một số khuyến nghị nhằm đạt hiệu quả trong xác định tội danh

Mặc dù, BLHS 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định tội LĐCĐTS và tội LDTNCĐTS là 2 tội danh hoàn toàn độc lập với nhau. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ án LĐCĐTS và LDTNCĐTS trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định đúng 2 tội danh này. Để nâng cao nhận thức, tránh gây nhầm lẫn cũng như nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự đối với 2 tội danh trên, bài viết đề xuất một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, cần bổ sung pháp nhân thương mại là chủ thể của tội LĐCĐTS và tội LDTNCĐTS. Pháp nhân thương mại đã được bổ sung là chủ thể của tội phạm trong BLHS 2015. Đây là một sự thay đổi tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế và tình hình kinh tế, xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, pháp nhân thương mại chưa được quy định là chủ thể đối với tội LĐCĐTS và tội LDTNCĐTS. Trên thực tế, có rất nhiều pháp nhân thương mại thành lập không nhằm mục đích kinh doanh mà thành lập nhằm mục đích lợi dụng danh nghĩa kinh doanh để LĐCĐTS hoặc LDTNCĐTS. Pháp luật hiện hành không quy định chế tài hình sự đối với pháp nhân thương mại khi thực hiện các hành vi LĐCĐTS và LDTNCĐTS nên dù có nhiều pháp nhân đã có hành vi chiếm đoạt đối với nhiều chủ thể với số tài sản lớn nhưng các pháp nhân thương mại này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, việc bổ sung chế tài hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội LĐCĐTS và tội LDTNCĐTS là cần thiết nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật đối với mọi chủ thể.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng làm rõ hơn dấu hiệu định tội của tội LĐCĐTS và tội LDTNCĐTS để tránh nhầm lẫn giữa hai tội danh này với nhau và nhầm lẫn với các các tội phạm khác cùng sử dụng thủ đoạn gian dối để phạm tội trong BLHS 2015.

Theo quy định thì dấu hiệu cơ bản cấu thành tội LĐCĐTS và tội LDTNCĐTS là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để CĐTS. Tuy nhiên, trong BLHS vẫn còn một số tội danh khác cũng dùng thủ đoạn gian dối, cùng có hành vi CĐTS như tội lừa dối khách hàng… Mặc dù, Điều 174, Điều 175 BLHS 2015 đề cập đến việc xác định hành vi gian dối trong 2 tội danh trên nhưng cần phải có sự giải thích cụ thể trong các văn bản pháp luật để thuận tiện trong quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo cho việc định tội danh được chính xác, tránh nhầm lẫn với các tội phạm khác.

Các quy định pháp luật cần hướng dẫn xác định mục đích CĐTS là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội LĐCĐTS và tội LDTNCĐTS. Theo đó, khi định tội, cần xem xét người phạm tội có mục đích chiếm đoạt hay không. Trường hợp một người có hành vi gian dối trong việc xác lập các giao dịch dân sự nhưng không nhằm mục đích CĐTS thì không phạm tội LĐCĐTS hoặc LDTNCĐTS mà coi là vụ án tranh chấp về dân sự, nếu người phạm tội có thiện chí thực hiện các nghĩa vụ dân sự của mình. Trường hợp người phạm tội có mục đích CĐTS trước hoặc trong khi thực hiện hành vi lừa dối CĐTS thì bị truy cứu TNHS về tội LĐCĐTS. Trường hợp người phạm tội có mục đích chiếm đoạt sau khi có được tài sản thì phạm tội LDTNCĐTS hoặc tội danh khác.

Cần ban hành quy định cụ thể tránh nhầm lẫn giữa trường hợp phạm tội LĐCĐTS với tội LDTNCĐTS và một số trường hợp phạm tội khác cùng sử dụng thủ đoạn gian dối để phạm tội. Cụ thể, cần quy định hành vi khách quan của tội LĐCĐTS gồm hành vi lừa dối và hành vi CĐTS. Giữa hành vi lừa dối và hành vi CĐTS có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt phải là kết quả của hành vi lừa dối. Mối quan hệ này không phải là yếu tố bắt buộc đối với tội LDTNCĐTS và các tội danh khác có sử dụng thủ đoạn gian dối.

Thứ ba, ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng chương “Các tội xâm phạm sở hữu” thay thế cho Thông tư số 02/2001/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng chương “Các tội phạm xâm phạm sở hữu”. Thông tư số 02/2001 hướng dẫn BLHS năm 1999, nhưng hiện này BLHS năm 1999 đã bị thay thế bởi BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 vì thế việc ban hành thông tư mới thay thế Thông tư số 02/2001 là hoàn toàn cần thiết. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn đòi hỏi cần giải thích cụ thể các dấu hiệu định tội, định khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đảm bảo cho việc giải quyết đối với tội LĐCĐTS và tội LDTNCĐTS được thống nhất. Đồng thời, khi ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật các chủ thể ban hành phải dự tính được hết những khả năng có thể xảy ra trên thực tế khi giải quyết các vụ án LĐCĐTS và LDTNCĐTS..

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13;
  2. Quốc hội, Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13;
  3. Thông tư số 02/2001/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng chương “Các tội phạm xâm phạm sở hữu”.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2023