Sự vận động đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam khá bền vững (*)


Nhìn về dài hạn, sự vận động đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam khá bền vững, được hỗ trợ bởi cả yếu tố về chất và lượng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Về chất, mặc dù có những khó khăn trong ngắn hạn ở quý III và quý IV/2021 song Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế có mức độ phục hồi tốt nhất khu vực. Triển vọng kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 vẫn rất tươi sáng với mức dự báo trung bình 7% mỗi năm. Xuất khẩu tiếp tục là điểm nhấn tăng trưởng khi được hỗ trợ bởi làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như hàng loạt hiệp định thương mại.

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và giải ngân đều tăng trong 2 tháng qua cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát tốt ở mức dưới 3% và việc đồng Việt Nam giữ ổn định trong hơn một năm qua là những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường.

Về lượng, với sự phát triển của thị trường và công nghệ thông tin, thị trường đang dần trở nên dễ tiếp cận đối với đại đa số người dân. Ngày càng nhiều nhà đầu tư cá nhân lựa chọn thị trường chứng khoán là kênh đầu tư tích sản.

Điển hình là tháng 8 vừa qua, số tài khoản mở mới đạt hơn 120.000, chỉ đứng sau số tài khoản mở mới trong tháng 6.2021. Nhà đầu tư mới được trang bị đầy đủ kiến thức và nhận diện được rủi ro. Do đó, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân tại thời điểm này sẽ tỉnh táo và ổn định hơn nhiều.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn những câu chuyện phía trước như nâng hạng hay tiếp tục chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) của những doanh nghiệp lớn… Điều này góp phần làm cho định giá của thị trường tương đối hấp dẫn trong thời điểm hiện nay.

(*) Lược trích ý kiến của bà Trần Thị Khánh Kiền trong bài "Tránh đầu tư theo "tin đồn"" - Đan Thanh/daibieunhandan.vn