Sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán bảo vệ tốt hơn quyền lợi nhà đầu tư
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, nếu được thông qua, sẽ có những tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, giúp nâng cao tính minh bạch và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Hoài Thu - CFA, Tổng Giám đốc Khối đầu tư Chứng khoán, VinaCapital đã có những trao đổi với Tạp chí Tài chính xung quanh các nội dung liên quan tới dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán.
Phóng viên: Bà có ý kiến gì đối với việc giới hạn nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với nhà đầu tư cá nhân theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán?
Bà Nguyễn Hoài Thu: Chúng tôi cho rằng việc giới hạn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đối với nhà đầu tư cá nhân sẽ giúp bảo vệ họ khỏi những rủi ro, đôi khi có thể rất lớn,liên quan đến loại tài sản này.
Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Việt Nam thời gian qua tồn tại nhiều bất cập với việc sức khỏe tài chính của nhiều tổ chức phát hành yếu kém, khả năng vỡ nợ trước các cú sốc bên ngoài là cao, nhưng thông tin tài chính của những tổ chức phát hành này lại không rõ ràng, khó tiếp cận, khiến cho nhà đầu tư cá nhân, kể cả có trang bị kiến thức chuyên sâu phân tích doanh nghiệp, cũng khó tiếp cận thông tin.
Thêm vào đó, sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhiều khi lại được chào bán đơn thuần như một kênh thay thế tiền gửi tiết kiệm, mà không được các kênh bán phổ cập cụ thể về những rủi ro liên quan khiến nhiều nhà đầu tư có cái nhìn chưa đúng về kênh đầu tư này.
Phóng viên: Vậy làm sao để nhà đầu tư cá nhân, không chuyên có thể tham gia đầu tư một cách công bằng và hiệu quả?
Bà Nguyễn Hoài Thu: Nhà đầu tư cá nhân thực tế vẫn có thể tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ thông qua việc đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu, được quản lý bởi công ty quản lý quỹ là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp được cấp phép, giám sát bởi các cơ quản quản lý nhà nước chuyên ngành.
Tuy nhiên, để điều này diễn ra thuận lợi khi chúng ta sửa đổi quy định nói trên, chúng tôi cũng lưu ý cần sửa đổi một cách đồng bộ giữa các luật để thị trường được thông suốt, không có điểm nghẽn. Cụ thể, hiện nay, các quỹ mở trái phiếu chỉ được đầu tư tối đa 10% tổng tài sản quỹ vào trái phiếu riêng lẻ và còn lại phải đầu tư vào trái phiếu phát hành ra công chúng được niêm yết vốn dĩ rất ít trên thị trường.
Vì thế, chúng tôi cho rằng cần có giải pháp song hành, đó là cân nhắc nâng hạn mức đầu tư 10% trái phiếu riêng lẻ của quỹ trái phiếu lên một mức hợp lý hơn. Bản thân quỹ đã là nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp, do đó có khả năng đánh giá các rủi ro liên quan trong việc mua trái phiếu riêng lẻ. Có như vậy thì khi chúng ta thắt chỗ này (không cho nhà đầu tư cá nhân trực tiếp đầu tư trái phiếu riêng lẻ), đồng thời mở chỗ kia (tăng hạn mức đầu tư của Quỹ vào trái phiếu riêng lẻ lên 20% hay 30%), thì thị trường mới vận hành thông suốt được.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi này cũng khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn để tiếp cận được với đa dạng nhà đầu tư hơn, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Hiện nay, trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm khoảng 7% toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp (còn lại là trái phiếu phát hành riêng lẻ); trong khi đó trái phiếu phát hành ra công chúng có điều kiện phát hành nghiêm ngặt hơn về cả sức khỏe của tổ chức phát hành lẫn điều kiện về công bố thông tin, việc tăng cường phát hành trái phiếu ra công chúng sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân tham gia vào các sản phẩm tài chính an toàn hơn. Việc này không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà còn giúp phát triển thị trường tài chính một cách bền vững hơn.
Phóng viên: Nếu được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp thứ 8 tới đây, các quy định mới được bổ sung trong Luật Chứng khoán sẽ có những tác động thế nào tới thị trường chứng khoán Việt Nam, thưa bà?
Bà Nguyễn Hoài Thu: Nhìn chung, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, nếu được thông qua, sẽ có những tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Các quy định mới sẽ nâng cao tính công khai, minh bạch và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư, cụ thể là định nghĩa rõ về các hành vi thao túng thị trường chứng khoán và quy định về trách nhiệm của các bên trong quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Điều này giúp tạo niềm tin và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn vào thị trường. Dự thảo Luật Chứng khoán cũng tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong phát hành và chào bán chứng khoán ra công chúng cũng như riêng lẻ.
Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về bù trừ, thanh toán chứng khoán sẽ tháo gỡ những vướng mắc hiện tại đối với việc vận hành mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Đây là một tiêu chí quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Phóng viên: Ở vị trí nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, bà có đánh giá thế nào về tính hấp dẫn dòng vốn ngoại của thị trường chứng khoán Việt Nam nếu Luật sửa đổi được thông qua?
Bà Nguyễn Hoài Thu: Việc vận hành mô hình CCP là mảnh ghép quan trọng giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho việc giao dịch và thanh toán chứng khoán theo thông lệ quốc tế. Mô hình CCP sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi cả hai tổ chức FTSE Russell và MSCI.
Việc tăng cường tính minh bạch, chất lượng công bố thông tin, siết chặt kỷ cương, có chế tài nghiêm ngặt đối với các vi phạm trên thị trường chứng khoán là những vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài rất coi trọng. Nếu các vấn đề này được cải thiện hơn nữa, niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ gia tăng.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý trong quy định về việc hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm đối với cả nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ.
Theo Luật Chứng khoán hiện tại, chỉ có nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm, còn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Quy định này sẽ làm các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tài chính, không phải là nhà đầu tư chiến lược.
Phóng viên: Trong bối cảnh đó, các quỹ mở của VinaCapital đã có sự chuẩn bị gì cho kế hoạch đầu tư sắp tới, thưa bà?
Bà Nguyễn Hoài Thu: VinaCapital luôn có chiến lược và quy trình đầu tư phù hợp cũng như tư duy quản trị rủi ro xuyên suốt. Chúng tôi có đội ngũ phân tích và đầu tư dày dạn kinh nghiệm, khả năng dự báo tốt, và có các phương án đầu tư linh hoạt trong các bối cảnh khác nhau của nền kinh tế và môi trường kinh doanh. Các cân nhắc về nhóm ngành, cùng với các tham số về định giá, khả năng tăng trưởng, chất lượng tài sản, chất lượng lợi nhuận và quản trị công ty cũng được xem xét trong việc xây dựng danh mục. Kết quả là các quỹ đầu tư của chúng tôi liên tục mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư cao hơn đáng kể so với chỉ số tham chiếu trong nhiều năm liền. Với chiến lược và quy trình đầu tư mà đang áp dụng, chúng tôi tự tin có thể duy trì kết quả đầu tư như vậy trong tương lai.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang ngày càng đẩy mạnh huy động vốn từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài cho các quỹ đầu tư do chúng tôi quản lý. Những cải thiện về các quy định pháp lý, nâng cao tính minh bạch của thị trường, và đặc biệt là triển vọng về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là các yếu tố hỗ trợ tích cực cho công ty tác huy động vốn của VinaCapital nói riêng và các quỹ đầu tư nói chung.
Phóng viên: Cảm ơn bà đã chia sẻ!