Sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân: Thực tiễn và kiến nghị
Qua ba năm thực hiện, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã dần đi vào cuộc sống, từng bước thực hiện mục tiêu ban đầu đặt ra. Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể, các chuyên gia kinh tế và nhân dân về bản dự thảo sửa đổi bổ sung Luật thuế này. Bên cạnh việc ủng hộ những điểm sửa đổi, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện Dự thảo luật.
Có thể khẳng định, Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) là luật thuế có nhiều ý kiến tham gia và có nhiều quan điểm khác nhau nhất. Trong đó, vấn đề được bàn luận và tranh cãi nhiều nhất là mức khởi điểm chịu thuế theo Pháp lệnh thuế thu nhập với người có thu nhập cao và giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế TNCN. Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNCN lần này cũng đã thu hút được sự quan tâm của công chúng, trở thành chủ đề nóng tại các diễn đàn trực tuyến, báo chí và các hội thảo liên quan. Điều này cũng dễ hiểu bởi Luật Thuế TNCN có diện điều chỉnh các thu nhập chịu thuế của các cá nhân tương đối rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, vốn, chế độ phụ cấp, trợ cấp xã hội, tiền lương - tiền công... Do vậy, khi một số chính sách sửa đổi, buộc các văn bản hướng dẫn về thuế TNCN cũng thay đổi theo. Ngoài các thông tư hướng dẫn đặc thù, trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc, nên khối lượng các thông tư hướng dẫn thực hiện Thuế TNCN lên tới con số 20, gây khó khăn cho người nộp thuế trong thực thi. Mặt khác, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong Luật Thuế TNCN tại thời điểm ban hành Luật là phù hợp nay đã bộc lộ một số hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, một số quy định còn chưa rõ ràng, minh bạch... đôi khi dẫn đến thiếu công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ thuế. Vì vậy, việc sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNCN là hoàn toàn phù hợp.
Từng là thành viên trong Ban soạn thảo từ những năm cuối của thập kỷ 80 (thời điểm dự định xây dựng Luật Thuế TNCN, nhưng chưa đủ điều kiện phải chuyển sang xây dựng Pháp lệnh Thuế thu nhập với người có thu nhập cao) cho đến lúc Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009, người viết xin bày tỏ quan điểm cá nhân đối với một số nội dung. Theo đó, ngoài 4 nội dung sửa đổi được quy định tại Dự thảo Luật, người viết đề nghị nghiên cứu xem xét toàn diện để có thể bổ sung hoặc loại trừ thêm một số nội dung sau:
Thứ nhất, thu nhập vào diện chịu thuế, không chịu thuế. Cần quy định rõ ràng hơn các khoản thu nhập chịu thuế, không chịu thuế, theo nguyên tắc phù hợp với mục tiêu của Thuế TNCN và có tính khả thi, cụ thể:
+ Nghiên cứu bổ sung thêm thu nhập vào diện chịu thuế TNCN đối với khoản thu nhập quà biếu bằng tiền, hiện vật của các doanh nghiệp (DN), tổ chức chi cho cá nhân ngoài đơn vị. Theo luật hiện hành, tiền lương, tiền công, hoa hồng môi giới, tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học... của người lao động trong và ngoài DN, ngoài cơ quan chi trả thu nhập thuộc đối tượng chịu thuế TNCN; tiền thưởng, quà biếu, tặng bằng tiền, hiện vật cho cá nhân trong DN phải chịu thuế TNCN nhưng ngoài DN, tổ chức lại không thuộc diện chịu thuế. Quy định này là chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng về thu nhập. Mặt khác, đưa thu nhập do các DN, tổ chức chi quà biếu, quà tặng vào diện chịu thuế là có khả năng quản lý thu thuế được, do tổ chức thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn trước khi chi trả thu nhập. Việc bổ sung khoản thu nhập này vào diện chịu thuế sẽ góp phần quản lý, kiểm soát thu nhập của các cá nhân, định hướng kiểm soát chi tiêu tại các DN, tổ chức theo mục tiêu của Luật Thuế TNCN.
+ Cần làm rõ thêm, minh bạch hơn các khoản thu nhập chịu thuế và không chịu thuế dựa trên nguyên tắc: Nếu chưa đưa vào thu nhập chịu thuế thì có nghĩa là không thu thuế TNCN hoặc ngược lại, không nên quy định chung chung sẽ rất khó thực hiện.
Thứ hai, về tiêu chí giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc. Tuy có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện (trên 20 thông tư), nhưng trong thực thi vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa được hiểu và áp dụng thống nhất:
+ Tiêu chí xác định số con để giảm trừ gia cảnh chưa đầy đủ, nhất quán do khi ban hành văn bản hướng dẫn, Ban soạn thảo chưa nắm bắt hết hoặc chưa lường trước được thực tế phát sinh như con ngoài giá thú được tính là người phụ thuộc nhưng con riêng của vợ, của chồng lại chưa quy định; con trên 18 tuổi đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học, đang chờ thi đại học, cao đẳng, hoặc con học lưu ban phổ thông, con đi học muộn tại các tỉnh vùng cao, vùng sâu... chưa quy định rõ ràng.
+ Tiêu chí xác định người không nơi nương tựa mà người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng...
Về nội dung tham gia dự Luật, người viết xin tập trung vào một số nội dung sau:
Sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh
Hiện nay, nội dung “nóng” được người dân quan tâm nhất và có nhiều ý kiến trái chiều, khác nhau nhất là mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc bao nhiêu là hợp lý trong bối cảnh giá cả tăng cao, tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Để giải thích một cách thấu đáo vấn đề này, cần đi ngược về thời gian xây dựng và ban hành Luật này.
Theo đó, tại thời điểm xây dựng Luật, Ban soạn thảo đưa ra 2 mức giảm trừ gia cảnh: 5.000.000 đồng và 4.000.000 đồng/tháng, sau đó Quốc hội thông qua mức 4.000.000 đồng. Mức này được căn cứ vào chính sách tiền lương, GDP trên đầu người hàng năm và mức chi tiêu của đại bộ phận dân chúng.
Ban soạn thảo đã tính yếu tố sẽ tăng tiền lương của Nhà nước cũng như mức thu nhập bình quân đầu người năm. Dự tính giai đoạn 2009 - 2010, thu nhập bình quân đạt khoảng 1.000 - 1.200 USD/năm, tương đương với 1.600.000 - 2.000.000 đồng/người/ tháng. Từ các yếu tố trên, Ban soạn thảo cho rằng mức giảm trừ cho người đóng thuế 4.000.000 đồng là đảm bảo mức thu nhập trên trung bình của xã hội vào thời điểm năm 2010. Tại thời điểm hiện nay, theo kết quả cuộc điều tra xã hội học về thu nhập và mức sống hộ dân cư năm 2010 do Tổng cục Thống kê công bố tháng 6/2011, thì thu nhập bình quân đầu người năm 2010 tính chung cho cả nước theo giá hiện hành đạt 1.387.000 đồng/người/tháng (thấp hơn cả mức dự tính 1.600.000 - 2.000.000 đồng khi xây dựng Luật), trong đó, nhóm hộ giàu cũng chỉ đạt mức bình quân 3.411.000 đồng/tháng/người.
Ngoài ra, mỗi người phụ thuộc là mức 1.600.000 đồng và không hạn chế số lượng. Mức giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế TNCN của Việt Nam được các chuyên gia của dự án JICA, EU... đánh giá là “rộng rãi” nhất thế giới.
Vậy giảm trừ gia cảnh là gì và bao nhiêu là vừa, là hợp lý với tất cả mọi người, đồng thời đảm bảo nguồn cho NSNN? Cần hiểu rằng, giảm trừ gia cảnh không phải là mức quy định cho người nộp thuế và người phụ thuộc đủ tiêu dùng, đủ sống... mà là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú để tính đến hoàn cảnh cụ thể khác nhau của người nộp thuế... Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần: với người nộp thuế và người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng. Tất cả các nước trên thế giới áp dụng Luật Thuế TNCN có quy định về mức giảm trừ gia cảnh thì đều quy định mức bằng tiền, không điều chỉnh khi giá cả biến động. Nếu so với GDP bình quân đầu người thì nhìn chung nhỏ hơn 1 lần. Tham khảo số liệu về tỷ lệ so sánh giữa mức giảm trừ gia cảnh với GDP bình quân đầu người của Malaysia là 0,312 lần; của Thái Lan là 0,526 lần; Indonesia là 0,527 lần... Ở nước ta, mức GDP bình quân đầu người năm 2011 là 1.300 USD tương đương 27.000.000 đồng, nếu tính mức giảm trừ gia cảnh hiện hành 48.000.000 đồng cho riêng cá nhân người nộp thuế thì đã gấp 1,77 lần GDP. Nếu bình quân một người nộp thuế có 2 người phụ thuộc thì mức giảm trừ gia cảnh là 86.400.000 đồng, gấp 3,2 lần GDP bình quân đầu người. Khi trình Quốc hội về mức giảm trừ gia cảnh như vậy là đã tính đến yếu tố đặc thù của Việt Nam, Luật chỉ đặt vấn đề thu thuế TNCN với người có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân của xã hội, khi nền kinh tế phát triển, mức thu nhập tăng thêm thì có thêm nhiều người nộp thuế TNCN hơn.
Xét về cơ sở lý luận, thực tiễn thì báo cáo giải trình tiếp thu khi xây dựng Luật Thuế TNCN 04/2007/QH12 trình Quốc hội là tương đối phù hợp với thực tế hiện nay và tính lịch sử tại thời điểm xây dựng Luật năm 2006 - 2007... Tuy nhiên, theo chiến lược cải cách và hiện đại hóa hệ thống Thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, trong đó có nội dung: Đối với thuế TNDN sẽ điều chỉnh giảm thuế suất theo lộ trình (từ 25% xuống 20%), đối với thuế TNCN điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp. Do vậy, việc Bộ Tài chính xây dựng đề án sửa đổi Luật Thuế TNCN là phù hợp với chiến lược cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế. Việc giảm điều tiết về thuế TNCN có thể thực hiện theo nhiều cách thức khác nhau. Chẳng hạn: Điều chỉnh biểu thuế (thuế suất và mức bằng tiền trong từng bậc); Điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh; Kết hợp mức giảm trừ với điều chỉnh biểu thuế. Dự thảo lần này Bộ Tài chính chọn phương thức hỗn hợp, kết hợp nâng mức giảm trừ gia cảnh với giảm thuế suất cao nhất. Theo đó, nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ mức 4.000.000 đồng/tháng lên 6.000.000 đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 1.600.000 đồng/tháng lên 2.400.000 đồng/tháng. Như vậy, khoảng cách mức giảm trừ gia cảnh lại càng chênh lệch hơn so với GDP bình quân đầu người của chúng ta: của bản thân người nộp thuế gấp 2,66 lần (72.000.000 đồng/27.000.000 đồng) và cho cả 2 người phụ thuộc thì gấp 4,8 lần (129.600.000 đồng/27.000.000 đồng). Mức giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là hợp lý, tại thời điểm thông qua Luật, cũng như tại thời điểm hiện nay đang rất khác nhau. Điều đáng nói là các ý kiến đồng thuận với quan điểm của Ban soạn thảo thì không được đưa tin nhiều, song các ý kiến trái chiều thì các thông tin đại chúng khai thác quá sâu. Hậu quả là người dân bị nhiễu thông tin, cho rằng mức giảm trừ không đủ sống... giá cả tăng, mức giảm trừ gia cảnh phải tăng theo. Đây là bài học cho người làm luật trong công tác tuyên truyền, làm sao để người dân hiểu đạo lý của Thuế TNCN cũng như cách xác định thu nhập chịu thuế, tính thuế. Cần khẳng định lại rằng, người nộp thuế, người phụ thuộc không phải chỉ tiêu dùng trong giới hạn của mức giảm trừ gia cảnh, mà sau khi giảm trừ gia cảnh, giảm trừ khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, đóng góp từ thiện (nếu có) thì thu nhập còn lại mới nộp thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần từ 5% đến 35% theo hiện hành và 5% đến 30% theo Dự thảo. Phần thu nhập đó nếu nộp thuế 5% thì 95% còn lại với giảm trừ gia cảnh là tổng thu nhập của người nộp thuế.
Ví dụ: Một người thu nhập 15.000.000 đồng/tháng và có 2 người phụ thuộc thì mức thuế nộp theo hiện hành và theo dự Luật sửa đổi như sau:
Theo Luật hiện hành, với số liệu ở bảng trên, thu nhập tính thuế mức 6.800.000 đồng sẽ tính thuế như sau: ở bậc 1, mức thuế suất 5% cho thu nhập 5.000.000 đồng, ở bậc 2, mức thuế xuất 10% cho thu nhập 1.800.000 đồng, tổng tiền thuế phải nộp là 430.000 đồng/tháng. Như vậy, thu nhập sau thuế để chi tiêu là 14.570.000 đồng chứ không phải chỉ được chi tiêu trong 7.200.000 đồng giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, nếu theo Dự Luật Thuế TNCN, thuế chỉ nộp ở bậc 1, thuế suất 5% cho thu nhập tính thuế 3.200.000 đồng với tiền thuế phải nộp là 160.000 đồng. Như vậy, tiền thuế sẽ giảm 270.000/đồng/tháng và thu nhập thực tế của cá nhân này sẽ là 14.840.000 đồng. Cũng theo ví dụ trên, sau khi đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc nếu theo Dự thảo, cá nhân độc thân có thu nhập 6.000.000 đồng/tháng chưa có thu nhập nộp thuế so với cá nhân có 2 người nuôi dưỡng thì mức thu nhập không tính thuế là 10.800.000 đồng/tháng là đã rất cao so với mức thu nhập bình quân chung của nước ta.
Nghị định của Chính phủ hiện quy định người phụ thuộc là người không có thu nhập, hoặc tổng các khoản thu nhập bình quân 500.000 đồng/tháng tức 6.000.000 đồng/năm. Mức này sẽ được đề cập điều chỉnh trong Nghị định, song cần có dự thảo Nghị định để biết về việc điều chỉnh mức thu nhập này là bao nhiêu. Nếu theo tỷ lệ tương ứng giảm trừ gia cảnh mà giữ như Luật hiện hành để điều chỉnh trượt giá thì mức không có thu nhập để giảm trừ gia cảnh khoảng 750.000 đồng. Về cách xác định mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc đề nghị cân nhắc thêm, nhằm khuyến khích họ kiếm thêm thu nhập.
Ví dụ: Hiện nay nếu sinh viên kiếm việc làm thêm, có thu nhập trên 500.000 đồng nhưng dưới 1.600.000 đồng/tháng thì không được giảm trừ gia cảnh, nếu không đi làm thêm thì sẽ được giảm trừ gia cảnh... Hoặc thương binh, gia đình liệt sỹ có nhận tiền trợ cấp thương tật với mức trên 500.000 đồng/tháng thì cũng không được giảm trừ gia cảnh. Quy định này thuận lợi trong quản lý thuế nhưng lại thiếu công bằng cho người nộp thuế.
Sửa đổi biểu thuế
Số liệu về quản lý thuế năm 2010 cho thấy số người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở bậc cao chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng số thuế đóng góp của họ lại rất lớn.
Ví dụ: + 1,75% tổng số người nộp thuế ở bậc 5 đóng góp số tiền thuế là 19,45% tổng số tiền thuế.
+ 0,65% tổng số người nộp thuế ở bậc 6 đóng góp số tiền thuế là 14,18% tổng số tiền thuế.
+ 0,18% tổng số người nộp thuế ở bậc 7 đóng góp số tiền thuế là 17,30% tổng số tiền thuế.
+ Có đến 73,32% tổng số người đang nộp thuế ở bậc 1 nhưng chỉ đóng góp số tiền thuế là 10,06% tổng số thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công. Căn cứ vào số liệu trên và phù hợp với mục tiêu của chiến lược cải cách thuế 2011 - 2020: Giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20%, điều chỉnh mức thuế suất thuế TNCN hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp thì việc dự thảo khuyến nghị bỏ mức thuế suất cao nhất 35% hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên, chỉ bỏ thuế suất cao, còn biểu thuế vẫn giữ như hiện hành cả về khoảng cách các bậc, mức bằng tiền là chưa thực sự đảm bảo tính công bằng, bình đẳng. Số liệu thực tiễn trên cho thấy 72,61 % tiền thuế TNCN từ tiền lương, tiền công tập trung ở bậc 2 đến bậc 6. Trong khi người nộp thuế bậc 7 được hưởng lợi kép từ việc nâng mức giảm trừ gia cảnh và bỏ thuế suất cao 35% thì số đông người đóng góp tiền thuế cho NSNN chỉ được hưởng lợi từ việc nâng mức giảm trừ gia cảnh. Việc có mức điều tiết thuế cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao vào Việt Nam làm việc, đồng thời tạo rủi ro trong trốn tránh thuế. Áp dụng mức điều tiết phù hợp sẽ góp phần tăng ý thức tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế tốt hơn...Theo quan điểm của người viết, nên kết hợp điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh, bỏ thuế suất cao với mức điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế bằng tiền trong biểu thuế. Việc điều chỉnh nâng mức bằng tiền phải vừa đảm bảo bình đẳng giữa các cá nhân có thu nhập chịu thuế, vừa không làm xáo trộn nguồn thu NSNN quá nhiều. Khi mức điều tiết giảm sẽ có yếu tố giảm thu thực tế nhưng cũng sẽ có yếu tố tăng thu do mức điều tiết hợp lý, quản lý thuế minh bạch sẽ khuyến khích nhân dân tự nguyện nộp thuế, tăng thu thêm cho NSNN. Theo đó, nếu mức giảm trừ gia cảnh nâng lên 50% thì cũng nên điều chỉnh mức bằng tiền trong các bậc thuế tăng lên tương ứng, hoặc chí ít khoảng 20%, 30% để giảm mức điều tiết của người nộp thuế ở các bậc giữa.
Nếu điều chỉnh mức bằng tiền của các bậc thuế tăng 30% và bỏ thuế suất 35% thì biểu thuế hiện hành và biểu thuế dự kiến sửa đổi như sau:
Thuế là nghĩa vụ của mọi công dân, góp phần để chung tay xây dựng đất nước. Bên cạnh mục tiêu khoan sức dân, nhân dân cũng cần quan tâm đến NSNN. Nếu thu nhập của cá nhân là dành cho chi tiêu của mỗi gia đình thì tất cả các khoản chi tiêu của đại gia đình Việt Nam đều đặt gánh nặng lên NSNN. Kinh tế càng khó khăn, lạm phát cao thì càng cần phải xử lý các vấn đề đối với bà con vùng sâu, vùng xa, những vùng gặp khó khăn... Những khoản chi lấy từ ngân sách mà Thuế TNCN là một trong số nguồn thu đó. Người nộp thuế đều có mong muốn chính đáng là được tăng mức giảm gia cảnh, bớt nộp thuế, nhưng không chỉ thế, họ mong muốn được tôn vinh khi thực hiện tốt nghĩa vụ, được bình đẳng về nghĩa vụ thuế, muốn tiền thuế của mình sử dụng đúng mục đích... hy vọng và tin tưởng rằng việc sửa Luật Thuế TNCN, cải cách hệ thống chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế sẽ đạt được nguyện vọng chính đáng của nhân dân nói chung, của người nộp thuế TNCN nói riêng.