Sửa đổi để tạo động lực thu hút các nguồn lực, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển toàn diện và tự do có trật tự
(Tài chính) Thời gian qua, môi trường kinh doanh của nước ta thường bị đánh giá ở mức thấp trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh cả trong nước và quốc tế. Nguyên nhân được cho là do những quy định, thủ tục rườm rà làm hạn chế việc gia nhập thị trường, khởi sự kinh doanh và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005 là cần thiết để tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, bình đẳng, làm động lực cho việc thu hút các nguồn lực trong nước cũng như nước ngoài và thúc đẩy các loại hình doanh nghiệp phát triển toàn diện, tự do có trật tự.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sau hơn 8 năm thi hành, Luật Doanh nghiệp năm 2005 cùng với các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, được cho là bước tiến lớn, đã tạo ra một thay đổi căn bản trong hoàn thiện khung khổ pháp luật về môi trường kinh doanh ở nước ta, góp phần thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử; thúc đẩy hoạt động huy động vốn, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp; góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội.
Tuy nhiên, Luật hiện hành đã và đang bộc lộ không ít hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn hội nhập hiện nay cũng như công tác quản lý Nhà nước về hoạt động của các loại hình doanh nghiệp. Chẳng hạn, một số quy định của Luật chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến hiểu sai và áp dụng không đồng nhất trên thực tế, tạo ra sự thiếu nhất quán và không công bằng khi áp dụng; một số điều khoản chưa hợp lý và không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu khả thi, gây cản trở và làm tăng thêm chi phí tuân thủ đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp, hoặc không đạt được mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của người góp vốn; một số điều khoản chưa thực sự tương thích với thông lệ, cam kết quốc tế mà nước ta tham gia. Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng chưa quy định các vấn đề đặc thù trong quản trị doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp xã hội. Ngoài ra, so với nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế, thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh ở nước ta hiện vẫn còn phức tạp, gây tốn kém về thời gian cũng như chi phí.
Những hạn chế của Luật hiện hành đã làm cho việc gia nhập thị trường, khởi sự kinh doanh và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp ở nước ta trở nên phức tạp, tốn kém trên mức cần thiết. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và không còn phù hợp với các quy định của Hiến pháp mới. Điều này cũng đã làm cho hoạt động quản trị doanh nghiệp, nhất là các công ty cổ phần kém linh hoạt, làm gia tăng chi phí tuân thủ và làm chậm quá trình ra quyết định của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, môi trường kinh doanh của nước ta thường bị đánh giá ở mức thấp trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
Thảo luận tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật này của Thường trực Ủy ban Kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật phải tập trung vào những quy định đang vướng mắc, những điểm hạn chế nêu trên nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng hơn cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2005 tuy đã có những quy định góp phần cải thiện đáng kể tình trạng rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh. Song, nghiên cứu năm 2013 của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ở nước ta, để bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần phải thực hiện khoảng 10 thủ tục, với tổng thời gian khoảng 34 ngày và đứng thứ 109 trên tổng số 189 quốc gia và nền kinh tế. Ngoài ra, thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh chưa hợp lý và không bảo đảm được nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.
Yêu cầu đặt ra khi nghiên cứu sửa đổi Luật Doanh nghiệp là, vừa phải điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm tính đồng bộ với các luật khác liên quan như Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán... và phải phù hợp với các cam kết quốc tế mà nước ta tham gia. Để thực hiện được yêu cầu này, có thể thấy, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số lượng hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí thành lập doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn, thu hút đầu tư là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tại phiên họp, nhiều đại biểu nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều về thành lập và đăng ký doanh nghiệp, quy định tại Chương II của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Cụ thể, quy định đơn giản hóa nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong giấy chỉ ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng loại bỏ một số yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định… Tuy nhiên Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật cần có các quy định chặt chẽ hơn trong quản lý thành lập doanh nghiệp, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thủ tục thông thoáng mà thực hiện hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, thích gì làm nấy, gây khó cho cơ quan chức năng trong quản lý các hoạt động của doanh nghiệp.
Một nội dung khác nhận được sự quan tâm của các đại biểu là quy định về doanh nghiệp xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, thời gian gần đây, số lượng các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu xã hội (hay còn được gọi là doanh nghiệp xã hội) đang ngày càng gia tăng và hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề trên cả nước. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm doanh nghiệp xã hội đang hoạt động, chủ yếu trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, đào tạo nghề, chăm sóc các nhóm người yếu thế…
Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này hiện vẫn chưa được thừa nhận về mặt pháp lý trong Luật hiện hành. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định về loại hình doanh nghiệp này tại Điều 11 của dự thảo Luật là phù hợp, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy sự phát triển của loại hình doanh nghiệp mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng như doanh nghiệp xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận định, dự thảo Luật cần có những quy định chặt chẽ và cụ thể hơn về khái niệm, điều kiện, cách thức hoạt động của doanh nghiệp xã hội; tránh tình trạng doanh nghiệp xã hội biến tướng, lợi dụng các chính sách ưu đãi đối với loại hình doanh nghiệp này.
Từ tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được của Luật Doanh nghiệp năm 2005, các tồn tại, hạn chế, bất cập đã được chỉ ra, cân nhắc đưa vào dự thảo Luật sửa đổi lần này. Xử lý thấu đáo các bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và đề xuất những quy định mới cho phù hợp với điều kiện hiện nay sẽ tạo thuận lợi cho thành lập và quản trị doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng, đủ mức hấp dẫn, có sức cạnh tranh trong khu vực. Và đây sẽ là động lực cho việc thu hút các nguồn lực trong nước cũng như nước ngoài, góp phần thúc đẩy các loại hình doanh nghiệp phát triển toàn diện, tự do có trật tự.