Sửa đổi Luật Đầu tư công đáp ứng yêu cầu của tình hình mới


Ngày 6/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng về Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng về Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng về Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Sự kiện thuộc khuôn khổ chương trình Hội thảo lấy kiến đối với: Luật Đầu tư công (sửa đổi); Bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Luật Đầu tư công năm 2019 đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm quản lý đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự chủ động, linh hoạt và năng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công.

Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng như: Đường cao tốc liên vùng, ven biển... Tạo kết quả rõ nét trong thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng.

"Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Đồng thời, một số quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành cũng cần cần nghiên cứu để thể chế hóa tại Luật", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng các hồ sơ liên quan, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo quy trình 01 kỳ họp.

Liên quan đến nội dung của Luật Đầu tư công (sửa đổi), ông Đỗ Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT thông tin về 05 nhóm chính sách sửa đổi chính gồm: (1) Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; (2) Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền;

(3) Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; (4) Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; (5) Đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT đã chủ động xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) bao hàm 29 chính sách mới, gửi lấy ý kiến các bộ, 2 cơ quan Trung ương và địa phương.

Đồng thời, sẽ tổ chức 3 hội nghị để lấy ý kiến đại diện Ủy ban nhân dân, các sở, ngành, ban quản lý dự án, ban quản lý khu kinh tế... tại các địa phương trên toàn quốc để hoàn thiện Luật.

"Việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện, trong khi tiến độ khẩn trương, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, yêu cầu về chất lượng cao nhằm khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh. 

Tại Hội thảo, đại điện các bộ, ngành, địa phương đã tích cực đóng góp ý kiến, đề xuất, kiến nghị để Bộ KH&ĐT nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong thực hiện sau khi được Quốc hội thông qua.

Theo Minh Ngọc/baochinhphu.vn