Sửa đổi quy định nguồn kinh phí tinh giản biên chế

Việt Dũng

Ngày 22/12, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 117/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2019/TT-BTC ngày 05/6/2019 hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/02/2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước (NSNN) đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đối với các đối tượng khác ngoài lao động hợp đồng, đơn vị sử dụng kinh phí tinh giản biên chế là nguồn tài chính hợp pháp theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công để chi trả cho các chế độ sau:

Thứ nhất, thực hiện trợ cấp một lần bằng 03 tháng tiền lương hiện hưởng cho các đối tượng hưởng chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng kinh phí thường xuyên từ NSNN, đối tượng hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Thứ hai, hỗ trợ nguyên tiền lương tháng hiện hưởng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề tối đa 06 tháng, trợ cấp kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa 06 tháng tiền lương hiện hưởng đối với các đối tượng tinh giản biên chế hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề quy định tại Điểm a - b, Khoản 2, Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Đối với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã, kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã, được thực hiện như sau:

Đối với các cơ quan được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan khác đang được áp dụng cơ chế đặc thù, trong trường hợp quy định về cơ chế đặc thù đã bao gồm kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế như cơ quan Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội được sử dụng từ nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện các chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP.

Đối với các cơ quan còn lại, như cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn dự toán ngân sách được giao hàng năm (ngoài phần kinh phí NSNN bố trí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế quy định tại Điểm b Khoản này) và nguồn thu của đơn vị được để lại sử dụng theo quy định (đối với đơn vị có nguồn thu) để chi trả trợ cấp một lần bằng 03 tháng tiền lương hiện hưởng. Quy định này được áp dụng cho các đối tượng hưởng chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng kinh phí thường xuyên từ NSNN theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, đối tượng hưởng chính sách thôi việc ngay theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP, đối tượng hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Đồng thời, hỗ trợ nguyên tiền lương tháng hiện hưởng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề tối đa là 06 tháng, trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 06 tháng tiền lương hiện hưởng đối với các đối tượng tinh giản biên chế hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Thông tư số 117/2021/TT-BTC cũng quy định NSNN bố trí kinh phí để thực hiện các chế độ còn lại theo nguyên tắc: Đối với đối tượng cán bộ, công chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP do Trung ương quản lý thì ngân sách trung ương đảm bảo bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là các Bộ, cơ quan trung ương).

Đối với các đối tượng cán bộ, công chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP do địa phương quản lý thì ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ theo quy định về phân cấp NSNN hiện hành và được bố trí từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương đã bố trí trong dự toán ngân sách của cơ quan, đơn vị. Các địa phương tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế vào nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương hàng năm.