Sửa luật để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Sáng 16/8, Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.
Đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho chủ sở hữu và doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, hồ sơ Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung 6 chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua, gồm 9 chương và 92 điều và đã được gửi đến các đơn vị.
Do vậy, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham gia ý kiến trực tiếp vào dự thảo luật, trong đó đặc biệt quan tâm vào vấn đề như: sắp xếp cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ quan, người đại diện sở hữu vốn; giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá tình hình quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trích lập quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng phúc lợi; phạm vi đầu tư vốn nhà nước, thẩm quyền đầu tư vốn và các quyết định dự án đầu tư của doanh nghiệp...
Ngoài ra, còn có các quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Xây dựng. Thứ trưởng cho hay, trước đây Bộ Tài chính cũng định thiết kế là 2 trong 1 để cải cách thủ tục hành chính cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, nhưng trong quá trình thảo luận nhiều ý kiến chưa đồng tình. Vì vậy, Bộ Tài chính cũng đã rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp, vận dụng tối đa để không điều chỉnh các luật khác, những nội dung nào trùng thì hợp nhất.
“Việc Bộ Tài chính xin ý kiến các đại biểu nhằm đảm bảo luật khi ban hành tạo thuận lợi cho chủ sở hữu, các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện”, Thứ trưởng Lê Tấn Cận nhấn mạnh.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
Góp ý vào dự thảo, các đại biểu, đại diện các doanh nghiệp thống nhất sự cần thiết phải xây dựng Luật để thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến vai trò, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, việc hoàn thiện thể chế còn tạo sự ổn định môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tạo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành; kế thừa, phát huy những quy định còn phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; phù hợp với thực tiễn và các cam kết, điều ước quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Đất nước và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đại diện đơn vị này cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát thuyết minh làm rõ đối tượng và chính sách liên quan đến các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp) và quy định cả chính sách về “quản trị doanh nghiệp” nhằm đảm bảo xây dựng luật, phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị xem xét điều chỉnh đối tượng áp dụng theo hướng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ…
Thực tế cho thấy, một trong những bất cập của Luật hiện hành là còn đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước là vốn tài sản của Nhà nước. Tại dự thảo tờ trình Chính phủ xác định nguyên tắc: “vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp”. Do đó, từ khía cạnh quan điểm sở hữu, vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (doanh nghiệp F1) tại các doanh nghiệp khác (doanh nghiệp F2) không được xác định là vốn nhà nước mà phải xác định là vốn của doanh nghiệp. Điều này đảm bảo tính logic giữa nguyên tắc “quản lý dòng vốn đầu tư” và với nguyên tắc “vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp”.
Cũng nêu ý kiến về nội dung này, đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Chấn Hưng cho biết, về bản chất, doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, không phải là hoạt động đầu tư vốn trực tiếp của nhà nước vào doanh nghiệp. Vì vậy, cần thống nhất về các loại hình doanh nghiệp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020; đồng thời cần nghiên cứu và xác định rõ đối tượng áp dụng để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật hiện hành.
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, Kiểm toán Nhà nước và UBND cấp tỉnh trong việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Sở Tài chính Đà Nẵng cho rằng, dự thảo chỉ nêu nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh là “Thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định mức kinh tế ngành, lĩnh vực, khu vực, vùng, địa bàn”. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh cho phù hợp.