"Sức bật" từ các Hiệp định thương mại tự do
Kim ngạch xuất khẩu (XK) trong 9 tháng đầu năm đã tăng trưởng mạnh. Có được điều này một phần do doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh
Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Việc tham gia các FTA với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, XK sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như XK sang Nhật Bản 9 tháng đầu năm tăng 10%; XK sang Hàn Quốc tăng 8,1%; XK sang ASEAN tăng 4,7%; XK sang Nga tăng 13,9%; XK sang New Zealand tăng 12,5% so với cùng kỳ...
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt khi kim ngạch XK sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này trong việc đa dạng hoá thị trường XK. Cụ thể, XK sang Canada 9 tháng đầu năm đạt 2,9 tỷ USD, tăng 30,9%; XK sang Mexico đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27%.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi CPTPP được đi vào thực thi thì về cơ bản, các mặt hàng XK của Việt Nam sang các thị trường CPTPP đều tăng trưởng khá tốt. Trong đó, chủ yếu tăng mạnh ở các mặt hàng điện thoại, linh kiện, máy móc thiết bị, thủy sản, dệt may… đều là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Về giá trị xuất khẩu thể hiện rõ việc XK sang các thị trường Việt Nam chưa có FTA ví dụ xuất khẩu sang Canada tăng khoảng 33%, XK sang Mexico cũng đạt tốt, tăng khoảng gần 24%.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong nước đang tận dụng khá tốt các FTA này, thể hiện qua con số tăng trưởng sau 9 tháng đã đạt 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (đạt 5%).
Nếu khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu lớn (gần 70%) nhưng tốc độ tăng trưởng các mặt hàng trong khu vực đầu tư nước ngoài không cao (như điện thoại, linh kiện điện thoại chỉ tăng trưởng hơn 5%). Trong khi đó khối doanh nghiệp trong nước như dệt may, da giày, đá quý, đồ gỗ… đã có sự tăng trưởng mạnh, ở mức 2 con số.
Ví dụ hàng dệt may tăng trưởng 10,4%, mặt hàng giày dép 13,5%, sản xuất nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng tới 46,4%... Đây cũng là các mặt hàng mà khối thị trường các nước ký FTA với nước ta có nhu cầu tương đối cao.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam chia sẻ, với tác động từ các FTA, dự báo, năm 2019, tổng kim ngạch XK da giày đạt 21,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018; XK da giày chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch XK của cả nước; Tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm da giày đạt 60%; XK giày dép đứng thứ 4 và túi cặp đứng thứ 10 trong TOP hàng XK chủ lực của Việt Nam.
Tiếp tục tận dụng hiệu quả các FTA
Theo dự báo, xuất khẩu những tháng cuối năm của Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng cao, bởi theo chu kỳ xuất khẩu hàng hóa thường tăng cao trong những tháng cuối năm do đây là thời kỳ cao điểm cho mua sắm tiêu dùng trong các dịp Lễ, tết.
Tuy nhiên, cả cơ quan quản lý và chuyên gia đều cảnh báo còn nhiều yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, trong đó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến khó lường với mức độ ngày càng gia tăng.
Xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như kỳ vọng do nhiều nước có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp; Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Chính vì vậy, để tận dụng hiệu quả các ưu thế từ các FTA, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải đảm bảo xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần cảnh báo, có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp chân chính tránh bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, từ đó tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng – Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Đáng mừng là hầu hết các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam đều là hàng hóa hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, do vậy, dẫu có bị ảnh hưởng ít nhiều bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì chúng ta sẽ vẫn sẽ giữ đà tăng trưởng XK, đặc biệt sang các nước có FTA. Vấn đề là làm sao để tránh việc bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa Việt Nam”.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ chú trọng kiểm soát nhập khẩu, xử lý vấn đề lẩn tránh thuế; Cảnh báo sớm nguy cơ lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ; Chủ động kiểm tra, xác minh xuất xứ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa và thông tin, cảnh báo các tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc cấp C/O đối với một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa như sắt thép, gỗ dán, xe đạp điện, lốp ô tô, nhôm, gạch men, hàng dệt may… nhằm tránh gian lận xuất xứ nhằm tận dụng các FTA.