Cam kết về thuế xuất nhập khẩu trong thực thi các FTA thế hệ mới

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2019

Mở cửa thị trường hàng hóa theo cam kết thuộc các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước (được giảm thuế nhập khẩu), nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa... Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, việc thực hiện cam kết thuế mở cửa thị trường hàng hóa cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi sức cạnh tranh còn yếu, khả năng tận dụng cơ hội còn thấp. Hơn thế, các FTA thế hệ mới cũng đòi hỏi cơ quan quản lý cần xây dựng các chính sách nội luật hóa, chính sách hỗ trợ phù hợp để việc thực thi các FTA hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đối tác EU, CPTPP

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã thực hiện hội nhập quốc tế, đổi mới cơ cấu kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, mở rộng thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu. Việt Nam đã nỗ lực hội nhập trên cả phương diện song phương và đa phương, đặc biệt là mở cửa thị trường hàng hóa đối với các đối tác thương mại lớn, có quan hệ thương mại đầu tư lớn với Việt Nam. Trải qua quá trình đàm phán, Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2018 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vào năm 2019.

 EU là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Thống kê cho thấy, thương mại giữa 2 bên tăng rất nhanh kể từ năm 2000 đến 2018, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 10 lần (từ 4,1 tỷ USD lên 41,88 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng 10 lần (từ 1,3 tỷ USD lên 13,89 tỷ USD).

Đối với các đối tác là thành viên CPTPP, tổng trị giá kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước này đạt hơn 74,43 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 15,5% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Bình quân, kim ngạch thương mại của Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đạt hơn 7,4 tỷ USD/thị trường, tương đương gần 3,5 lần mức bình quân chung cả nước.

Các cam kết về thuế nhập khẩu

Trong các FTA, cam kết về thuế xuất, nhập khẩu là nội dung quan trọng và được các bên tập trung đàm phán. Đối với các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn về mở cửa thị trường hàng hóa được đặt ra ở mức cao, gần 100% số dòng thuế và thường có chính sách đặc biệt đối với một số nhóm hàng đặc biệt nhạy cảm, với lộ trình dài hơn và áp dụng cơ chế nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

Trong EVFTA, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 99% số dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam. Các dòng thuế còn lại, 2 bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan, cắt giảm thuế quan một phần hoặc thời gian xóa bỏ thuế quan dài hơn.

Cam kết về thuế xuất nhập khẩu trong thực thi các FTA thế hệ mới - Ảnh 1

Trong CPTPP, các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của nhau ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 65-95% số dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan.

Về phần mình, trong EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 48,5% số dòng thuế (số dòng thuế có mức thuế suất cơ sở 0% là 32,8%), sau 3 năm là 58,7% số dòng thuế, sau 5 năm là 79,6% số dòng thuế, sau 7 năm là 91,8% số dòng thuế và sau 10 năm là 98,3% số dòng thuế.

Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Trên cơ sở so sánh mức độ tự do hóa của các FTA trước đây và CPTPP (Bảng 3), có thể thấy, CPTPP có mức độ, phạm vi cam kết sâu nhất, gần như toàn bộ số dòng thuế, tương đương với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Sau năm 2029 (10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực) sẽ còn một số ít các dòng hàng vẫn tiếp tục lộ trình giảm thuế trong 15-20 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Việt Nam đã có các cam kết thuế trong các FTA, trong đó với ASEAN là gần 98% số dòng thuế. Các đối tác trong các FTA khác đã cam kết trung bình 90-95% số dòng thuế và cũng đã thực hiện gần đến giai đoạn cuối cùng của lộ trình giảm thuế, do vậy việc thực hiện các cam kết về thuế trong CPTPP bắt đầu từ năm 2019 được dự báo là sẽ không có tác động đột ngột tới thu ngân sách của Việt Nam mà sẽ có sự dịch chuyển thương mại đối với một số mặt hàng. Tuy nhiên, mức độ dịch chuyển không xảy ra nhanh, do vậy thu ngân sách có tác động giảm không lớn so với mức thực hiện cam kết trong các FTA hiện nay. Năm 2019-2020, mức thuế suất bình quân của các dòng thuế trong CPTPP vẫn cao hơn một số hiệp định mà Việt Nam đã thực hiện.

Ngoài cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, Việt Nam và các nước thành viên CPTPP cam kết miễn thuế đối với những trường hợp như hàng hóa tái nhập khẩu sau khi được sửa chữa hoặc thay thế; hàng tạm nhập khẩu để sửa chữa hoặc thay thế mà không thay đổi đặc tính cơ bản của sản phẩm; hàng mẫu thương mại có giá trị không đáng kể và ấn phẩm quảng cáo; hàng tạm nhập là các thiết bị chuyên ngành…

Các cam kết về thuế xuất khẩu

Hiện trạng áp dụng thuế xuất khẩu

Việt Nam bắt đầu áp dụng thuế xuất khẩu từ năm 1989. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam vẫn được áp dụng thuế xuất khẩu và chỉ cam kết đối với nhóm hàng sắt thép, phế liệu kim loại sẽ giảm thuế sau 5 năm gia nhập WTO đến mức 17% và 22%. Như vậy, Việt Nam vẫn có quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với tất cả các mặt hàng.

Cam kết về thuế xuất nhập khẩu trong thực thi các FTA thế hệ mới - Ảnh 2

Các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết từ trước đến nay đều chưa có bất kỳ cam kết nào về thuế xuất khẩu. Thực tế trong thời gian qua, thuế xuất khẩu được áp dụng đối với một số nhóm hàng gồm: Khoáng sản (đá, cát, sỏi), quặng, nông sản (dừa, cây, cao su, da sống của động vật); gỗ, kim loại, phế liệu kim loại thường và màu; sản phẩm chế biến từ khoáng sản (oxit kim loại, kim loại). Mục tiêu của chính sách thuế xuất khẩu tại Việt Nam thời gian qua gồm: (i) Bảo vệ tài nguyên quốc gia thông qua việc hạn chế khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô; (ii) Khuyến khích công nghiệp chế biến; (iii) Động viên nguồn thu ngân sách.

Cam kết về thuế xuất khẩu trong EVFTA

Cam kết về thuế xuất nhập khẩu trong thực thi các FTA thế hệ mới - Ảnh 3

Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu với hàng xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm. Những mặt hàng quan trọng còn lại sẽ tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu và áp dụng một mức trần thuế suất thuế xuất khẩu. Chi tiết cam kết như sau:

Đối với 57 dòng được áp dụng thuế xuất khẩu: Mức trần thuế suất là 20% (riêng đối với mangan là 10%), thực hiện giảm dần hoặc giữ nguyên thuế xuất khẩu hiện hành và cắt về mức 20%-10% sau thời gian chuyển đổi. Chi tiết nhóm các mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu gồm: Nhóm khoáng sản: Cát, đá phiến, đá làm tượng đài hoặc xây dựng, đá vôi, quặng steatit; Nhóm quặng: Quặng sắt, quặng mangan, quặng đồng, quặng niken... Nhóm than đá, than non, than bùn, than cốc, dầu thô, vàng.

Đối với 546 dòng phải xóa bỏ thuế xuất khẩu: Có lộ trình xóa bỏ ngay và từ 5-15 năm, thực hiện giảm dần hoặc giữ nguyên thuế xuất khẩu hiện hành và xóa bỏ thuế xuất khẩu vào năm thứ nhất và từ 5-15 năm tương ứng. Riêng 05 dòng quặng titan và tinh quặng titan có lộ trình giảm thuế từ mức 40% về mức 30% vào năm thứ 10 và xóa bỏ thuế xuất khẩu vào năm thứ 15.

Cam kết về thuế xuất khẩu trong CPTPP

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng như: than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, hàng hóa xuất khẩu phải có chứng từ vận tải và tờ khai nhập khẩu thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước thành viên mà CPTPP đã có hiệu lực.

Cơ hội và thách thức đối với việc thực hiện cam kết thuế trong CPTPP và EU

Mở cửa thị trường hàng hóa trong các FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa (nhất là ngành được cho là có lợi thế của Việt Nam đã tận dụng được chính sách mở cửa từ các thị trường do FTA trước đây mang lại); mở rộng cơ hội cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (như một số ngành Dệt may, giày dép, thủy sản, điện tử); cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất khiến chi phí sản xuất của DN trong nước giảm. Từ đó, giá cả hàng hóa cạnh tranh hơn, thúc đẩy sản xuất để xuất khẩu; đồng thời, thúc đẩy sản xuất trong nước, sử dụng các yếu tố sản xuất có hàm lượng nội địa, dẫn tới tăng đầu tư và việc làm.

Tuy nhiên, thực hiện cam kết thuế mở cửa thị trường hàng hóa cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ khi sức cạnh tranh còn yếu, khả năng tận dụng cơ hội từ các ưu đãi FTA thấp. Không những thế, các FTA thế hệ mới có những yêu cầu, quy định mới đòi hỏi không chỉ DN mà các cơ quan quản lý cần xây dựng các chính sách nội luật hóa, tuyên truyền hiệu quả và có chính sách hỗ trợ phù hợp để việc thực thi FTA thực sự mang lại lợi ích cho DN và người dân.

Tài liệu tham khảo:

1. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, http://cptpp.moit.gov.vn/;

2. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, https://moit.gov.vn;

3. Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, http://www.trungtamwto.vn;

4. Hiệp định EVFTA và một số vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, www.mofahcm.gov.vn.