Sức ép và triển vọng của ngành Ngân hàng năm 2023
Ngân hàng là một ngành rất nhạy cảm với các biến số vĩ mô, vì vậy, triển vọng của ngành này trong năm 2023 cần phải nhìn vào một số góc độ như hoạt động kinh doanh, với sức ép về tỷ giá và lãi suất.
Theo thống kê số liệu 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, trong năm 2022, tổng giá trị vốn hóa các ngân hàng giảm 376.000 tỷ đồng, từ 1,93 triệu tỷ đồng xuống còn 1,55 triệu tỷ đồng. Chỉ có 2 ngân hàng có vốn hóa tăng lên trong năm vừa qua là Vietcombank và BIDV, với mức tăng lần lượt 1,5% và 4%.
Thực tế, ngành Ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ đi xuống của thị trường tài chính. Một cổ phiếu bất kỳ (không riêng ngân hàng) tăng hay giảm đều chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố gồm: Thị trường chung, nếu thị trường chung sụt giảm thì những ngành dẫn dắt thị trường cũng sụt giảm theo; Và yếu tố thứ hai là chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia trên thế giới làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của ngành Ngân hàng, qua đó cũng sẽ chiết khấu vào giá cổ phiếu dẫn đến giá cổ phiếu năm 2022 sụt giảm.
Về triển vọng của ngành Ngân hàng trong năm 2023, chúng ta cần phải nhìn vào một số góc độ như hoạt động kinh doanh trong năm nay với sức ép về tỷ giá, lãi suất. Ngân hàng là một ngành rất nhạy cảm với các biến số vĩ mô trên thị trường. Trong quản trị, các ngân hàng là tổ chức trung gian, phải cân đối giữa tài sản nợ với tài sản có, nghĩa là giữa một đầu huy động và một đầu cho vay. Xét ở góc độ kinh doanh như trong năm 2022, lãi suất tăng thì NIM (lợi nhuận thuần) của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó là mảng dịch vụ, do vấn đề về thanh khoản, thu nhập lãi thuần sụt giảm, ngân hàng có thể phải hi sinh phần phí dịch vụ của mình. Chúng ta đã thấy điều này vào đầu năm 2022, một số ngân hàng đã tăng phí dịch vụ nhưng sau đó cũng phải giảm phí để hút một lượng tiền về. Năm 2023, diễn biến này có thể sẽ tiếp tục.
Ngoài ra còn có mảng đầu tư, lớn nhất là trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên thị trường trái phiếu đã bị ảnh hưởng, nên xét về triển vọng kết quả kinh doanh thuận lợi thì quý I-II/2023 sẽ không thể so với cùng kỳ năm 2022. Đâu đó các kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Một điểm đáng chú ý là cả một năm 2022, rất nhiều ngân hàng đã gặp vấn đề về hiệu quả hoạt động, chỉ có một số ít ngân hàng vẫn công bố con số lợi nhuận tốt như Vietcombank, VietinBank hay một số ngân hàng lớn. Như vậy, tính phân hóa trong năm 2023 của các ngân hàng sẽ lớn, những ngân hàng nào quản trị rủi ro tốt, khẩu vị rủi ro phù hợp với định hướng thị trường ở mức thận trọng sẽ tiếp tục giữ vững hiệu quả hoạt động; còn ngân hàng nào hướng đến những hoạt động rủi ro cao sẽ phải chịu tác động lớn khi thị trường tài chính nói chung chưa có sự phục hồi mạnh mẽ.
Thêm một vấn đề cần quan tâm nữa là hiện Ngân hàng Nhà nước phải siết chặt quản lý vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng thương mại, do khi ngân hàng huy động vốn phần lớn là huy động ngắn hạn, nhưng cho vay thì có nhiều khoản vay trung và dài hạn. Nếu không kiểm soát “khe hở” kỳ hạn này có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản của ngân hàng rất cao, tạo ra cuộc đua lãi suất huy động tại các ngân hàng để hút tiền gửi. Điều này khiến NIM mỏng đi ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.
Mặc dù năm 2023 được các chuyên gia, tổ chức dự báo có nhiều thách thức, nhưng giới đầu tư cũng không nên kỳ vọng điều gì quá tệ về kinh tế toàn cầu, ngay cả khi mới đây Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn bày tỏ thái độ “diều hâu” về việc tiếp tục tăng lãi suất. Song, mọi người vẫn hy vọng đâu đó sẽ có sự điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất để nền kinh tế có thể “hạ cánh mềm”.
Tại Việt Nam, lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều vào lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Trong năm 2022, cơ quan này đã hai lần tăng lãi suất điều hành nhưng năm nay, tôi không nghĩ đến khả năng đó xảy ra ít nhất là trong 6 tháng đầu năm, thậm chí sẽ còn có những biện pháp để giảm lãi suất huy động và từ đó giảm lãi suất cho vay; trừ khi bên ngoài có tác động rất lớn, có những biến cố dẫn đến lạm phát lớn hoặc Fed và các ngân hàng trung ương tiếp tục “diều hâu” để tăng lãi suất mạnh mẽ.
Riêng với vấn đề nợ xấu của ngân hàng, lĩnh vực đáng lưu ý là bất động sản. Hiện tại các doanh nghiệp phát triển bất động sản đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về thanh khoản khi không có tiền để hoàn thiện các dự án, các vấn đề về pháp lý cũng như đầu ra của thị trường trong 6 tháng đến một năm tới chưa có dấu hiệu tích cực. Đây là giai đoạn tích lũy của thị trường và cần có sự ổn định về vĩ mô để ngành bất động sản ổn định trở lại.
Ngành bất động sản cũng có dư nợ cho vay khá lớn, cùng với đó là dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mà ngân hàng nắm giữ một lượng đáng kể. Đây cũng là một rủi ro, nhưng mức độ rủi ro và tác động đến thị trường đến đâu còn chờ tháng 1/2023 này, có khoảng hơn 17.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn. Đồng thời khả năng huy động vốn hay các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường diễn ra như thế nào, khi đó mới có thể nhận định liệu có những rủi ro lớn nào có thể xảy ra.