Sức hấp thụ vốn còn chậm
Các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế những tháng cuối năm. Thực tế, gần đây không chỉ hy sinh lợi nhuận mà các ngân hàng còn giảm lãi các khoản vay cũ và mới cho khách hàng để kích cầu tín dụng. Dù dự báo tín dụng sẽ hồi phục trong ba tháng cuối năm, với mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) cả năm dự kiến đạt khoảng 12%, song thực tế, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN), người dân còn rất chậm.
Dự kiến tín dụng sẽ hồi phục
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, TTTD đến cuối tháng 9/2021 đạt 7,17%, cao hơn mức 4,99% cùng kỳ năm 2020. Trước đó, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đến ngày 31/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so cuối năm 2020.
Đề cập vấn đề này, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, TTTD tháng 8 chậm lại và tháng 9/2021 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội. NHNN dự kiến tín dụng sẽ hồi phục trong ba tháng cuối năm, với mức TTTD cả năm dự kiến đạt khoảng 12%.
Theo lý giải của ông Nguyễn Tuấn Anh, mục tiêu tín dụng năm nay là 12%, nhưng linh hoạt, nếu cần thiết vẫn có thể mở để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp (DN). ngân hàng không hề siết chặt, mà còn mong muốn DN được vay vốn thuận lợi. NHNN có thể tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. NHNN cũng tiếp tục theo dõi diễn biến lãi suất của thị trường và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cân đối, xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ DN, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo đại diện một NHTM, sau khi NHNN ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN, ngân hàng này đã đẩy mạnh cơ cấu, khách hàng DN chủ yếu xin giãn nợ vì không có tiền trả nợ vay do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một số DN có khả năng từ nguồn tích lũy cũng đang “gồng mình” trả lãi vay, còn nợ gốc thì… xin giãn đến năm sau. Thực tế, với những khách hàng này, ngân hàng cũng phải xem xét kỹ trước khi cho vay, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu tăng.
Trong khi nguồn tài chính được ví ngân hàngư “oxy giúp DN tái phục hồi sau dịch”, song để giải ngân vốn, ngân hàng yêu cầu DN có lịch sử tín dụng tốt, có dự án tốt, có tài sản bảo đảm và phải là khách hàng lâu năm. Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Văn Việt chia sẻ, phần lớn DN không thể tiếp cận các gói hỗ trợ lãi suất. Thực tế cho thấy, đang tồn tại một nghịch lý: DN “khát” vốn, ngân hàng “thừa tiền”, nhưng không dễ giải ngân. Đây cũng chính là lý do khiến tín dụng khó tăng cao.
Còn theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2021 của NHNN với toàn bộ các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dư nợ tín dụng của hệ thống được các TCTD dự báo tăng 4% trong quý IV/2021 và tăng 12,3% trong năm 2021, thấp hơn mức dự báo trước là tăng 13,1% tại kỳ điều tra trước.
Tuy vậy, theo vị đại diện NHTM kể trên, để có thể thu hồi được nợ, ngân hàng buộc phải tính đến phương án “nuôi” con nợ, nên ngay từ khi đại dịch xảy ra, các ngân hàng dự đoán được tình hình sẽ khó khăn cho khách hàng của mình và đã chủ động giảm lãi vay, với mức giảm 1-1,5%/năm. Đồng thời, ngân hàng xem xét khách hàng đáp ứng được điều kiện tín dụng sẽ cấp thêm vốn. Vì thế, cầu vốn của khách hàng tuy chưa tăng cao, song được kỳ vọng tăng trở lại trong quý IV/2021.
Gia tăng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Mới đây, NHNN đã có Văn bản 6561/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài rà soát và nâng cao chất lượng tín dụng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) và khả năng trả nợ của khách hàng đang vay vốn ngân hàng.
Theo đó, các TCTD phải thường xuyên rà soát đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng. Đặc biệt, các khách hàng có dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản lớn, khách hàng cá nhân có dư nợ cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng lớn, khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19... Từ đó, có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế rủi ro phát sinh.
Theo đánh giá của giới phân tích, yêu cầu này của NHNN là cần thiết trong bối cảnh rủi ro nợ xấu đang có xu hướng giá tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV của các TCTD cũng cho thấy, theo nhận định của các TCTD, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục chiều hướng tăng rõ rệt do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt của nền kinh tế và hoạt động SXKD. Tín dụng chững lại trong quý III/2021, nhưng nhờ môi trường lãi suất cho vay giảm thấp trong khi quyết tâm phục hồi SXKD được đẩy lên cao nên nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối quý IV/2021.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, TS. Cấn Văn Lực nhận định, dù kinh tế phục hồi, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn trong thời gian tới, sức hấp thụ vốn của DN còn chậm, vì thế tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận NH có nguy cơ giảm, do NH phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Theo tôi, tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10-15% là phù hợp.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh, để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế từ nay đến hết năm 2021 và đầu năm 2022, NHNN sẽ điều hành TTTD hợp lý, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu. Gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được ngành Ngân hàng “bơm” ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, DN. Lãi suất dự kiến 3 - 4%/năm. ngành Ngân hàng đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân và DN. Cơ quan quản lý sẽ tăng thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng.