Suy thoái kinh tế: Sau châu Âu, Mỹ đến châu Á?

Theo Vietnamnet

Việc EU rơi trở lại suy thoái không chỉ tác động tiêu cực tới kinh tế Mỹ mà cả kinh tế châu Á cũng như thế giới. Không một nơi nào được cho là miễn dịch với một “thế giới phẳng”, một nền kinh tế thế giới mở như hiện nay.


EU suy thoái lần 2

Lần thứ 2 trong 4 năm (kể từ 2009), kinh tế khu vực EU đã trở lại suy thoái khi các chính phủ thắt chặt chi tiêu nhằm giảm thâm hụt và các lãnh đạo đang vật lộn với cuộc chiến nợ công bùng nổ vào tháng 10/2009.

Hôm 15/11, cơ quan thống kê của EU cho biết, tăng trưởng kinh tế (GDP) của 17 thành viên EU giảm 0,1% trong quý III/2012, sau khi giảm 0,2% trong quý II/2012. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của khủng khoảng nợ công.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực EU, GDP chỉ tăng 0,2% trong quý III/2012, so với 0,3% trong quý II/2012. Kinh tế Pháp tăng 0,2% sau khi giảm 0,1% trong quý trước đó, Ý và Tây Ban Nha đều giảm 0,2% và 0,3% tương ứng. Nếu tính chung cả 27 nước EU thì kinh tế chỉ tăng 0,1%.

Với Hy Lạp thì tình hình kinh tế rất tệ hại khi giảm quý thứ 17 liên tiếp (kể từ 2008) còn Bồ Đào Nha thì đã 2 năm chìm trong suy thoái.

Trước tình hình vô cùng xấu, Ủy ban châu Âu chỉ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực EU là 0,1% trong năm 2013, so với dự báo 1% trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực này hiện vẫn cao kỷ lục 11,2% và nhiều chuyên gia kinh tế dự báo suy thoái kinh tế EU vẫn sẽ tiếp tục, ít nhất là hết năm 2012 khi kinh tế Đức và Pháp sẽ chính thức “dính đòn” suy thoái.

Tin xấu đối với kinh tế Mỹ

Việc kinh tế khu vực EU rơi trở lại suy thoái thực sự là tin xấu với nước Mỹ, vốn đang phải vật lộn với vấn đề “vực thẳm tài khóa (fiscal cliff), điều được dự báo sẽ “tiêu tốn” 4% tăng trưởng của nước Mỹ trong năm 2013.

Theo dự báo, suy thoái kinh tế EU sẽ ảnh hưởng mạnh tới tiêu dùng tại Mỹ và các công ty Mỹ. “Suy thoái kinh tế EU đang “gặm nhấm” các nền kinh tế khác, trong đó có Mỹ,” Martin Van Vliet, một nhà phân tích tại ING nói.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ. Nhiều công ty Mỹ đang công bố lợi nhuận suy giảm khi doanh số bán hàng tới EU giảm. Rất nhiều chi nhánh công ty Mỹ tại EU đã cắt giảm nhân công và điều này sẽ tác động tới công ty chính ở Mỹ.

Các nhà kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ hiện đang “biệt lập” ra khỏi kinh tế thế giới, tức là không chịu tác động bởi những yếu tố gây ra suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khi mà ít người nước ngoài mua hàng Mỹ hơn, rất khó để nói rằng sự “biệt lập” này sẽ kéo dài bao lâu.

Trong khi đó, nước Mỹ đang đối mặt với vấn đề “vực thẳm tài khóa”, một thỏa hiệp ngân sách có hiệu lực từ 1/1/2013. Qua đó, thuế thu nhập người lao động sẽ tự động tăng 2% và chính phủ Mỹ sẽ phải cắt giảm ngân sách, điều sẽ ảnh hưởng tới hơn 1.000 chương trình chính phủ.

Theo các nhà kinh tế, nếu thỏa hiệp này diễn ra như kế hoạch, kinh tế Mỹ sẽ chắc chắn rơi vào suy thoái đầu năm 2013 vì việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu chính phủ sẽ "tiêu tốn" sạch 4% tăng trưởng GDP của Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2013, trong khi dự kiến GDP Mỹ chỉ tăng 2% năm 2013.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết năm 2013 họ sẽ kiểm tra các ngân hàng lớn Mỹ về khả năng “sống sót” trước khả năng suy thoái kinh tế Mỹ nghiêm trọng và suy giảm toàn cầu, việc các ngân hàng này sẽ “chống chọi” với suy thoái ở châu Âu, Nhật và suy giảm kinh tế mạnh ở châu Á, bao gồm cả Trung Quốc.

Rõ ràng khả năng rơi trở lại suy thoái kinh tế của nước Mỹ vẫn chưa được loại trừ.

Tiếp theo là châu Á?

Việc EU rơi trở lại suy thoái không chỉ tác động tiêu cực tới kinh tế Mỹ và cả kinh tế châu Á cũng như thế giới. Không một nơi nào được cho là miễn dịch với một “thế giới phẳng”, một nền kinh tế thế giới mở như hiện nay.

Sau khi đã hứng chịu những khó khăn từ EU, suy giảm ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới Nhật Bản cũng đang đối mặt với rủi ro bị suy thoái kinh tế sau khi kinh tế nước này giảm 3,5% trong quý III/2012, mức suy giảm mạnh nhất kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011.

Nếu tiếp tục suy giảm trong quý IV/2012 thì kinh tế Nhật sẽ chính thức suy thoái như EU và theo các nhà kinh tế, điều này là khó tránh khỏi khi EU và Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chủ yếu của Nhật Bản.

“Dựa vào những số liệu kinh tế, có khả năng thực tế rằng kinh tế Nhật Bản đang ở trong giai đoạn suy thoái,” Seiji Maehara, Bộ trưởng Kinh tế và Tài khóa của Nhật, nói.

Nếu rơi trở lại suy thoái, đây sẽ là đợt suy thoái thứ 3 của Nhật Bản kể từ năm 2008.

“Không có bất cứ nơi nào tránh khỏi khi suy thoái kinh tế tại EU và nhiều nền kinh tế phát triển khác, và những bất ổn về “vực thẳm tài khóa” Mỹ sẽ tiếp tục lan tới châu Á. Mọi thứ đang phụ thuộc vào các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và EU”, Bà Christine Lagarde, giám đốc điều hành IMF, nói.