Tác động bất đối xứng của biến động giá dầu đến lạm phát tại Việt Nam

Phạm Dương Phương Thảo - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Bài viết phân tích tác động của giá dầu đến lạm phát của Việt Nam trong giai đoạn từ quý I/2009 – quý III/2022. Dựa vào khuôn khổ đường cong Phillips mở rộng, nghiên cứu sử dụng đồng thời mô hình hồi quy tự phân phối độ trễ tuyến tính (ARDL) và mô hình hồi quy tự phân phối độ trễ phi tuyến (NARDL) để nghiên cứu hiệu ứng truyền dẫn của giá dầu thô đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, tác động của biến động giá dầu thô đến chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam là bất đối xứng trong cả ngắn hạn và dài hạn; tác động của tình trạng giá dầu thô tăng đến chỉ số giá tiêu dùng là lớn hơn so với tác động của tình trạng giá dầu thô giảm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Sự biến động của giá dầu luôn là mối bận tâm của các nhà hoạch định chính sách. Giá dầu tăng mạnh có liên quan đến lạm phát cao và là mối đe dọa đối với tính ổn định kinh tế. Nhiều nghiên cứu phát hiện rằng, hầu hết các cuộc suy thoái kinh tế có thể được giải thích bằng sự gia tăng mạnh mẽ của giá dầu. Các thay đổi của giá dầu được truyền dẫn tới mức giá thông qua hiệu ứng vòng một (first–round effect) và vòng hai (second–round effect). Sự truyền dẫn vòng đầu tiên được nắm bắt trong quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ có thành phần dầu mỏ; trong khi hiệu ứng vòng hai được nắm bắt trong kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng, vốn phụ thuộc rất nhiều vào độ tin cậy của chính sách tiền tệ và tính linh hoạt của thị trường lao động (Misati và cộng sự, 2013). Từ góc độ chính sách, các nghiên cứu có những động cơ thuyết phục để phân tích mối quan hệ giữa giá dầu và lạm phát. Do đó, bài nghiên cứu này sẽ cung cấp bằng chứng thực nghiệm về tác động bất đối xứng của biến động giá dầu đến lạm phát tại Việt Nam, sử dụng cách tiếp cận tự hồi quy phân phối trễ phi tuyến (NARDL) do Shin và cộng sự (2014) đề xuất.

Tổng quan cơ sở lý thuyết

Quan điểm lý thuyết cơ bản về tác động của giá dầu đến lạm phát

Thay đổi giá dầu có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thông qua 3 kênh truyền dẫn chính: Kênh thứ nhất thông qua phía cung (kênh chi phí đầu vào); Kênh thứ hai, thông qua phía cầu (kênh dịch chuyển thu nhập thực); Cuối cùng, giá dầu có thể ảnh hưởng đến giá cả trong nước thông qua các kênh chính sách tài chính và tiền tệ (LeBlanc và Chinn, 2004).

Giá dầu tăng có thể dẫn đến lạm phát cao hơn thông qua các tác động trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, giá dầu tăng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả trong nước thông qua việc truyền dẫn vào giá của các sản phẩm năng lượng tinh lọc, là cấu thành của chỉ số giá tiêu dùng. Hiệu ứng gián tiếp truyền dẫn từ giá sản xuất cao sang giá tiêu dùng cuối cùng, do giá năng lượng cao hơn (chi phí sản xuất). Cuối cùng, giá dầu cao có thể chuyển thành hiệu ứng vòng hai và vòng xoáy lương – giá cả, thông qua kỳ vọng lạm phát cao hơn và kéo tiền lương cao hơn do kết quả từ hiệu ứng vòng một (hiệu ứng trực tiếp và gián tiếp). Tất cả những điều này có thể dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao hơn.

Sự phụ thuộc vào dầu mỏ cũng có thể quyết định tác động của thay đổi giá dầu đến nền kinh tế. Filis và Chatziantoniou (2014) phát hiện hiệu ứng truyền dẫn của giá dầu có thể dẫn đến các kết quả khác nhau ở các quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu dầu. Giá dầu tăng có thể dẫn đến thu nhập thực cao, sản lượng và việc làm nhiều hơn và giá cả trong nước cao hơn ở các quốc gia xuất khẩu dầu. Ngược lại, giá dầu cao có thể dẫn đến thu nhập thực và sản lượng thấp hơn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, và giá cả trong nước cao hơn ở các quốc gia nhập khẩu dầu. Do đó, các quốc gia xuất khẩu dầu có thể nhận được phúc lợi tốt hơn và lợi ích cao hơn nhờ giá dầu tăng, trong khi các quốc gia nhập khẩu dầu có thể chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá dầu (Sek, 2017).

Hiệu ứng đối xứng và bất đối xứng trong truyền dẫn giá dầu

Herrera và cộng sự (2015) thảo luận tác động của giá dầu có thể đối xứng hoặc bất đối xứng. Tác động đối xứng được truyền dẫn qua hiệu ứng trực tiếp (từ phía cung và cầu). Ở các nền kinh tế nhập khẩu dầu, cung hàng hóa sử dụng dầu làm đầu vào là đối xứng vì độ co giãn sản lượng (output elasticity) đối với các thay đổi trong tiêu thụ dầu bị hạn chế bởi tỷ lệ chi tiêu năng lượng trong tổng sản lượng. Tuy nhiên, tác động của việc tăng giá dầu ở các nền kinh tế xuất khẩu dầu được truyền dẫn qua cung trực tiếp. Mặc dù hiệu ứng này là đối xứng, nhưng dấu (sign) của hiệu ứng có thể phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm: Tầm quan trọng của ngành dầu mỏ trong tổng GDP; Độ dài trễ trong phản ứng sản xuất dầu; Hiệu ứng lan tỏa năng suất giữa ngành dầu mỏ và phi dầu mỏ. Mặt khác, kênh phía cầu hoạt động thông qua việc chuyển thu nhập từ các quốc gia xuất khẩu dầu sang các quốc gia nhập khẩu dầu khi giá dầu tăng, dẫn đến thay đổi sức mua của người tiêu dùng. Hiệu ứng như vậy là đối xứng và bị hạn chế bởi tỷ lệ chi tiêu năng lượng trong tổng chi tiêu (Sek, 2017). Trong khi đó, hiệu ứng bất đối xứng của giá dầu xảy ra thông qua các kênh gián tiếp. Hiệu ứng này giúp khuếch đại tác động của cú sốc giá dầu. Các kênh gián tiếp bao gồm: tái phân bổ ngành (sectoral reallocation), tiết kiệm phòng ngừa (precautionary saving), phản ứng chính sách tiền tệ và những rủi ro biến động.

Mô hình nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả điều tra tác động của giá dầu toàn cầu đến mức giá của nền kinh tế Việt Nam trong khuôn khổ đường cong Phillips mở rộng. Kế thừa từ nghiên cứu của Fasanya và cộng sự (2018), mô hình đường cong Phil mở rộng tổng quát với chi phí dầu có thể được viết như sau:

πt=β(L)πt-i+γ(L)UGt+(L)optt (1)

Trong đó, πt≡∆pt=pt-pt-1 ký hiệu lạm phát, với p là logarite chỉ số CPI (hoặc các chỉ số giá khác); UG là chênh lệch giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên; op đại diện logarite giá dầu thô toàn cầu; L là toán tử trễ (lag operator); và ε là số hạng sai số iid. Theo định luật Okun, UG có thể được thay thế bằng lỗ hổng sản lượng (output gap), vì vậy, phương trình (1) có thể được biểu diễn như sau:

πt=β(L) πt-i+γ(L)(yt-y t) +(L)optt (2)

Trong đó, y và y ̃ ký hiệu sản lượng thực tế và tiềm năng, do đó, (yt-y ̃t ) là lỗ hổng sản lượng. Ngoài ra, y là logarite của sản lượng (GDP) và y ̃ là xu hướng của y thu được từ bộ lọc Hodrick–Prescott. Do lạm phát (πt) có thể được thay thế bằng (pt-pt-1)); do đó, phương trình (2) có thể được viết lại như sau:

pt=β'(L) pt-i+γ(L) (yt-y t) +(L)optt (3)

Với cách thiết lập mô hình này, tác giả có thể nắm bắt mối quan hệ cân bằng dài hạn giữa các biến số, gồm mức giá (pt), lỗ hổng sản lượng (yt-y ̃t) và giá dầu (opt). Tuy nhiên, tác giả dựa vào các nghiên cứu gần đây như Alimi và cộng sự (2020) khi đề cập vai trò giải thích lạm phát của tỷ giá hối đoái (ert); như vậy, mô hình dài hạn nắm bắt các yếu tố ảnh hưởng mức giá cả của nền kinh tế Việt Nam (pt), gồm giá dầu (opt), lỗ hổng sản lượng (gapt=yt-y ̃t) và tỷ giá hối đoái (ert), có dạng sau đây:

pt=α+β1 opt2 gapt3 ertt (4)

Như đã đề cập ở phần trên, có 3 kênh truyền dẫn thông qua đó, giá dầu ảnh hưởng đến nền kinh tế. Việt Nam là quốc gia vừa xuất khẩu dầu thô nhưng cũng nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế, do đó, thay đổi giá dầu có thể tác động khác nhau đến nền kinh tế trong nước. Tổng quan từ các phát hiện thực nghiệm gần đây, tác giả kỳ vọng hệ số dài hạn của biến giá dầu mang dấu dương (β1>0).

Phương trình hồi quy có dạng: pt=α+β1opt2 gapt3 ertt

Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Bảng 1: Mô tả các biến nghiên cứu

Biến số

Cách xác định

Kỳ vọng

Nguồn dữ liệu

Mức giá cả (p)

Logarite (Chỉ số giá tiêu dùng)

 

IFS

Giá dầu (op)

Logarite (Giá dầu thô Brent giao ngay)

β_1 > 0

EIA

Lỗ hổng sản lượng (gap)

Logarite (GDP thực tế/GDP tiềm năng)

β_2 > 0

GSO

Tỷ giá hối đoái (er)

Logarite (Tỷ giá hối đoái VND/USD)

β_3 > 0

IFS

Ghi chú: IFS là Thống kê Tài chính Quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế; EIA là Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng; GSO là Tổng cục Thống kê của Việt Nam.

Nguồn Tổng hợp của tác giả của Philips

Tác giả sử dụng dữ liệu hàng quý của Việt Nam gồm: tổng sản phẩm quốc nội (GDP) (tính bằng nội tệ), giá dầu thô Brent giao ngay (đơn vị USD/thùng), tỷ giá hối đoái danh nghĩa song phương giữa Việt Nam và Mỹ (đơn vị VND/USD), và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) làm thước đo tỷ lệ lạm phát. Dữ liệu tài chính được thu thập từ các nguồn Tổng cục Thống kê (GSO), Thống kê Tài chính Quốc tế (IFS) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA). Tất cả dữ liệu được điều chỉnh theo mùa và chuyển sang dạng logarite. Giá trị của lỗ hổng sản lượng được tính bằng logarite tỷ số của sản lượng thực tế và tiềm năng. Tác giả dùng bộ lọc Hodrick–Prescott (HP) (Hodrick và Prescott, 1981) để ước tính sản lượng tiềm năng bằng cách loại bỏ yếu tố có tính chu kỳ và tách các yếu tố có tính xu hướng. Sau đó dựa trên chuỗi dữ liệu thực tế, tác giả ước lượng chuỗi dữ liệu xu hướng và xem đây là sản lượng tiềm năng của nền kinh tế. Tham số độ mịn (ký hiệu là λ) trong bộ lọc HP có giá trị là 1.600; đây là cách tiếp cận phổ biến khi áp dụng cho dữ liệu hàng quý (Flashel và cộng sự, 2008). Mẫu dữ liệu trong nghiên cứu này gồm 55 quan sát trải dài trong giai đoạn quý I/2009–quý III/2022.

Trong nghiên cứu này, tác giả áp dụng mô hình NARDL để phân tích hiệu ứng truyền dẫn bất đối xứng của giá dầu đến lạm phát, và thu được cả tổng từng phần dương (∆opt+) và âm (∆opt-) bằng cách phân tách chuỗi giá dầu (op_t) theo công thức sau:

Trong đó, opt+ và opt- là quá trình tổng từng phần của các thay đổi dương (tăng giá) và âm (giảm giá) trong chuỗi giá dầu (opt). Sau đó, tác giả đưa các chuỗi thay đổi dương và âm vào mô hình ARDL đối xứng và thu được mô hình ARDL phi tuyến.

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả các biến nghiên cứu được trình bày trong Bảng 2.

Bảng 2: Thống kê mô tả các biến nghiên cứu

Biến số

Trung bình

Trung vị

Lớn nhất

Nhỏ nhất

Độ lệch chuẩn

p

2,1472

2,1616

2,2517

1,9528

0,0839

op

1,8558

1,8661

2,0736

1,4675

0,1559

gap

–2,47e–4

–1,91e–3

0,0879

–0,0799

0,0276

er

4,3291

4,3401

4,3663

4,2289

0,0379

Ghi chú: p là mức giá cả; op là giá dầu; gap là lỗ hổng sản lượng; và er là tỷ giá hối đoái.

Nguồn: Tính toán của tác giả.

Bảng 3: Kết quả Kiểm định nghiệm đơn vị truyền thống

Biến số

ADF

PP

DF–GLS

Lev

Diff

Lev

Diff

Lev

Diff

p

–4,7420***

–3,3235**

–3,6548***

–3,3530**

–0,0242

–3,1850***

op

–1,8482

–6,6071***

–2,1174

–6,5997***

–1,2692

–2,7839***

gap

–5,1407***

–7,5041***

–5,1072***

–19,105***

–4,9888***

–7,4752***

er

–4,2832***

–4,2261***

–3,9624***

–4,2270***

–0,1367

–3,9525***

Ghi chú: p là mức giá cả; op là giá dầu; gap là lỗ hổng sản lượng; và er là tỷ giá hối đoái. Lev và Diff tương ứng ký hiệu kiểm định tại bậc gốc và sai phân bậc nhất. *, ** và *** tương ứng mức ý nghĩa 10%, 5% và 1%.

Nguồn: Tính toán của tác giả

Kiểm định nghiệm đơn vị truyền thông. Bảng 3 cho thấy, sau khi lấy sai phân, toàn bộ các kiểm định nghiệm đơn vị đều xác nhận chuỗi mức giá cả (p) dừng. Như vậy, chuỗi mức giá cả thể hiện ranh giới I(0)/I(1). Mẫu hình tương tự cũng được tìm thấy ở chuỗi tỷ giá hối đoái (er), khi kiểm định ADF và PP xác nhận chuỗi dừng tại bậc gốc, tức I(0); trong khi kiểm định DF–GLS xác nhận chuỗi tỷ giá hối đoái tuân theo quá trình I(1). Ngoài ra, đối với chuỗi giá dầu (op), các kiểm định tính dừng truyền thống đồng loạt xác nhận chuỗi là I(1). Đối với chuỗi lỗ hổng sản lượng (gap), toàn bộ các kiểm định ADF, PP và DF–GLS đều xác nhận chuỗi dữ liệu tuân theo quá trình I(0). Do đó, chuỗi dữ liệu chứa nghiệm đơn vị tại bậc gốc đều bị bác bỏ tại mức ý nghĩa 1%.

Bảng 4: Kiểm định nghiệm đơn vị ZA

 

Bậc gốc

Sai phân bậc nhất

 

t–stat

Điểm gãy

t–stat

Điểm gãy

p

–3,6595

Quý II/2011

–5,5925***

Quý IV/2011

op

–4,2359

Quý IV/2014

–7,2606***

Quý II/2016

gap

–5,4813***

Quý I/2015

–7,5902***

Quý I/2014

er

–3,9969

Quý III/2020

–6,5145***

Quý I/2012

Ghi chú: p là mức giá cả; op là giá dầu; gap là lỗ hổng sản lượng; er là tỷ giá hối đoái. *, ** và *** tương ứng mức ý nghĩa 10%, 5% và 1%. Giá trị tới hạn của kiểm định ZA tại các mức ý nghĩa 10%, 5% và 1% lần lượt là –4,58, –4,93 và –5,34.Nguồn: Tính toán của tác giả

Tuy nhiên, các kiểm định nghiệm đơn vị ADF và PP truyền thống không tính đến điểm gãy cấu trúc xảy ra trong chuỗi thời gian. Trong giai đoạn nghiên cứu quý I/2009–quý III/2022, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến nhiều sự kiện trong nước và quốc tế nổi bật có thể làm phát sinh các điểm gãy cấu trúc trong các chuỗi kinh tế vĩ mô, chẳng hạn lạm phát trong nước đạt đỉnh trong năm 2011, giá dầu thế giới giảm mạnh, dịch bệnh COVID–19 bùng phát trong năm 2020, chiến tranh thương mại Mỹ–Trung trong năm 2018 hoặc xung đột Nga–Ukraine trong năm 2022... Sự tồn tại của các điểm gãy cấu trúc trong chuỗi thời gian làm giảm độ tin cậy trong kết quả của các kiểm định truyền thống. Do đó, tác giả thực hiện thêm kiểm định nghiệm đơn vị Zivot và Andrews (ký hiệu là ZA), cho phép sự tồn tại 1 điểm gãy cấu trúc nội sinh duy nhất. Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị ZA được trình bày tại Bảng 4 cho thấy, chuỗi dữ liệu có nghiệm đơn vị tại bậc gốc với điểm gãy cấu trúc bị bác bỏ duy nhất tại mức ý nghĩa 1% đối với chuỗi lỗ hổng sản lượng (gap). Do đó, chuỗi lỗ hổng sản lượng thể hiện quá trình I(0), tương tự kết luận từ các kiểm định tính dừng truyền thống.

Mặt khác, sau khi lấy sai phân, toàn bộ giá trị thống kê t đều lớn hơn giá trị tới hạn tại mức ý nghĩa 1% (là –5,34); do đó, giả thuyết không của chuỗi dữ liệu có nghiệm đơn vị tại sai phân bậc nhất với điểm gãy cấu trúc đều bị bác bỏ tại mức ý nghĩa 1%. Có thể kết luận các biến số còn lại đều là I(1). Tóm lại, các chuỗi dữ liệu dừng tối đa tại bậc nhất, và không có biến số nào I(2). Ngoài ra, mẫu dữ liệu bao gồm các biến số có bậc tích hợp hỗn hợp, gồm I(0) và I(1); do đó, phương pháp ARDL tuyến tính và phi tuyến là phù hợp nhất để khám phá mối liên kết đối xứng và bất đối xứng giữa giá dầu và lạm phát tại Việt Nam.

Bảng 5: Kết quả kiểm định đồng liên kết

Mô hình

Thống kê F

Giá trị tới hạn

Sig.

I(0)

I(1)

ARDL(3,1,0,0)

F–stat (k = 3) = 5,0041**

10%

2,72

3,77

5%

3,23

4,35

1%

4,29

5,61

NARDL(4,1,2,0,1)

F–stat (k = 4) = 6,0720***

10%

2,45

3,52

5%

2,86

4,01

1%

3,74

5,06

Ghi chú: *, ** và *** tương ứng mức ý nghĩa 10%, 5% và 1%; I(0) là cột giá trị tới hạn dưới; I(1) là cột giá trị tới hạn trên; Sig. là mức ý nghĩa thống kê.

Nguồn: Tính toán của tác giả

Tiếp theo, kết quả kiểm định đồng liên kết được trình bày trong Bảng 5. Kết quả Bảng 5 cho thấy, tác giả đều phát hiện mẫu hình cân bằng dài hạn đối xứng và bất đối xứng giữa lạm phát và các yếu tố xác định (bao gồm cả giá dầu).

Bảng 6: Kết quả hồi quy ARDL và NARDL

 

Mô hình ARDL

Mô hình NARDL

 

Hệ số

t–stat

p–value

Hệ số

t–stat

p–value

∆p(–1)

0,3815***

3,6319

0,0007

0,4104***

3,4549

0,0013

∆p(–2)

–0,2344***

–3,0309

0,0040

–0,2616**

–2,4280

0,0195

∆p(–3)

     

–0,1110

–1,4652

0,1503

∆op

0,0333***

5,6988

0,0000

     

∆op+

     

0,0391***

2,9718

0,0049

∆op–

     

0,0306***

2,8198

0,0073

∆op–(–1)

     

–0,0197*

–1,8285

0,0746

∆er

0,2829***

4,9613

0,0000

0,3163***

5,4285

0,0000

∆gap

0,0018

0,3240

0,7473

0,0073

1,1824

0,2437

ECM(–1)

–0,1452***

–5,4592

0,0000

–0,1699***

–5,5460

0,0000

op

0,0564**

2,5808

0,0130

     

op+

     

0,0799***

3,4079

0,0015

op–

     

0,0688***

3,0555

0,0039

er

1,9476***

24,101

0,0000

1,8614***

15,490

0,0000

gap

0,0127

0,3243

0,7471

0,0946

1,5987

0,1174

Hằng số

–6,3632***

–18,070

0,0000

–5,9395***

–11,782

0,0000

Ghi chú: p là mức giá cả; op là giá dầu; gap là lỗ hổng sản lượng; er là tỷ giá hối đoái; *, ** và *** tương ứng mức ý nghĩa 10%, 5% và 1%; ∆ ký hiệu sai phân toán tử và cho thấy hiệu ứng ngắn hạn.

Nguồn: Tính toán của tác giả

Bảng 6 cho thấy, trong khuôn khổ tuyến tính, hệ số ngắn hạn của biến giá dầu (∆op) là 0,0333 và có ý nghĩa thống kê tại mức 1%. Do đó, trong ngắn hạn, giá dầu tác động cùng chiều đến lạm phát, nghĩa là mỗi 1% gia tăng giá dầu thô, lạm phát trong nền kinh tế tăng 0,0333%. Kết quả này cũng được tìm thấy khi chuyển sang hiệu ứng dài hạn. Cụ thể, hệ số dài hạn của biến giá dầu (op) là 0,0564, và có ý nghĩa thống kê tại mức 5%. Tổng hợp lại, tác giả có thể khẳng định tồn tại hiệu ứng truyền dẫn lạm phát của giá dầu thô tại Việt Nam. Cụ thể hơn, giá dầu thô và lạm phát có mối liên kết cùng chiều với nhau. Vì hệ số ngắn hạn của biến giá dầu thấp hơn hệ số dài hạn, có thể thấy hiệu ứng truyền dẫn là tăng dần theo thời gian, trái ngược với các phát hiện trước đây về sự suy giảm hiệu ứng truyền dẫn của giá dầu đến lạm phát.

Ngoài ra, trong khuôn khổ phi tuyến, hệ số ngắn hạn của biến giá dầu tăng (∆op+) và giảm (∆op–) lần lượt là 0,0391 và 0,0306, tất cả đều có ý nghĩa thống kê tại mức 1%. Do đó, tác giả khẳng định:

- Giá dầu tác động cùng chiều đến lạm phát trong ngắn hạn; cụ thể giá dầu tăng 1% khiến lạm phát của nền kinh tế tăng 0,0391%; giá dầu giảm 1% khiến lạm phát giảm 0,0306%;

- Tồn tại hiệu ứng bất đối xứng ngắn hạn về mức độ trong truyền dẫn giá dầu, khi hệ số của ∆op+ và ∆op– là khác nhau;

- Trong ngắn hạn, cú sốc giá dầu dương tác động lên lạm phát mạnh hơn khi so với cú sốc giá dầu âm (∆op+ > ∆op–). Tương tự, chuyển sang hiệu ứng dài hạn, hệ số của biến giá dầu tăng (op+) và giảm (op–) tương ứng là 0,0799 và 0,0688; tất cả đều có ý nghĩa tại mức 1%. Một lần nữa, tác giả có thể khẳng định thay đổi giá dầu tác động cùng chiều đến lạm phát trong dài hạn; mỗi 1% gia tăng giá dầu khiến lạm phát tăng 0,0799%; ngược lại, mỗi 1% suy giảm giá dầu khiến lạm phát giảm 0,0688%. Ngoài ra, hiệu ứng truyền dẫn là bất đối xứng trong dài hạn, và lạm phát phản ứng mạnh hơn trước cú sốc giá dầu dương (hệ số op+ lớn hơn).

Kết luận và hàm ý nghiên cứu

Từ kết quả thực nghiệm với dữ liệu của Việt Nam cho thấy: (i) Tồn tại hiệu ứng bất đối xứng ngắn hạn và dài hạn trong truyền dẫn giá dầu đến lạm phát giá cả trong nền kinh tế Việt Nam; (ii) Giá dầu tác động cùng chiều cả trong ngắn hạn và dài hạn đến lạm phát; (iii) Lạm phát phản ứng mạnh hơn trước cú sốc gia tăng giá dầu khi so với cú sốc suy giảm giá dầu cả trong ngắn hạn và dài hạn; (iv) Hiệu ứng truyền dẫn lạm phát của giá dầu có xu hướng mạnh hơn trong dài hạn.

Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số ý kiến nhằm ổn định mức tăng trưởng của nền kinh tế, tránh các cú sốc gây ra bởi biến động giá dầu, thực thi hiệu quả các chính sách của Chính phủ:

Thứ nhất, chính sách điều hành giá xăng dầu cần hướng tới tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp. Hiện tại, do các doanh nghiệp nhập khẩu hàng đầu đều là doanh nghiệp nhà nước nên sức cạnh tranh trên thị trường chưa đủ mạnh. Việc rút ngắn khoảng cách về thị phần của các doanh nghiệp là rất cần thiết để tạo sự cân bằng trên thị trường xăng dầu. Để tăng cường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, cần phải tăng số lượng các doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường.

Thứ hai, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc phòng ngừa rủi ro từ biến động giá dầu bằng các công cụ phái sinh. Chính phủ cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các giao dịch phái sinh.

Thứ ba, doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân viên có năng lực, hiểu biết tốt về phòng ngừa rủi ro do biến động giá dầu vì hoạt động này rất phức tạp.

Thứ tư, Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo tham gia sâu rộng vào việc cung ứng năng lượng tại Việt Nam, tiến đến giảm cường độ sử dụng năng lượng hóa thạch của nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào biến động giá dầu thế giới.

Tài liệu tham khảo

  1. Alimi, A. S., Olaniran, O. D., & Ayuba, T. (2020), An assymetric evaluation of oil price–inflation nexus: Evidence from Nigeria, Energy Economics Letters, 7(1), 1–11;
  2. Fasanya, I. O., Odudu, T. F., & Adekoya, O. (2019), Oil and agricultural commodity prices in Nigeria: New evidence from asymmetry and structural breaks, International Journal of Energy Sector Management, 13(2), 377–401;
  3. Filis, G., & Chatziantoniou, I. (2014), Financial and monetary policy responses to oil price shocks: evidence from oil–importing and oil–exporting countries, Review of Quantitative Finance and Accounting, 42, 709–729;
  4. Finn, M. G. (2000). Perfect competition and the effects of energy price increases on economic activity, Journal of Money, Credit and banking, 400–416;
  5. Herrera, A. M., Lagalo, L. G., & Wada, T. (2015), Asymmetries in the response of economic activity to oil price increases and decreases? Journal of International Money and Finance, 50, 108–133;
  6. Hodrick, R. J., & Prescott, E. C. (1981), Postwar U.S. business cycles: an empirical investigation, Discussion Paper, No. 451, Northwestern University;
  7. LeBlanc, M., & Chinn, M. D. (2004), Do high oil prices presage inflation? The evidence from G–5 countries, UC Santa Cruz Economics Working Paper.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023