Các cú sốc dầu mỏ thế giới và bài học cho Việt Nam

PGS., TS. Vũ Kim Dũng - Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Bài viết khái quát sự thay đổi giá dầu trên thế giới qua các cuộc khủng hoảng chính, phân tích nguồn gốc của những thay đổi giá dầu, những tác động với nền kinh tế thế giới và phản ứng chính sách của các nước đối với sự thay đổi giá dầu. Bài viết cũng đưa ra gợi ý đối với Việt Nam để đảm bảo thị trường xăng dầu phát triển bền vững trong tương lai.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Trong 2 thế kỷ qua, thế giới đã chứng kiến các cú sốc dầu mỏ lớn và các ảnh hưởng to lớn của chúng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Các nước đã có các điều chỉnh chính sách để ứng phó với sự thay đổi của giá dầu mỏ - đầu vào quan trọng của mọi nền kinh tế.

Từ giác độ của kinh tế học, sự thay đổi giá dầu nói riêng và giá năng lượng nói chung đã gây ra tác động to lớn đến 3 vấn đề cơ bản của kinh tế thế giới: Vấn đề sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai. Các công nghệ tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và năng lượng được đầu tư nghiên cứu và triển khai trong thực tế. Trong hơn 50 năm qua, các nền kinh tế luôn cố gắng tìm ra các công nghệ và sản phẩm để thay thế cho dầu mỏ và đảm bảo phát triển xanh và bền vững. Các nguồn năng lượng xanh và sạch cũng như an toàn đã trở thành xu hướng thay thế cho việc sử dụng các nguyên liệu hóa thạch không tái tạo.

Xung đột Nga – Ukraine kéo theo đó là cuộc chiến năng lượng đã làm thay đổi xu thế đó một cách đáng kể. Giá khí đốt tự nhiên tăng hơn ba lần đã khiến cả châu Âu phải chuyển sang chế độ “tiết kiệm đặc biệt”. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ nền công nghiệp của châu Âu vốn dựa vào khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga đã bị đe dọa phá sản và hiện tượng “phi công nghiệp hóa” đã hiện hữu trong rất nhiều ngành công nghiệp của châu Âu. Do đó, nghiên cứu sự biến động của giá dầu mỏ trên thế giới từ đó đưa ra các kiến nghị đối với Việt Nam trong ứng phó với sự thay đổi của giá dầu trên thế giới có ý nghĩa quan trọng trong tương lai, tránh những sự cố mà Việt Nam gặp phải đối với giá dầu.

Các cú sốc dầu mỏ đã xảy ra trong lịch sử

Cú sốc dầu mỏ đầu những năm 1970: Trong những năm 70 thế kỷ trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới - OPEC đã tiên đoán đúng về sự phụ thuộc của các nước phương Tây vào dầu mỏ và đã hạn chế lượng cung dầu ra thị trường thế giới. Kết quả là giá dầu thô và các sản phẩm chế biến từ đó như xăng các loại đã gia tăng nhanh chóng gây ra suy thoái kinh tế ở các nước phát triển vốn dựa vào giả định giá dầu rẻ từ vùng Vịnh.

Tất cả các nưóc phát triển phương Tây đối diện với hiện tượng thiếu hụt nghiêm trọng xăng dầu và giá cả tăng cao – đầu vào của toàn bộ nền kinh tế. Quang cảnh xếp hàng dài tại các cây xăng được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Mỹ, quốc gia phát triển nhất thế giới chứng kiến cảnh xếp hàng dài cả ngày nghỉ và đích thân Tổng thống Mỹ khi đó là Carter đã phải điện đàm yêu cầu quốc vương Saudi Arabia cung cấp thêm dầu lửa để hạ nhiệt thị trường.

Cú sốc năng lượng thế kỷ XXI: Có thể nói rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ nói riêng và năng lượng nói chung lần thứ hai trong thời gian qua. Mặc dù, nguyên nhân do chiến tranh có khác cuộc khủng hoảng những năm 1970 nhưng tác động các cuộc khủng hoảng này đến kinh tế thế giới thì rất giống nhau.

Suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn thế giới và lạm phát ở các nước phương Tây bùng phát do kết quả giá năng lượng tăng cao gây ra phản ứng dây chuyền. Đại dịch COVID-19 cộng với cuộc chiến Nga - Ukraine đã đẩy thế giới vào cuộc suy thoái kinh tế mới.

Nếu trong thời gian dài, các nước phương Tây tự hào với sự ổn định kinh tế là lạm phát thấp và tỷ giá cạnh tranh thì gần đây lạm phát ở các nước phát triển đã vượt quá 10% và các nước đua nhau tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Có thể giải thích các nguyên nhân dẫn đến sự biến động của giá dầu mỏ thế giới như sau:

Dầu mỏ là món quà thiên nhiên ban tặng cho một số quốc gia trên thế giới và được con người phát hiện và sử dụng như chất đốt vào năm 1852. Ngành khai thác dầu mỏ bắt đầu từ Mỹ với giếng khoan đầu tiên của Edwin Lake Drake vào ngày 27/8/1859. Sau đó, ngành dầu khí ra đời và phát triển nhanh chóng, thu hút hơn 80 quốc gia trên thế giới vào lĩnh vực khai thác.

Các nhà kinh tế đã giải thích sự biến động lớn của giá dầu thông qua mô hình độc quyền nhóm (oligopoly). OPEC (Organization of Petroleum Exporting Countries) – Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới được thành lập vào ngày 14/9/1960. Mục tiêu chính của thành lập OPEC là phối hợp hành động sản xuất và phân bổ hạn ngạch xuất khẩu dầu mỏ cho các nước thành viên để duy trì mức giá tối ưu cho các nước thành viên khoảng 70-80 đô la một thùng qua đó thúc đẩy ngành dầu mỏ của các nước này phát triển về khoa học kỹ thuật, đảm bảo nguồn thu cho các nước thành viên và qua đó nâng cao vị thế kinh tế của các nước trên bản đồ kinh tế thế giới. Mục tiêu khác của OPEC là duy trì mối quan hệ với các nước khác ngoài OPEC để phát triển thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Như vậy, có thể nói các nước OPEC đóng vai trò quan trọng trong cung cấp dầu mỏ ra thị trường thế giới. Thiên nhiên ban tặng khoảng 79,4% trữ lượng dầu thế giới và các nước OPEC cung cấp khoảng 40% dầu thô cho thị trường dầu mỏ thế giới. Sau này OPEC cộng tác cùng với các nước xuất khẩu dầu thô khác để chi phối cung thị trường dầu mỏ thế giới và hình thành nên tổ chức OPEC+. Thông qua phối hợp hành động hợp tác, OPEC+ ngày nay hoàn toàn chi phối giá dầu thế giới.

Về phía cầu dầu mỏ, các nhà kinh tế đều thống nhất dầu mỏ là hàng hóa đặc biệt, đầu vào của các nhà máy chế biến xăng và được coi là đầu vào của toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế thế giới. Cầu đối với dầu mỏ ít co giãn do đó một sự thay đổi nhỏ của sản lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể của giá. Xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các nước phương Tây cấm vận dầu thô của Nga, các nước OPEC từ chối nâng sản lượng theo yêu cầu của Mỹ để giữ giá dầu không xuống thấp.

Hình 1: Dự trữ dầu mỏ của các nước OPECNguồn: OPEC Annual Statistical Bulletin
Hình 1: Dự trữ dầu mỏ của các nước OPEC
Nguồn: OPEC Annual Statistical Bulletin

Có thể thấy, OPEC đã có những ảnh hưởng quyết định đến giá dầu mỏ thế giới kể từ khi tổ chức ra đời những năm 60 của thế kỷ trước và vẫn tiếp tục chi phối giá dầu trong thời gian tới. Nếu như trong thế kỷ XX, giá dầu mỏ chủ yếu bởi các nước OPEC và các lý do kinh tế thuần túy thì sang thế kỷ XXI, giá dầu còn bị ảnh hưởng bởi các nhân tố chính trị, dầu đã trở thành “vũ khí” trong cuộc chiến năng lượng.

Cách thức ứng xử của các nước phát triển và bài học cho Việt Nam

Hình 2: Mô hình giá trần Nguồn: Giáo trình Kinh tế học – Đại học Kinh tế quốc dân (2018)
Hình 2: Mô hình giá trần
Nguồn: Giáo trình Kinh tế học – Đại học Kinh tế quốc dân (2018)

Trong thế kỷ XX, khi giá dầu mỏ bị OPEC đẩy lên cao thì giá xăng và các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ cũng bị đẩy lên cao gây ra lạm phát và suy thoái kinh tế ở các nước phương Tây. Khi OPEC đẩy giá dầu cao gấp 3 lần trong những năm 1970, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất và sử dụng nhiều xăng dầu nhất, Mỹ đã đối phó với giá xăng cao bằng cách đặt giá trần đối với xăng dầu để bảo vệ người tiêu dùng. Sự can thiệp bằng giá trần của Mỹ được biểu diễn ở Hình 2. Giá dầu thô tăng đã làm dịch chuyển đường cung của xăng từ S1 đến S2 và nếu để thị trường điều chỉnh giá xăng sẽ tăng rất cao đến mức P2. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã quyết định can thiệp bằng cách đặt giá trần Pt = P1. Kết quả, xuất hiện thiếu hụt của thị trường (Q1-Q3) do lượng cầu lớn hơn lượng cung tại mức giá trần đó.

Các ảnh hưởng tiêu cực của giá trần đã xuất hiện như hiện tượng xếp hàng dài tại các cây xăng và mất hàng tiếng đồng hồ để có thể mua được xăng ở các thành phố lớn như: Chicago, New York và Portland… Các nhà kinh tế Deacon Sonstelie (1989) ước lượng rằng, mỗi 1 USD tiết kiệm do giá trần thì họ mất một khoản là 1,16 USD lãng phí thời gian và các phiền phức khác. Cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây do chiến tranh Nga – Ukraine đã đẩy giá khí đốt tự nhiên tăng hơn 3 lần, dầu thô cũng tăng đáng kể và hậu quả tất cả các mức giá đều tăng dẫn đến lạm phát cao ở các nước phát triển.

Mặc dù, đời sống của người dân có bị ảnh hưởng tuy nhiên tất cả các nước phát triển đều để giá thay đổi theo cơ chế thị trường và chỉ can thiệp gián tiếp chứ không can thiệp trực tiếp như đặt giá trần hay phân phối hạn ngạch. Các chính sách gián tiếp như hỗ trợ thu nhập cho người tiêu dùng (tăng cầu), khuyến khích sử dụng tiết kiệm và đẩy mạnh sản xuất bằng năng lượng tái tạo (tăng cung) là các chính sách can thiệp của các chính phủ đối phó với sự gia tăng giá năng lượng nói chung và dầu mỏ nói riêng.

Việt Nam có ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, với nguồn dầu mỏ trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng, dầu mỏ được khai thác năm 1986 và xuất khẩu từ tháng 4/1987 đến nay. Dầu mỏ đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam theo nhiều giác độ như đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách của Chính phủ; Dầu thô đã là một trong những ngành hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch xuất khẩu mang lại kim ngạch lớn và là đầu vào cho ngành chế biến xăng dầu góp phần nào giảm nhẹ tác động của biến động giá dầu trên thị trường quốc tế.

Trong suốt thời gian kể từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường đến nay, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng xăng dầu như đầu vào của toàn bộ nền kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người lao động cũng như sức khỏe của toàn bộ ngành sản xuất. Chính phủ đã can thiệp vào thị trường xăng dầu bằng nhiều hình thức như đặt giá trần khi giá dầu thế giới tăng, lập quỹ bình ổn giá xăng dầu… và tất nhiên bên cạnh những ưu điểm của chính sách, nhiều bất cập còn tồn tại như xăng giả, buôn lậu xăng dầu qua biên giới, bán xăng không đủ số lượng, các cây xăng hoạt động cầm chừng do bị lỗ vì giá bán thấp hơn giá mua …

Với kinh nghiệm của các nước phát triển, tự do hóa kinh doanh xăng dầu là kiến nghị chính của bài nghiên cứu. Mục tiêu chính của tự do hóa giá cả xăng dầu sẽ làm cho các thành viên của thị trường hoạt động có hiệu quả hơn với người tiêu dùng thích ứng với sự biến động giá để tối ưu hóa hành vi sử dụng của mình. Các doanh nghiệp kinh doanh không bị thua lỗ và cả nền kinh tế vận động linh hoạt hơn theo cơ chế thị trường.

Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam đã có thay đổi đáng kể về quy mô so với thời kỳ đầu đổi mới. Là một nước có tốc độ tăng trưởng cao trong suốt thời gian qua và đặc biệt hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đáng kể cho nên nhu cầu xăng dầu cho nền kinh tế ngày càng lớn và càng phụ thuộc vào thị trường thế giới. Tự do hóa giá cả nói chung và xăng dầu nói riêng sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam thích ứng tốt hơn với kinh tế thế giới đầy biến động và quan trọng nhất là đảm bảo khả năng cạnh tranh bền vững trong dài hạn trong hội nhập kinh tế thế giới.

Có thể nhận thấy, thế giới hiện tại và tương lai đối diện với sự thay đổi to lớn và không đoán trước được về giá xăng dầu nói riêng và năng lượng nói chung. Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ đòi hỏi khối lượng ngày càng lớn khối lượng xăng dầu trong tương lai khi nguồn cung trong nước chưa thể đáp ứng. Tự do hóa giá cả sẽ là xu hướng tất yếu để đảm bảo khả năng thích ứng và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế nước nhà.

Tài liệu tham khảo:

  1. Minh Châu “Các biện pháp đối phó của phương Tây trước giá năng lượng tăng cao”, Hải quan online, 13/9/2022;
  2. Nhóm sản phẩm dầu thô, website Tập đoàn dầu khí Việt Nam, https://pvn.vn;
  3. Hoài Thu, “Việt Nam đang khai thác và tiêu thụ xăng dầu ra sao?”, vnexpress.net;
  4. Kinh tế học, Giáo trình của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, 2018 – NXB Đại học KTQD;
  5. Jeffrey M. Perloff Microeconomics International Edition, third edition, Pearson Addison Wesley 2004;
  6. OPEC, Annual Statistical Buttelin.